Ký ức ngày trở về mái trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh, nay là Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) là dịp để các thế hệ học sinh trở về tri ân các thầy, cô giáo và nhớ lại quãng thời gian đẹp đẽ thời niên thiếu.

Ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh: Những năm tháng thời bao cấp, chúng tôi được hưởng trọn tình yêu thương của thầy, cô

Tháng 8/1984, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh được thành lập với mục tiêu lựa chọn trường trọng điểm chất lượng, bồi dưỡng học sinh giỏi cho thị xã. Lúc đó, trường chỉ có 3 lớp với 3 khối học 4, 7, 8, tôi là một trong 96 học sinh đầu tiên của nhà trường được tuyển chọn từ 3 trường học liên cấp 1 & 2 trên địa bàn (Bắc Hà, Nam Hà và Lê Bình).

Có tiếng là trường năng khiếu nhưng thời điểm đó cơ sở vật chất của nhà trường chưa có, chúng tôi phải học tạm ở Trường cấp 3 Dân chính (đóng tại đường Phan Đình Phùng, nay là trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh). Thời bao cấp muôn vàn khó khăn, từ bàn ghế, phòng học đến sách vở, tài liệu học tập...

Tôi học lớp 7, trên tôi là các anh chị lớp 8: Chu Thị Quỳnh Hương, Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Hạnh Liên...; dưới là các em lớp 4 như: Phùng Tăng, Thái Anh, Cẩm Hương, Sông Hương, Hương Liên... Buổi sáng học chính khóa, chiều lại lên lớp để học bồi dưỡng học sinh giỏi, có những ngày phải học cả ban đêm vì trường thiếu phòng học nhưng phong trào học tập rất sôi nổi. Thời điểm thành lập, đúng vào giai đoạn khó khăn nhất của đất nước (trước Đại hội VI), Hà Tĩnh cũng không nằm ngoại lệ, đời sống cán bộ giáo viên gặp nhiều thiếu thốn, dù vậy, các thầy cô vẫn miệt mài với công tác giảng dạy, tận tâm dạy dỗ học trò.

Đoàn học sinh giỏi thị xã Hà Tĩnh thăm quê Bác ở Nam Đàn - Nghệ An (năm 1985).

Các thầy cô như những người cha, người mẹ mẫu mực, tận tụy vì học sinh thân yêu, không chỉ giảng dạy kiến thức trong sách vở mà còn cả kỹ năng ứng xử, giao tiếp hằng ngày; lo lắng khi chúng tôi mệt mỏi hay có những thay đổi tâm lý tuổi mới lớn… Các thầy, cô giáo như: thầy Trần Ngọc Cầu, thầy Phan Văn Kỳ, thầy Trần Hậu Thảo, thầy Nguyễn Đình Khải, thầy Nguyễn Đăng Ái, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, cô Trương Thị Huyền Huận, cô Nguyễn Thị Thanh và thầy Phan Văn Hồng giáo viên chủ nhiệm… là những người đã truyền động lực cho chúng tôi tìm kiếm kiến thức và theo đuổi đam mê đến bây giờ. Tôi còn nhớ như in những tiết dạy văn của thầy Nguyễn Đình Khải, thầy Trần Danh Tác; hình ảnh thầy Cầu đọc thơ để đưa văn chương đến gần hơn với học trò. Hay, khi đó, tài liệu, sách tham khảo còn khó khăn, nhất là các tài liệu liên quan đến toán học, các thầy, cô đã sưu tầm ở các tạp chí để làm tư liệu giảng dạy học trò, giúp chúng tôi mở mang thêm kiến thức…

Suốt 40 năm qua, tôi luôn trân quý những kỷ niệm dưới mái trường Năng khiếu thị xã, dù trong gian khó nhưng chúng tôi được hưởng trọn vẹn tình yêu thương, quan tâm dạy dỗ của các thầy, cô giáo để trở thành những công dân tốt, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Sông Hương (Ban Nghiên cứu và Đổi mới, Đại học Sorbonne Université, Paris, CH Pháp): Dưới mái trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh, tôi được ươm mầm niềm đam mê với văn chương

Khi Trường Năng khiếu thị xã thành lập, tôi mới chân ướt chân ráo từ xã Thạch Đài về thị xã. Năm học đó, tôi học lớp 4 ở trường Lê Bình và đạt giải học sinh giỏi văn nhờ bài văn miêu tả cây cột điện. Gần cuối năm học, bạn bè xôn xao chuyện dự thi vào trường Năng khiếu thị nhưng tôi không để ý do mới vừa chuyển trường, mới quen thầy, quen bạn nên không muốn chuyển trường lần nữa.

Lý do quan trọng khác là trường đang mượn chỗ tạm của Trường cấp 3 Dân chính, phải đi học bằng xe đạp. Tuy nhiên, bước ngoặt tự đến không phụ thuộc vào quyết định của tôi. Sau kì nghỉ hè, tôi bất ngờ nhận được giấy báo nhập học vào lớp 5 - Trường Năng khiếu thị xã. Cùng chuyển từ lớp 4 Trường PTCS Lê Bình còn có các bạn: Hồ Mỹ Dung và Nguyễn Thị Mạo là bạn cùng lớp, nhờ vậy, tôi vượt qua những ngại ngần ban đầu.

Lúc đó, trường mới chỉ có mấy lớp, chúng tôi là lớp 5 đầu tiên của trường do cô Đặng Thị Châu phụ trách và cô Nguyễn Thị Huệ dạy thay. Chúng tôi làm quen với các bạn mới khá nhanh và trở nên thân thiết, lớp rất đoàn kết và ai cũng chăm học. Chúng tôi rất yêu quý các cô giáo hiền từ của mình. Với chúng tôi, các cô vừa là cô giáo vừa như một người mẹ. Sang năm học tiếp theo, trường chuyển về cơ sở mới ở trường Bắc Hà, tôi còn nhớ, trường có một cái sân rộng với rất nhiều cây bàng. Thầy chủ nhiệm là thầy Trần Hậu Thảo, vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất hiền từ. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những buổi thứ hai chào cờ hằng tuần trước sân trường, nghe thầy căn dặn, từ chuyện đánh giá học tập, tác phong lề lối, cư xử lễ phép... Vào cấp 2, lớp tách thành hai, lớp văn và lớp toán. Năm đó cũng là năm chúng tôi trải qua nỗi đau mất mát lớn khi cô Đặng Thị Châu bị bệnh qua đời.

Sang lớp 7, một số bạn lớp toán dự thi vào Trường Chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An), riêng lớp văn, các bạn đều quyết định ở lại. Với tôi, đó là một quyết định sáng suốt, nhờ đó tôi được sống những năm tháng không thể nào quên cùng thầy cô và các bạn ở Trường Năng khiếu thị xã.

Tôi đến với văn chương như là một sự tình cờ nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy đó là duyên phận. Cô giáo dạy văn của chúng tôi là cô Nguyễn Thị Thu Hằng. Cô đã truyền cảm hứng cho chúng tôi được học văn một cách đúng nghĩa, học một cách say mê; được tự do sáng tạo, được phát triển trí tưởng tượng, không bị gò ép theo khuôn mẫu. Tôi học được ở cô không chỉ kiến thức văn mà còn cả phương pháp sư phạm. Từ những năm 1986 - 1988, chúng tôi đã được dạy bằng phương pháp “Lấy học sinh làm trung tâm”, điều mà cho đến 40 năm sau, người ta vẫn coi là xu hướng mới trong đào tạo. Thời còn đi học, tôi đã mong muốn mình trở thành một cô giáo dạy văn. Dù sau này tôi không hoàn toàn lấy văn làm nghề nhưng tôi vẫn đi trên con đường đấy cho đến tận bây giờ.

Tiến sĩ Phan Đình Phong (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai; giảng viên Đại học Y Hà Nội): Mái trường đã cho tôi những kỷ niệm thời niên thiếu không thể nào quên

Là học sinh của lớp chuyên Toán từ năm 1987 – 1991, đối với tôi, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh (nay là Trường THCS Lê Văn Thiêm) luôn là môi trường giáo dục mẫu mực với những người thầy, người cô yêu thương và hết lòng dạy dỗ các thế hệ học trò, cho dù đó là giai đoạn còn rất nhiều gian khó và thiếu thốn.

Kỷ niệm dưới mái trường Năng khiếu thị xã thì rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất là những buổi chào cờ đầu tuần, khi các gương học tập tốt được tuyên dương đã truyền rất nhiều cảm hứng học tập cho toàn thể học sinh. Tôi nhớ cả những hoạt động ngoại khóa, phong trào thể thao đã được nhà trường tổ chức bài bản ngay từ thời đó. Tôi nhớ những buổi diễn văn nghệ đã được thầy cô, học sinh tập luyện và biểu diễn rất có chất lượng, đạt các giải cao tại các cuộc thi của thị xã. Đặc biệt, vào những mùa mưa, sân trường ngập nước, học sinh chúng tôi phải xắn quần đến đầu gối để lội vào lớp học, bạn nào, bạn nấy quần áo đều ướt sũng. Thế nhưng, tinh thần ai cũng lạc quan, vui vẻ và hăng say học tập.

Những kỷ niệm thời niên thiếu, tình cảm với thầy cô, bạn bè dưới mái trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh đã trở thành hành trang quý giá theo tôi suốt cuộc đời, như lời nhắc nhớ quãng thời gian đẹp đẽ, trong trẻo nhất. Và, không chỉ riêng tôi mà với tất cả các thế hệ học sinh, những bài học và tình cảm mà thầy cô giáo đã dành cho chúng tôi sẽ luôn sống mãi trong trái tim mỗi người.

HCV Olympic Hóa học quốc tế Đinh Cao Sơn (SV Khoa Hóa - Trường Đại học sư phạm Hà Nội): Em luôn tự hào là học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm

Dấu mốc quan trọng để em gắn bó với môn Hóa học là từ năm lớp 8, khi em đang là học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm. Lúc đó, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoài là giáo viên dạy môn Hóa, những bài giảng của cô đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc và truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu mãnh liệt của em với Hóa học.

Cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người biết cách biến những bài học trở nên sống động và thú vị. Em vẫn nhớ như in tiết học đầu tiên cô dạy về Hoá, thay vì bắt đầu bằng những phương trình phản ứng khô khan thì cô lại bắt đầu bằng cách cho chúng em xem những thí nghiệm sinh động, giúp em và các bạn thấy được sự kỳ diệu của các phản ứng hóa học. Những hình ảnh đó gắn bó với em đến tận bây giờ và sẽ không thể phai mờ.

Cô còn luôn chỉ ra cho em những hướng đi đúng, có những lời khuyên giúp em vững tin trước các kỳ thi quan trọng và hành trình học tập sau này. Những lời động viên và chỉ dẫn của cô đã giúp em vượt qua nhiều khó khăn trong học tập và phát triển hơn trong từng bước đi. Động lực từ cô đã giúp em tự tin theo đuổi đam mê với môn Hóa học, đỗ vào lớp chuyên Hóa – Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với ngôi vị thủ khoa đầu vào và giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Năm 2023, em vinh dự là đại diện Việt Nam giành tấm Huy chương vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế tại Thụy Sĩ.

Những bước đi của em hôm nay luôn có sự dìu dắt, hướng dẫn tâm huyết của những thầy cô giáo. Đặc biệt, em luôn tự hào mình là học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm, nơi em được ươm mầm tình yêu với môn Hóa học.

Với các bạn học sinh đang học dưới mái trường, em muốn nhắn rằng nhủ rằng, hãy tận dụng mọi thời gian để tiếp thu kiến thức, nuôi dưỡng đam mê của mình. Ngoài giờ học trên lớp, các bạn hãy không ngừng khám phá bằng cách phát triển kỹ năng tự giác, tự học, tự tìm tòi. Việc chủ động tìm kiếm thông tin, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế sẽ giúp các bạn mở rộng kiến thức mà các thầy, cô giáo đã truyền thụ; hiểu biết sâu sắc hơn về môn học, tạo tiền đề cho những nấc thang học tập về sau và tiếp tục làm rạng danh bảng vàng mái trường của chúng ta – Trường THCS Lê Văn Thiêm.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói