Làm giàu từ nghề "vọc đất" ươm cây

(Baohatinh.vn) - Làm bạn với đất cát, mầm cây, hạt giống, anh Trần Ngọc Văn ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.

Anh Trần Ngọc Văn (52 tuổi, thôn 8, xã Phúc Trạch) bén duyên với nghề ươm cây giống cách đây hơn 22 năm. Từ đó đến nay, mỗi ngày, anh đều làm bạn với đất cát, với mầm cây, hạt giống.

4.jpg
Anh Trần Ngọc Văn bén duyên với nghề ươm cây giống từ năm 2002.

"Năm 2002, nhận thấy nhu cầu trồng cây dó bầu của bà con nông dân địa phương tăng cao, tôi mày mò học nghề ươm cây giống. Ban đầu chỉ nghĩ đây là nghề làm thêm để mưu sinh nhưng càng làm càng thấy đam mê. Quy mô sản xuất của mùa đầu tiên chỉ khoảng 20 nghìn cây dó bầu ngay tại vườn ở thôn 8, xã Phúc Trạch (0,1ha). Dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng cây giống vẫn cho mức thu nhập khá. Nhận thấy nghề này có triển vọng, đặc biệt là ở địa phương miền núi, nhu cầu trồng cây rất lớn nên sau mỗi mùa sản xuất, tôi lại mở rộng quy mô", anh Văn kể lại.

1.jpg
Vườn ươm của anh Văn được đầu tư kiên cố, hiện đại.

“Khoe” cơ ngơi sau hơn 20 gây dựng, anh Văn dẫn chúng tôi đến một cơ sở khác tại thôn 8, xã Hương Đô (Hương Khê). Trên diện tích 0,5ha, bốn bề được trồng cây dó trầm, ở giữa vườn được gia chủ sử dụng để ươm cây giống. Những năm gần đây, nhu cầu của khách hàng tìm mua dó bầu nhiều nên gia đình anh tập trung sản xuất loại cây này. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu người dân, anh Văn sẽ sản xuất các loại giống cây keo, sưa đỏ…

Vườn ươm này được quy hoạch thành nhiều khu khác nhau để phân loại cây giống. Trong đó, khu gieo hạt được lợp kín hoàn toàn, khu vực cây con được làm bằng khung sắt kiên cố, lợp màng nhựa che mưa hoàn toàn và che nắng khoảng 60%; còn lại với các bầu cây lớn hơn được bố trí ngoài môi trường tự nhiên để cây tập thích ứng. Toàn bộ vườn ươm đều có lắp đặt hệ thống tưới tự động.

2.jpg
Trừ chi phí mỗi năm anh Văn thu về khoảng 400 triệu đồng từ nghề ươm cây giống.

Anh Văn phấn khởi cho biết, ngoài 2 địa điểm trên, tôi còn mở thêm một cơ sở khác cùng ở thôn 8, xã Phúc Trạch (0,1ha) làm điểm giới thiệu, bán hàng. Riêng với cây dó bầu, vụ sản xuất sẽ bắt đầu từ khoảng tháng 5. Sau hơn 20 năm kinh nghiệm, tôi cho rằng, công đoạn xử lý đất khi bắt đầu sản xuất là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của mùa vụ. Về cơ bản, nghề ươm cây giống không có nhiều khó khăn. Hạt giống sau xử lý, ngâm, ủ… sẽ được gieo trên đất pha cát hoặc hoàn toàn trên cát; sau hơn 1 tuần, hạt sẽ nảy mầm và sau khoảng 20 ngày sẽ được cấy vào bầu đất.

3.jpg
Vụ sản xuất năm nay, anh Văn làm gần 100 nghìn bầu cây.

Năm nay, anh Văn làm gần 100 nghìn bầu cây. Ngoài thuê 2 công nhân làm việc thường xuyên với nhiệm vụ chăm sóc cây giống (lương trên 6,5 triệu đồng/tháng) anh còn sử dụng khá nhiều nhân công làm nghề đóng bầu. Trung bình mỗi người sẽ làm từ 1.500 – 2.500 bầu/ngày, tương ứng với mức tiền công từ 300 - 500 nghìn đồng. Vào đợt cao điểm, các cơ sở có đến hơn 10 công nhân làm thời vụ, mức thu nhập theo sản phẩm.

Hiện nay, cây giống từ vườn ươm của anh Văn không chỉ cung cấp cho thị trường trong huyện mà còn phục vụ khách hàng ở nhiều địa phương khác như Can Lộc, Hương Sơn, có thêm khách hàng từ tỉnh Nghệ An và thậm chí có cả người mua đến từ nước bạn Lào. Giá mỗi cây giống hiện nay dao động từ 5 - 10 nghìn đồng. Với các loại bầu cây lớn hơn, giá cũng cao hơn, ở các mức từ 15 - 40 nghìn đồng/cây. Nhờ vậy, cây giống cũng cho “lộc” rất khá. Với quy mô hiện nay, mỗi năm, gia đình anh Văn có thể đạt doanh thu khoảng 700-800 triệu đồng, trừ chi phí và tiền thuê nhân công có thể thu về khoảng 400 triệu đồng.

5.jpg
Chị Quỳnh làm công thường xuyên tại vườn ươm chính với mức thu nhập hơn 6,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, nghề nào cũng có những khó khăn riêng. Với nghề ươm cây giống, theo anh Văn, khó nhất là gặp lũ lụt. Những năm lũ lớn, nhà vườn sẽ trắng tay hoàn toàn do cây nhỏ dễ mắc các loại nấm, bệnh và tốc độ lây lan rất nhanh. Dù vậy, nghề này đã “gây nghiện” nên với tôi quyết tâm gắn bó cả đời".

Chị Đinh Thị Quỳnh (thôn 8, xã Hương Đô) phấn khởi chia sẻ, nhờ anh Văn, chúng tôi có việc làm và mức thu nhập ổn định. Hơn nữa, vườn ươm cũng giúp chúng tôi thuận tiện trong việc trồng vườn, trồng rừng phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Theo bà Phạm Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, với quy mô sản xuất gần 100 nghìn bầu cây/năm, vườn ươm của gia đình anh Văn là một trong những vườn lớn nhất trên địa bàn xã, có uy tín và được nhiều khách hàng tin tưởng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Văn còn tạo việc làm thời vụ cho người dân địa phương. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn kỹ thuật giúp nhiều hộ dân trên địa bàn trồng cây hiệu quả, vươn lên phát triển kinh tế.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.