Lãng phí chứng chỉ ngoại ngữ: Dành cả thanh xuân để học lấy chứng chỉ

Mặc dù đã học tới 16 năm chương trình tiếng Anh nhưng khi tốt nghiệp đại học với chứng nhận đạt chuẩn đầu ra do trường cấp, nhiều bạn trẻ vẫn chưa thể xin được việc bởi mỗi đơn vị lại yêu cầu một loại hình khác nhau. Việc “rối” trong đánh giá năng lực trình độ ngoại ngữ cùng nhiều quy định về chứng chỉ/chứng nhận đang khiến nhiều tấm chứng chỉ thi xong chỉ “xếp xó”.

Lãng phí chứng chỉ ngoại ngữ: Dành cả thanh xuân để học lấy chứng chỉ

Tại sao phải có chứng chỉ khi đã học tới 16 năm?

Nguyễn Hồng Nhung ở Thái Bình, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường, nhưng khi đi xin việc tại một công ty chuyên về nhập khẩu họ lại yêu cầu phải có chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS. Đến khi học xong chứng chỉ TOEFL, Nhung tìm được một vị trí việc làm tốt hơn thì đơn vị này lại chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS.

Theo Nhung, hiện nay có quá nhiều loại chứng chỉ/chứng nhận ngoại ngữ và không thống nhất trong việc sử dụng các loại chứng chỉ trên ở các đơn vị sử dụng lao động nên ứng viên xin việc phải “chạy như đèn cù” hay lâm vào tình huống “đẽo cày giữa đường”.

“Nếu muốn ứng tuyển vào vị trí tốt hơn, em bắt buộc lại phải ôn thi để lấy chứng chỉ IELTS. Như vậy, ngoài 16 năm học tiếng Anh từ lớp 1 đến hết đại học, em sẽ phải trải qua 3 lần lấy chứng chỉ là chứng chỉ đầu ra của trường, TOEFL và IELTS. Mà mỗi cấu trúc bài thi của từng loại hình lại khác nhau nên thi loại hình nào cũng đều phải dành thời gian, công sức và tiền bạc để học. Đúng là dành tuổi thanh xuân để học lấy chứng chỉ” - Nhung chia sẻ.

Tương tự, L.T.A, tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM muốn xin việc tại một doanh nghiệp với mức lương khá hấp dẫn nhưng khi nộp chứng chỉ VNU-ETP do Đại học Quốc gia TPHCM cấp (chứng chỉ này được công nhận chuẩn đầu ra tại trường) thì không được chấp nhận bởi đơn vị tuyển dụng không biết về loại chứng chỉ này, họ yêu cầu phải có chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hoặc chứng chỉ quốc tế.

Còn Nguyễn Thị Trang ở Lạng Sơn cũng bỏ hẳn ý định lấy bằng tốt nghiệp đại học ở một trường thuộc Đại học Thái Nguyên chỉ vì thiếu chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra. Trang cho hay: “Sau khi học xong tất cả các môn năm 2015, mình chỉ còn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ để đảm bảo đầu ra nữa nhưng do công việc kinh doanh bận rộn mình không có thời gian để học và thi nên lâu dần quên luôn cả ý định lấy bằng đại học. Bây giờ đi làm, chứng chỉ đầu ra cũng chẳng để làm gì. Tại sao học từ lớp 1 đến đại học, học tiếng Anh cơ sở rồi đến chuyên ngành mà sau đó vẫn phải thêm một vài tấm chứng chỉ nữa?” - Trang đặt câu hỏi.

Những vướng mắc mà Nhung, L.T.A, Trang gặp phải không phải là hy hữu. Hiện nay, theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn ngoại ngữ sẽ bắt buộc học từ lớp 3. Với những địa phương có điều kiện thuận lợi có thể triển khai ngay từ lớp 1. Như vậy, môn ngoại ngữ sẽ gắn bó với một người học đến hết đại học từ 14 đến 16 năm. Thậm chí, là nhiều hơn thế khi có những em được tiếp cận ngoại ngữ ngay từ bậc mầm non.

Thế nhưng, lạ lùng thay nếu muốn tốt nghiệp đại học, muốn thi công chức, viên chức, muốn nâng ngạch, bổ nhiệm, muốn học nâng cao trình độ hay xin việc đều… vẫn cần có một tấm chứng chỉ/chứng nhận ngoại ngữ. Nhiều người đặt vấn đề cần thiết phải có một tấm chứng chỉ/chứng nhận không, khi môn ngoại ngữ đã được đào tạo từ rất sớm, tại sao chứng chỉ tiếng Anh do các cơ sở tại Việt Nam cấp lại ít được công nhận.

Vòng luẩn quẩn học - thi - đủ hồ sơ

Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng trước hết, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng tại sao học tiếng Anh tới 14-16 năm nhưng mãi không sử dụng được, thi loại nào là phải ôn thi rất vất vả. Đây là lỗi của hệ thống, trước hết là chất lượng của đội ngũ về kỹ năng dạy học tiếng Anh.

Hiện nay, trong các trường học, chủ yếu mới chỉ dạy kiến thức hàn lâm, nặng về lý thuyết ngữ pháp mà không dạy mang tính chất thực hành vì thế khả năng nghe - nói - đọc - viết đều rất kém. Đây chính là sai lầm trong cách dạy học tiếng Anh.

Mặt khác, chính việc đo lường, đánh giá cũng đang theo chủ trương như vậy dẫn tới học sinh và giáo viên ngày càng học lệch, dạy lệch. Đơn cử như thi tốt nghiệp THPT vẫn chỉ dừng ở việc thi trắc nghiệm, không kiểm tra được hết các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.

“Trong hệ thống giáo dục, kể cả hệ thống đánh giá cũng vẫn mang tư duy của quá khứ cách đây 20-30 năm khi nước ta thúc đẩy phong trào học tiếng Anh, ít người biết thì đòi hỏi chứng chỉ để khuyến khích mọi người đi học. Nhưng khi đã có khung trình độ quốc gia, quy định rất rõ, học xong hình thức nào phải đạt trình độ tương xứng thì không cần thiết phải có chứng chỉ, chứng nhận để thêm lãng phí công sức, tiền bạc” - TS Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ.

Ông Vinh cho rằng chính từ thực tế này buộc đơn vị sử dụng lao động không tin vào chất lượng đào tạo trong các trường, thành ra, mỗi nơi yêu cầu một loại chứng chỉ. Sau đó, dẫn đến hàng loạt vấn đề kéo theo như quan liêu, hình thức, có chứng chỉ cho đủ hồ sơ, mua bán chứng chỉ… chứ không gắn với nhu cầu việc làm thực tế.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho biết sai lầm lớn nhất của sinh viên là học tiếng Anh để tốt nghiệp đại học, hoặc học để đạt được một mục đích nhất định nào đó nên trước yêu cầu khác với những thứ mình đã “ôn tủ” để thi thì đều lúng túng. Đây là quá trình học không thực chất, chỉ học phần ngọn để đi thi nên bị mất gốc.

Còn với tuyển dụng, nhất là với hệ thống công lập, đôi khi còn hình thức và quy định bởi một tấm chứng chỉ dẫn đến nhiều hệ luỵ kéo theo như “chạy” để được tổ chức thi chứng chỉ, mua - bán chứng chỉ cho đẹp hồ sơ.

“Chúng ta cần xác định mục đích rõ ràng, không phải là bệnh hình thức. Chứng chỉ nào cần thiết thì dứt khoát học phải học, còn những công việc không nhất thiết phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng vẫn “cố” để yêu cầu dẫn đến tiêu cực, hình thức, chống đối” - TS Khuyến chia sẻ.

Theo các chuyên gia, đây là hệ quả của cả một quá trình từ đào tạo đến tuyển dụng vì thế, muốn người Việt có trình độ tiếng Anh thực thì không nên đặt nặng vấn đề chứng chỉ mà phải xem trọng năng lực sử dụng tiếng Anh thực sự.

Theo Huyên Nguyễn/Laodong

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua đã có những cách làm hay trong việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh, giúp các em tập trung hơn cho việc học.