Quán cà phê Trường Chim (ngõ 11 – Hải Thượng Lãn Ông, TP Hà Tĩnh) là điểm hẹn của những người mê chim cảnh. Không trang trí cầu kỳ, không nhạc trẻ, nhạc vàng, quán cà phê “hút” khách bằng thứ âm nhạc đặc biệt – “bản giao hưởng” của các chú chim chào mào. Khi đến đây, mọi người đều say sưa lắng nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn những chú chim “thả dáng” và kể những câu chuyện bất tận về chim.
Như một thói quen, mọi người đến đây chỉ việc lặng lẽ treo lồng chim của mình lên...
Anh Cường Việt Đức – chủ quán cà phê Trường Chim cho hay: “Ngoài kinh doanh, anh mở quán cà phê này để thỏa mãn niềm đam mê chim chào mào cho bản thân và những người cùng sở thích. Đây là địa điểm để dượt chim, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, thưởng thức tiếng chim hót của nhiều người mê chim trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Nếu không am hiểu về loài vật này, người ta thường thấy chiếc lồng nào cũng giống nhau, con chim nào cũng từa tựa. Nhưng dân nuôi chim thì chỉ cần nhìn là biết ngay đó là giống chim nào, giọng hót ra sao, hình – bộ - tướng (ngoại hình của chim – PV) có đạt chuẩn hay ko…”
...và chọn một chỗ ngồi hợp lý rồi cùng nhìn ngắm, lắng nghe những chú chim cất tiếng hót.
Cà phê Trường Chim là điểm hẹn thường xuyên của những thành viên câu lạc bộ chim chào mào BLUE trên địa bàn thành phố. Mỗi sáng, họ thường mang các lồng chim của mình đến để chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc và luyện hót. Như một thói quen, mọi người đến đây chỉ việc lặng lẽ treo lồng chim của mình lên. Chọn một chỗ ngồi hợp lý rồi cùng nhìn ngắm, lắng nghe những chú chim cất tiếng hót.
“Không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, 25 thành viên của CLB đều có chung một sở thích và đam mê với chim cảnh. Chúng tôi thường tổ chức thi đấu vào dịp cuối tuần để anh em trong câu lạc bộ được thử sức và bắt đầu cho những giải đấu lớn hơn. Những cuộc thi như thế này không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ thành viên CLB mà tất cả những ai đam mê chim cảnh ở khắp nơi đều có thể tham gia” – Anh Lê Văn Lâm, Chủ CLB BLUE chia sẻ.
Những chú chim được đưa đến trường chim để tập dượt, rèn luyện chuẩn bị cho các giải đấu
Thú chơi chim cảnh phải xuất phát từ lòng đam mê thực sự mới có thể lâu bền. Những người chơi theo kiểu phong trào thì chỉ thích nghe chim hót, còn việc cho chim ăn, tắm, vệ sinh lồng chim… lại khó có thể làm trọn vẹn. Như thế thì không luyện được chim hay và rất dễ chán. Đối với người có đam mê thực sự, thuần dưỡng được con chim đứng trong lồng mà vẫn dõng dạc cất lên tiếng hót tự nhiên như giữa chốn rừng hoang mới…“sướng”.
"Nuôi cá dưỡng Tâm, nuôi chim dưỡng Trí, nuôi cây dưỡng Thần". Chơi chim cảnh rèn luyện cho người chơi tính kiên nhẫn, chờ đợi, không nóng vội trước mọi tình huống cũng như tính nhẹ nhàng, từ tốn… Người nuôi chim sẽ chứng kiến các giai đoạn của con chim: Từ khi mới bị nhốt vào lồng, mất tự do, buồn chán, không ăn không hót cho đến khi quen lồng, quen cuộc sống tù túng, chịu ăn, chịu sống... rồi cất tiếng hót... Từ đó rút ra các chân lý trong việc rèn luyện ý chí, vượt qua khó khăn cho bản thân.
Anh Cường Việt Đức và bộ sưu tập danh hiệu từ các giải đấu chim
Theo kinh nghiệm của những người chơi chim cảnh, khi đã thuần dưỡng đến giai đoạn ra giọng, dạn dĩ và muốn thi đấu thì cần thường xuyên đưa chim đến những tụ điểm tập trung nhiều chim cùng loại (trường chim – PV) để “dượt” chim.
Đến với Trường Chim, những chú chim sẽ được tiếp xúc với nhiều người để quen dần với những trận đấu lớn cũng như có cơ hội để học hỏi, thi thố với những con chim khác. Như thế, chim sẽ ngày càng có “lửa”, dạn dĩ, giọng hót càng thêm hay.
Giữa những bức bí, bận rộn của công việc, của thời tiết nắng cháy da, nhìn những người nuôi chim cảnh nhâm nhi ly cà phê và say sưa nghe đàn chim thi nhau trổ giọng, nhìn chúng vỗ cánh, xòe đuôi, chao lượn, chạy cầu… mới thấy cảm xúc của thú chơi này quả là không bạc vàng nào mua được...