Mỗi gia đình đều sắm cho mình một con thuyền nhỏ để làm nghề...
Bãi sông đoạn qua Đức Thọ, Hà Tĩnh chủ yếu là cát trộn bùn non nên để ra thuyền, dân chài phải bắc thêm 1 chiếc cầu khỉ.
Ngư cụ chuyên dùng để đánh bắt tôm trên sông là những chiếc lừ dài hàng chục khoang làm từ lưới, được cố định thành khung vuông bằng gọng thép 6.
Hàng ngày, tầm khoảng 16h, ngư dân làng chài đem lừ ra đặt sông và chèo thuyền ra xa để thả lừ xuống đặt. Tôm theo dòng chảy sẽ tự nhiên lọt vào những chiếc lừ đã được đặt sẵn. Ngư dân sẽ đợi và tầm khoảng 20 - 23h đêm sẽ vớt lừ lên gỡ tôm cho vào những vật dụng chứa nước để sáng sớm mai mang ra chợ bán.,
Tôm thu được là loại tôm cọng rất được ưa chuộng. Giá của loại tôm này dao động trên dưới 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, các gia đình ở đây sẽ thu được khoảng 500 - 600 nghìn đồng. Vào mùa lũ thì có thể đánh bắt được nhiều gấp đôi ngày thường.
Thỉnh thoảng, gặp may, dân chài dưới chân cầu Thọ Tường còn bắt được loại tôm càng xanh đắt đỏ. Đây là giống tôm nuôi ở các ao hồ, theo nước tràn, nước lụt trôi ra sông và lớn lên giữa tự nhiên. Loại này nếu có sẽ được khách hàng săn đón với giá 700 - 800 nghìn đồng/kg.
Sau khi vớt lừ lên khỏi mặt nước và đổ tôm đem đi bán, người đàn ông trong gia đình dân chài sẽ ở lại trên thuyền và bắt đầu công việc vệ sinh lừ. Trước đây, làm thủ công khá vất vả nhưng hiện nay người dân đã sắm máy xịt tạo áp để rửa nên công việc nhẹ nhàng và nhanh hơn.
Khi lừ được rửa sạch cũng là lúc người phụ nữ từ chợ thực phẩm trở về. Họ sẽ cùng chồng phơi phong ngư cụ. Lừ có khi được phơi giữa sân...
Có khi phơi ngoài ngõ vắng...
Có khi lại được lồng vào cọc tre phơi theo phương thẳng đứng....
Và, trong khi những chiếc lừ được nghỉ ngơi chờ một ngày làm việc mới thì những đứa trẻ dân chài sẽ theo bố mẹ lên thuyền vui đùa. Những đứa trẻ xóm chài cứ vô tư cười đùa trên sông nước mà chưa hề biết, dòng sông La chính là một ân nhân nuôi dưỡng cuộc đời mình...