Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

(Baohatinh.vn) - Tháng 5 như một lời hẹn, trên những nẻo đường về Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) thơm ngát hương sen lại rộn rịp những bước chân, mang theo muôn vàn nỗi nhớ thiết tha của người dân đất Việt hướng về 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Cứ mỗi dịp tháng 5, lối về quê Bác lại rộn rịp bước chân.

Đã nhiều lần trở về Làng Sen quê Bác nhưng hôm nay trên con đường Xứ Nghệ non xanh nước biếc ấy, trong tôi đong đầy cảm xúc; bởi người đi cùng là cha tôi - một nông dân Hà Tĩnh 91 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, trong trái tim luôn vẹn nguyên niềm yêu kính vị Cha già dân tộc.

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Căn nhà gỗ 5 gian, lợp tranh ở làng Sen của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) là nơi Người đã sống thời niên thiếu.

Cha tôi sinh vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, không có ruộng vườn, mẹ phải đi làm thuê cho địa chủ để nuôi 3 đứa con thơ. Lớn lên trong cảnh dân tộc lầm than, nô lệ, cha tôi cũng như hàng vạn trẻ thơ nước Việt đứng trước tương lai tối tăm mà ông cha mình đã trải qua.

Ông luôn căn dặn chúng tôi, nhờ có Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người dân nước Việt đã bước sang trang mới của độc lập, tự do…

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Niềm hân hoan trở về thăm quê Bác khiến cha tôi như trẻ lại.

Tin yêu Bác, tin yêu cách mạng, cha đã tích cực tham gia kháng chiến và không ngừng cống hiến xây dựng, bảo vệ quê hương. Với cha tôi, ngày sinh nhật Bác 19/5 mỗi năm, ông chưa bao giờ quên treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc và dành những bông sen tươi thắm dâng lên bàn thờ Bác Hồ… Và hôm nay, trên những con đường Kim Liên thơm ngát hương sen ấy, bước chân thoăn thoắt, ánh mắt hân hoan khiến cha như trẻ lại.

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Các em học sinh say sưa nghe kể chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ tại làng Sen.

Trong chuyến về nguồn lần này, tôi còn bắt gặp rất nhiều gương mặt từ mọi miền Tổ quốc. Tất cả họ đều rạng ngời hạnh phúc khi được đặt chân đến quê hương Bác Hồ kính yêu và lắng sâu niềm xúc động với những câu chuyện về tuổi ấu thơ của Người nơi “Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha”. Bà Nguyễn Thị Sách (65 tuổi) đến từ TP Yên Bái chia sẻ: “Sau bao năm mong mỏi, tôi đã về đây thăm quê hương Bác Hồ. Chúng tôi, ai cũng xúc động và hạnh phúc vô bờ. Được tìm hiểu về từng kỷ vật, nghe câu chuyện về cuộc đời của Người, chúng tôi càng thêm kính yêu Bác bội phần”.

....

Niềm hạnh phúc của những người con về thăm quê Bác khiến tôi nghĩ đến trong thăm thẳm thời gian và không gian, bao người dân Việt Nam từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, từ biên giới xa xôi đến hải đảo trùng dương đã và đang mang theo bao nỗi nhớ Bác đằm sâu trong trái tim. Và, tháng 5 này, muôn trái tim ấy đều hướng về Người với niềm kính yêu vô hạn.

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Căn nhà Bác ở quê ngoại Hoàng Trù.

Mỗi lần về thăm làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác, tôi lại bồi hồi xúc động trước mảnh vườn, căn nhà bình yên, nơi gắn với tuổi thơ của Bác. Những kỷ vật như: chiếc võng, khung cửi dệt vải… như vọng về trong tôi những năm tháng tuổi thơ của Người. Ở đó, người mẹ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác tảo tần ngồi dệt vải, ru con trong điệu ví, giặm ngọt ngào… Khung cảnh bình dị, đơn sơ nhưng chất chứa sự hy sinh lặng thầm của người phụ nữ Xứ Nghệ - người mẹ Việt Nam đã sinh ra người con vĩ đại cho dân tộc và nhân loại.

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Những kỷ vật về người mẹ Hoàng Thị Loan và câu chuyện về tuổi thơ Bác ở quê ngoại Hoàng Trù qua lời kể của các hướng dẫn viên tại Khu di tích Kim Liên luôn khiến mọi người xúc động.

Chị Lê Thị Liễu (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đây là lần thứ 4 tôi về quê Bác nhưng lần nào cảm xúc cũng dâng trào. Nhất là khi ngắm nhìn những kỷ vật gắn liền với tuổi thơ của Người, gắn liền với công việc, sự hy sinh cao cả của người mẹ Hoàng Thị Loan. Tôi thầm biết ơn sâu sắc người mẹ đã sinh ra vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc”.

Trên lối về quê Bác hôm nay, giữa biển người hành hương về nguồn, còn có những đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên từ khắp mọi miền đất nước. Em Trần Duy Huy (học sinh lớp 11A1, Trường THPT Nam Yên Thành, Nghệ An) bày tỏ: “Là thế hệ trẻ được sinh ra trên quê hương Bác Hồ, em rất vinh dự và tự hào. Đó là động lực để chúng em luôn nỗ lực phấn đấu học tập, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với những tình cảm, sự hy sinh to lớn của Bác Hồ và những kỳ vọng của Người vào thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam”.

...

Dẫn dắt du khách trở về với ký ức tuổi thơ Bác Hồ là những hướng dẫn viên trong tà áo dài màu cánh sen tại Khu di tích Kim Liên. Chị Hoàng Thị Hoài Thu, hướng dẫn viên tại khu di tích chia sẻ: “Tôi gắn bó với khu di tích đến nay đã hơn 10 năm, càng làm càng say mê. Chứng kiến tình yêu của người dân cả nước và cả du khách nước ngoài dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lại thấy nhiệm vụ này thật thiêng liêng, ý nghĩa”.

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Gắn bó với Khu di tích Kim Liên hơn 10 năm nay, mỗi ngày chị Hoàng Thị Hoài Thu lại thêm yêu công việc của mình.

Khi dịch bệnh tạm lắng, những bước chân càng rộn ràng trên khắp nẻo đường Làng Sen, Hoàng Trù… Chỉ trong tháng 4/2022, đã có 1.851 đoàn khách, với 23.757 lượt người, trong đó có 20 đoàn khách là người nước ngoài về thăm quê Bác. Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, trung bình mỗi ngày, khu di tích đón trên 1.000 đoàn khách…

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Từ trái qua và trên xuống: Một bức ảnh trong triển lãm "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"; các em học sinh say mê khi xem những bức ảnh quý về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoa sen nở trong Khu di tích Kim Liên; đoàn khách về thăm quê Bác chụp ảnh trước ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ ở làng Sen.

Đặc biệt, dịp này, du khách khắp mọi miền đang náo nức hòa mình vào Lễ hội Làng Sen với nhiều hoạt động ý nghĩa do tỉnh Nghệ An tổ chức, như: trưng bày chuyên đề ảnh “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, Liên hoan tiếng hát Làng Sen, lễ rước ảnh Bác, các trò chơi dân gian…

Làng Sen trong muôn vàn thương nhớ...

Hồ sen trên đường về quê ngoại Hoàng Trù.

Rời Kim Liên trong chiều tháng 5, nắng vàng rải xuống những con đường xanh tươi rợp màu cờ đỏ, bầu trời quê Bác thêm xanh cao lộng gió, như thấy đâu đây bóng dáng của Người trong câu hát vọng về: “Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư, mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam”.

Và tôi tin, cũng như tôi, cha tôi, bà Sách, chị Liễu, em Huy và hàng vạn người khác nữa, về Kim Liên hôm nay, mỗi người dân khắp mọi miền đất nước, bằng tất cả tấm lòng thành kính sẽ nỗ lực xây đắp quê hương ngày càng giàu đẹp. Đó là những bông sen hồng tươi thắm nhất dâng lên mừng sinh nhật Bác Hồ.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.