Làm gì khi công dân “gây khó” công chức?!

(Baohatinh.vn) - Lâu nay, chúng ta thường nghe chuyện công chức “gây khó” cho người dân. Thế nhưng, chiều ngược lại, không ít tình huống, công dân lại... “gây khó” cho công chức. Để giải quyết chuyện này đòi hỏi công chức phải ứng xử thấu lý, đạt tình, tôn trọng và thông cảm với người dân.

Bạn tôi tốt nghiệp đại học, hiện là cán bộ văn hóa phụ trách mảng chính sách xã hội mới chuyển về một xã của huyện Nghi Xuân. Anh kể: lần nọ, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đến làm giấy tờ chính sách. Xem hồ sơ xong, anh trả lời: “Giấy tờ trong bộ hồ sơ của bác không đủ điều kiện, bác không thuộc đối tượng để làm chính sách này”.

Người đàn bà miệng cười tươi, tay nhẹ nhàng đẩy chiếc phong bì trượt trên mặt bàn về phía anh, nài nỉ: “Không! Chú làm được mà...”. Bạn tôi lần giở bộ thủ tục hành chính theo quy định và hướng văn bản về phía người đàn bà, nói: “Không! Bác xem xem, ở đây thủ tục hành chính quy định như vậy. Không đủ hồ sơ thì không thể làm được”.

Người đàn bà miệng lại cười rất tươi, giọng nhẹ nhàng, tiếp tục đẩy cái phong bì trên bàn hướng về phía bạn tôi: “Không...! Chú làm được mà...”. Bạn tôi rồi cũng thuyết phục được người đàn bà, đành rằng, bà ta rất không hài lòng vì không… “được việc”.

Câu chuyện của bạn tôi nói lên rằng: người dân, không hiểu từ đâu, có thể chỉ là do tâm lý, đã suy nghĩ và cứ tin rằng, cán bộ, công chức là người có thể giải quyết êm đẹp mọi việc nếu có… phong bì (bất chấp, yêu cầu đó là ngoài quy định của pháp luật).

Nếu câu chuyện trên nói về sự nhìn nhận lệch lạc của người dân về công chức, thì câu chuyện dưới đây sẽ thêm một lần cần cái nhìn rộng hơn và độ lượng hơn của người “làm đầy tớ nhân dân”.

Ông Phạm Sáu - thương binh ở một xã thuộc huyện Thạch Hà, năm nay gần 80 tuổi. Từ khoảng tháng 5/2016 đến tháng 12/2016, ông đã lên UBND xã nhiều lần để xin Đảng ủy, UBND xã xác nhận cho một tờ giấy mà ông nói: “Để mai kia chết đi, con cháu biết ông đã cống hiến gì”.

Tờ giấy của ông đơn giản là xin xác nhận ông từng: làm bí thư đoàn xã, tham gia kháng chiến chống Mỹ, đi xây dựng hồ Kẻ Gỗ... Chủ tịch UBND xã trả lời ông Sáu: không thể xác nhận cho ông vì không có hồ sơ lưu trữ nói về các việc này như từng làm bí thư đoàn xã.

Ông Sáu nói đủ điều và đưa nhiều “giấy mời” mà đoàn xã đã nhiều lần mời ông tham dự kỷ niệm ngày thành lập đoàn với tư cách là nguyên bí thư đoàn xã, tuy nhiên vẫn không được.

Ông Sáu gặp Phó Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy cũng trả lời tương tự. Bực bội, ông đến gặp bí thư đoàn xã căn vặn, bí thư đoàn xã trả lời, vì thấy trước đó ông thuộc diện được mời là nguyên bí thư đoàn thì mời chứ không có hồ sơ lưu trữ, lịch sử đảng bộ xã thì chưa xuất bản. Một công chức vì thương ông đã hỏi ngành chuyên môn cấp trên. Ngành trả lời, hiện chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác nhận các giao dịch dân sự như trên. Đến nay, mong muốn của ông vẫn chưa được thấu tỏ và giải quyết.

Câu chuyện rất đơn giản, ông Sáu chỉ muốn giáo dục con cháu biết trân trọng công lao của ông, khi ông chết đi, người ta sẽ đọc tiểu sử ông cho mọi người nghe mà khó vậy. Có lẽ, ở đây cần một sự thông cảm và thấu hiểu để giải quyết mọi việc, dù pháp luật quy định không rõ ràng nhưng sự việc có tính hợp lý và hoàn toàn chính đáng. Bởi, ông Sáu còn lưu giữ một số giấy tờ có liên quan, những người cùng thời với ông hiện vẫn còn sống, có thể làm chứng...

Người dân, có trường hợp do những hạn chế nhất định, đôi khi dễ gây phiền toái đối với người làm công vụ. Đạo đức của người làm công vụ là làm đúng luật đã đành nhưng đôi khi, nhiều trường hợp cần sự thông cảm và thấu hiểu để giải thích, chia sẻ và nếu được… giải quyết một cách hợp lẽ thông thường. Đó là cách tốt nhất để xây dựng hình ảnh công chức với tiêu chuẩn: có hiểu biết, thân thiện, tôn trọng nhân dân.

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.
 Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Từng là nơi giao thương của người dân địa phương, nhưng hiện nay chợ Đình (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày càng hoạt động kém hiệu quả, nhiều hạng mục đã hư hỏng.
Bất an bên bờ kênh sạt lở ở Nghi Xuân

Bất an bên bờ kênh sạt lở ở Nghi Xuân

Bờ kênh phía sau cầu Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân ở đây luôn trong tình trạng bất an, lo lắng trước mùa mưa lũ.