Lao động “ca 3”, chế độ chỉ 1,5 triệu đồng/tháng

(Baohatinh.vn) - Đội ngũ cán bộ kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Tĩnh hiện đang phải thực hiện nhiệm vụ đặc thù, làm việc vất vả vào đêm khuya, môi trường độc hại nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng...

Anh Hoàng Văn Lĩnh - Cán bộ kiểm soát giết mổ đang cùng với cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi (KHKT&BVCTVN) huyện Lộc Hà kiểm soát hoạt động trong giết mổ tại lò mổ tập trung Thạch Châu.

3h sáng, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Lĩnh (cán bộ kiểm soát giết mổ) tại lò mổ tập trung của xã Thạch Châu (Lộc Hà) đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong ánh điện leo lét, mùi hôi tanh đặc trưng của gia súc khi bị giết thịt bốc lên khắp mọi nơi, anh phải đi kiểm tra, nhắc nhở các tể lô chấp hành nghiêm túc quy trình giết mổ, đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng trước khi đưa thịt lên đóng dấu kiểm dịch.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Lĩnh cho biết: “Dù là mùa đông hay mùa hè, từ 2h đến 6h sáng tôi đã phải có mặt ở lò mổ để kiểm tra, kiểm soát các công việc trong và sau giết mổ. Sau đó lại rong ruổi khắp các khu chợ trên địa bàn các xã Thạch Châu, Thạch Mỹ, Thạch Kim, Hộ Độ để phúc kiểm nhằm ngăn chặn tình trạng giết mổ chui. Đến 4 giờ chiều lại phải có mặt tại lò mổ để kiểm tra gia súc đầu vào và các vấn đề khác có liên quan...".

Anh Lĩnh đóng dấu kiểm dịch trước khi đưa thịt đến với người tiêu dùng

“Phải làm việc trong môi trường độc hại, thức đêm thường xuyên, có khi “va chạm” với người quen khi họ chấp hành chưa tốt nhưng chế độ đãi ngộ rất thấp.

Trước đây, số lượng nhiều (giết mổ khoảng 20 con/đêm) thì tôi có mức thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng nhưng nay vì dịch bệnh, giá cả cao, lò mổ chỉ giết thịt khoảng 10 con lợn/đêm nên tôi chỉ còn nhận được thù lao trên 1 triệu đồng/tháng. Tôi phải làm thêm nhiều việc, chạy vạy đủ nơi mới đủ trang trải cuộc sống”, anh Lĩnh than thở.

1h sáng, anh Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ kiểm soát giết mổ tại lò mổ Phù Lưu, huyện Lộc Hà) đã phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tương tự, 16 năm gắn bó với lĩnh vực thú y, kiểm soát giết mổ, anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Tân Lộc (Lộc Hà) đang phải gắng gượng với công việc tại lò mổ Phù Lưu để bảo đảm đủ năm đóng bảo hiểm kẻo sau này thiệt thòi quyền lợi. Nhà cách lò mổ gần 4 km nên anh thường phải ngủ qua đêm tại lò giết mổ để 1h sáng dậy bắt đầu công việc của một ngày mới.

Mỗi đêm ở đây giết thịt khoảng 10 con lợn, 6 con bò; mọi công việc liên quan đến an toàn, vệ sinh, đóng dấu xuất lò đến kiểm tra tại các khu chợ đều một mình anh Dũng đảm nhận, thế nhưng, mỗi tháng từ công việc này cũng chỉ vỏn vẹn hơn 2,4 triệu đồng...

Thịt lợn mổ tại lò mổ tập trung xã Phù Lưu (huyện Lộc Hà) được kiểm tra lần cuối trước khi đóng dấu để mang đi tiêu thụ.

Ông Phan Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Lộc Hà cho biết: “Lực lượng kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được chúng tôi ký hợp đồng lao động. Nguồn chi trả chế độ được trích 80% từ nguồn thu từ lệ phí kiểm soát giết mổ trong lĩnh vực thú y (7.000 đồng/con lợn, 14.000 đồng/con trâu bò), 20% còn lại là dùng để nộp thuế và mua sắm trang phục, thiết bị phục vụ lại hoạt động này.

Để cán bộ kiểm soát giết mổ đảm bảo thu nhập tối thiểu thì mỗi lò mổ phải giết mổ trên 30 con gia súc/đêm, nhưng hiện nay số lượng giết mổ thấp nên dẫn đến đời sống anh em không đảm bảo”.

Không chỉ có ở Lộc Hà mà đội ngũ cán bộ kiểm soát giết mổ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đều thấp. Cá biệt, trên địa bàn huyện Vũ Quang chỉ có 1 lò giết mổ tập trung ở thị trấn Vũ Quang. Tuy nhiên, mỗi đêm lò mổ này chỉ giết mổ được vài con, mỗi năm chỉ thu được vài triệu đồng lệ phí để trả cho cán bộ kiểm soát giết mổ kiêm cán bộ thú y thị trấn. Gần đây, cơ sở này đã đóng cửa, và đương nhiên chế độ của cán bộ kiểm soát giết mổ này cũng không còn...

Không kể thời tiết mưa hay nắng, đông hay hè, từ 1h sáng, cán bộ kiểm soát giết mổ đã phải dậy làm việc (Trong ảnh: Cán bộ kiểm soát giết mổ (người đang đi bên phải) làm việc tại lò mổ phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh).

Theo thông tin chúng tôi có được từ Sở NN&PTNT thì hiện nay, Hà Tĩnh có 40 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (trong đó có 7 cơ sở đang tạm dừng hoạt động) với 62 cán bộ chuyên môn được các trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện hợp đồng.

Dù đây là lực lượng quan trọng, trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, góp phần kiểm soát dịch bệnh, ATVSTP và thường xuyên làm việc vào thời gian đêm khuya, sáng sớm, điều kiện khó khăn nhưng tiền công thấp (bình quân chỉ đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng).

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói