Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

(Baohatinh.vn) - Chặt keo để trồng sắn, chặt sắn để trồng keo…, sau nhiều vòng luẩn quẩn, diện tích sắn giảm hơn 500 ha trong 5 năm gần đây. Vụ xuân 2021, toàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chỉ còn xấp xỉ 1.400 ha.

Nông dân luẩn quẩn “trồng sắn hay keo tràm”

Video: Bà Văn Thị Tuyết nói về thực trạng phát triển cây sắn nguyên liệu của gia đình

Cuối năm 2020, bán sắn nguyên liệu cho nhà máy được giá khá cao (1,7 - 1,8 ngàn đồng/kg sắn tươi), gia đình bà Văn Thị Tuyết (thôn Minh Châu, xã Lâm Hợp) đầu tư mở rộng diện tích trong vụ xuân 2021. Theo chia sẻ của bà Tuyết, diện tích trồng sắn của gia đình không ổn định dù có nhà máy tiêu thụ ngay ở xã “hàng xóm” Kỳ Sơn.

Bà Tuyết cho hay: “Vùng đất trồng keo tràm của gia đình tôi rộng gần 1 ha, thời điểm năm 2011, khi nhà máy chế biến tinh bột sắn mới đi vào hoạt động, giá thu mua lên tới hơn 2 ngàn đồng/kg nên tôi chặt hết keo để trồng sắn. Sau đó, giá sắn giảm dần rồi rớt thê thảm nên tôi phải giảm diện tích, quay lại trồng keo.

Đầu năm nay, giá thu mua sắn khá cao nên tôi quyết định tăng diện tích lên 10 sào. So sánh giữa 2 loại cây, với thu mua với giá từ 1,7 ngàn đồng/kg trở lên như hiện nay (đạt lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha) thì trồng sắn cho thu nhập cao hơn. Nếu sắn giữ được giá ổn định, chúng tôi sẽ gắn bó với cây trồng này”.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

Đầu năm nay, bán được giá sắn với giá cao, bà Tuyết thuê nhân công làm đất mở rộng diện tích trong vụ xuân.

Chưa yên tâm để duy trì sản xuất ổn định cũng là tâm thế chung của những người trồng sắn vùng thượng huyện Kỳ Anh kể từ khi cây trồng truyền thống này trở thành nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Tại xã Kỳ Sơn, nơi nhà máy đứng chân, diện tích sắn từng vượt quy hoạch với hơn 500 ha (năm 2011), sau đó giảm xuống còn 300 ha (những năm 2012-2017) và khoảng 3 năm trở lại đây chỉ còn chưa đầy 250 ha.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

Khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích sắn của xã Kỳ Sơn chỉ còn chưa đầy 250 ha. (Trong ảnh:Lãnh đạo xã Kỳ Sơn (bìa phải) động viên người dân trồng sắn vụ xuân 2021).

Xã Kỳ Thượng - một trong những địa phương có diện tích sắn lớn nhất huyện, năm 2011 đạt trên 460 ha, những năm gần đây đã lùi về mức trên dưới 250 ha. Còn xã Kỳ Tây, quy hoạch diện tích trồng sắn là 300 ha và từng phủ hết diện tích, nhưng 4 năm gần đây, giảm dần về mức từ 200 - 230 ha.

Trên quy mô toàn huyện, 2011 là năm cao điểm về diện tích trồng sắn với hơn 3.000 ha. Giai đoạn 2012-2017 giảm còn 1.800 - 2.000 ha và 4 năm gần đây chỉ còn 1.000 - 1.400 ha.

Doanh nghiệp long đong, mối liên kết lỏng lẻo

Năm 2008, Công ty Vedan Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Kỳ Sơn với mong muốn khai thác tiềm năng vùng nguyên liệu sắn ở Kỳ Anh. Những năm đầu khi nhà máy đi vào hoạt động, phong trào trồng sắn ở các xã vùng thượng Kỳ Anh hết sức sôi động; giá thu mua sắn nguyên liệu khá cao, có những năm vượt trên 2 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, do không thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ và thu mua sản phẩm nên người trồng rất bị động, giá cả bấp bênh.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

3 năm gần đây do bị bệnh khảm lá, cây sắn Kỳ Anh đạt hàm lượng bột thấp. (Trong ảnh: Người dân xã Lâm Hợp thu hoạch sắn)

Điển hình là vụ sắn 2011, khi diện tích trồng sắn toàn huyện lên đến hơn 3.000 ha thì giá sắn “rớt” xuống chỉ còn hơn 1 ngàn đồng/kg. Mối liên kết giữa DN và nông dân chưa kịp xây dựng thì ngay sau đó, nhà máy chế biến tinh bột sắn lại gặp vấn đề về hệ thống xử lý môi trường và bị phá sản. Sản xuất nguyên liệu sắn cung ứng cho doanh nghiệp cũng bị đình trệ.

Cuối năm 2017, Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung mua lại cơ sở vật chất của Công ty Vedan, đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý môi trường; xây dựng mối liên kết với người dân để tái sản xuất.

Trong năm đầu hoạt động của chuỗi sản xuất mới, nhà máy thu mua sắn cho bà con lên tới 2,2 ngàn đồng/kg, tạo đà để vụ xuân 2018, diện tích sắn đạt 2.000 ha.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

Một điểm thu mua sắn nguyên liệu ở xã Kỳ Thượng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thành, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung, ngay trong vụ đầu liên kết với nông dân, DN đã gặp sự cố. Đầu vụ, DN cung ứng giống cho bà con sản xuất với cam kết sẽ trừ vào tiền bán sản phẩm cho nhà máy vào cuối vụ, nhưng khi thu hoạch, nhiều người dân lại bán sản phẩm cho thương lái ngoại tỉnh.

Vừa mất tiền giống, vừa thiếu nguyên liệu tại chỗ, nhà máy phải chật vật tìm kiếm các đầu mối cung ứng hàng từ ngoại tỉnh và cũng từ đó thiếu niềm tin khi liên kết sản xuất với nông dân.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

Dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất 1.000 tấn/ngày thường xuyên “được nghỉ ngơi” do thiếu sản phẩm.

Không chỉ gặp trục trặc trong liên kết, cuối năm 2018 - 2020, cây sắn Kỳ Anh lại bị bệnh khảm lá tấn công gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng tới hầu khắp các địa phương.

Năm 2020, dịch bệnh cộng với mưa lũ kéo dài khiến năng suất sắn đạt thấp, có thời điểm chỉ còn 19 tấn/ha (năng suất bình quân trước đó hơn 22 tấn/ha), hàm lượng tinh bột trong sản phẩm cũng không đảm bảo nên doanh nghiệp thu mua với giá thấp… Hệ quả là người trồng sắn thì nản lòng, DN thì “đói” nguyên liệu triền miên.

Video: Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung chia sẻ khó khăn trong liên kết với người trồng sắn địa phương

Ông Nguyễn Quang Thành cho biết thêm: Từ khi tiến hành sản xuất (năm 2018) đến nay, nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất 1.000 tấn/ngày, hiện lượng sắn nguyên liệu trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Phải mua nguyên liệu từ các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí là các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái với chi phí cao, nhiều năm nay, công ty liên tục thua lỗ”.

Thăng trầm cây sắn công nghiệp ở vùng thượng Kỳ Anh (bài 1): Hơn một thập kỷ liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu sắn vẫn chưa bền vững

Xe chở sắn từ các tỉnh miền Bắc về nhập sắn cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung đóng tại xã Kỳ Sơn.

Trước những khó khăn đó, cuối năm 2020, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức buổi làm việc với Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung và các địa phương trồng sắn để bàn giải pháp tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng nhằm mở rộng diện tích.

Đầu năm 2021, huyện ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2023, trong đó, trồng sắn công nghiệp được hỗ trợ về phân bón. Tuy nhiên, kết quả sản xuất vụ xuân năm nay cho thấy, dù đã có những chuyển động mới nhưng việc vực dậy vùng nguyên liệu sắn ở các xã vùng thượng Kỳ Anh vẫn còn nhiều khó khăn.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast