Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nằm sát biên giới Việt – Lào, những công nhân ở Nông trường Cao su Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) hơn 10 năm qua sống trong cảnh không điện lưới, không sóng điện thoại, không nước sạch. Nhưng, bằng ý chí và nỗ lực, họ vẫn cố bám trụ để đưa cây cao su vươn mình trên mảnh đất khô cằn này...

Hơn 10 năm sống 3 “không”

Những ngày cuối năm trời se se lạnh, chúng tôi vượt gần 30 km đường núi từ thị trấn Phố Châu đến Nông trường Cao su Sơn Hồng thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh. Nông trường nằm cuối thôn 8, xã Sơn Hồng, giáp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) 2 km, giáp biên giới Việt – Lào 15 km và tách biệt với khu dân cư.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Nông trường Cao su Sơn Hồng cách biên giới Việt – Lào 15 km, tách biệt với khu dân cư.

Được thành lập vào tháng 2/2010, Nông trường Cao su Sơn Hồng quản lý diện tích 448.75 ha là nơi làm việc của 22 lao động chính thức (17 công nhân hợp đồng, 5 lao động gián tiếp) và 22 lao động thời vụ.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Leo lên chiếc thang đặt cạnh tường nhà, anh Yên tranh thủ “bắt” sóng điện thoại để gọi điện về cho gia đình.

Nằm khuất sau những hàng cao su bạt ngàn, dãy nhà cấp 4 màu vàng ẩm thấp, mùi mủ cao su xông lên nồng nặc, la liệt chén hứng mủ là nơi sinh hoạt, ăn ở của các công nhân suốt hơn 10 năm nay.

Đang vắt vẻo trên chiếc thang sắt dựng bên tường nhà, thấy chúng tôi đến, anh Lê Hữu Yên (SN 1983, quê ở Hương Khê) - quản lí nông trường giãi bày: “Phải làm như thế để “bắt” sóng điện thoại. Ở đây, mỗi lần muốn liên lạc là chúng tôi phải trèo lên thang để kiếm sóng nhưng lúc được lúc không”.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Anh Lê Hữu Yên giãi bày: Hơn 10 năm qua, chúng tôi sống trong cảnh không điện lưới, không nước sạch, không sóng điện thoại, gần như biệt lập với bên ngoài. Anh em hay nói với nhau, sống ở đây “mở mắt là đồi, mở nồi là nhút”.

Theo anh Yên, vấn đề cấp thiết nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của công nhân nông trường này đó là không có đường điện lưới. Nguồn điện duy nhất là một chiếc tua-bin nhỏ đặt ở khe Mọi, cách khu nhà tập thể hơn 100 mét dùng cho cả nông trường. “Tuy nhiên, cũng chẳng đáng là bao. Nhất là về mùa mưa, nước dâng lên là tua-bin không thể hoạt động” – anh Yên tư lự.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Chiếc tua-bin nhỏ là nơi cung cấp nguồn điện thắp sáng cho cả nông trường.

Cách khu tập thể khoảng 100m là nhà ông Nguyễn Chiến Thắng (76 tuổi, quê ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn). Ông theo con trai (là công nhân nông trường) lên đây đã hơn 9 năm nay. Vì nhà xa, ông là một trong 5 gia đình công nhân được nông trường cho mượn đất dựng nhà để ổn định cuộc sống.

Điện từ tua-bin không đủ để sử dụng, mỗi ngày, ông Thắng đều phải tranh thủ nạp điện cho ắc quy để tối về còn có điện để dùng. Ở đây điện thắp sáng đã khó, thế nên nói đến tivi, tủ lạnh lại càng xa xỉ. Nhà cách chợ hơn 15 km, mỗi ngày, ông phải dậy từ sáng sớm để đi mua thực phẩm nhưng cũng chỉ mua đủ ăn trong ngày vì không có tủ lạnh để lưu trữ.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Hằng ngày, ông Thắng không quên nạp điện cho ắc quy để có điện sử dụng vào buổi tối.

“Hơn 9 năm nay, tôi phải dùng điện từ chiếc tua-bin dưới suối, điện bình ắc quy. Điện yếu không thể xem tivi, sóng mạng điện thoại không có nên việc nắm bắt thông tin bên ngoài hầu như không thể. Ở đây, nếu muốn gọi điện thoại, phải chạy xe máy gần 5 km ra giữa thôn mới có sóng. Mùa mưa, tua-bin không hoạt động, chúng tôi dùng đèn dầu, nấu cơm bếp củi, ăn nước lấy từ suối, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thắng kể.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Không đủ điện sinh hoạt, ông Thắng vẫn phải sử dụng bếp củi để đun nấu.

Gặp chúng tôi khi vừa đón con đi học về, anh Lương Văn Vỹ (SN 1983, quê Nghệ An) tâm sự: “Vì nhà cách xa trường học của con hơn 10 km, nên sáng sớm tôi đã phải dậy từ 5h cho 2 con ăn rồi chở đến trường, xong mới quay trở về làm việc. Đến gần 11h đã phải nghỉ làm chạy ra đón, về nhà lại vội vàng nấu cho con ăn để đi học buổi chiều”.

Mỗi ngày, khoảng 19h tối điện từ tua-bin yếu, anh Vỹ phải cắm bình ắc quy khoảng 2 tiếng để 2 con học bài, anh và vợ tranh thủ ăn cơm. Sau 21h, mọi hoạt động phải dừng lại bởi không còn đủ điện.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Trong ngôi nhà còn chưa kịp hoàn thiện, góc học tập của em Lương Bảo Ân (con trai anh Lương Văn Vỹ) được thắp sáng bởi dòng điện từ ắc quy.

Ở nông trường có 9 con em công nhân là học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3. Không có điện, không có sóng điện thoại đã ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các cháu.

Không điện thoại, không điện thắp sáng và cái không thứ 3 ở nơi heo hút này là nước sạch sinh hoạt. Anh Lê Hữu Yên tâm sự: “Chúng tôi ở đây hơn 10 năm là chừng ấy thời gian phải sử dụng nước suối cho mọi sinh hoạt từ nấu ăn cho đến tắm giặt. Năm 2012, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ con suối gần nông trường đưa nước về bể thay cho việc gánh nước suốt hơn 1 năm ròng trước đó”.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Nguồn nước duy nhất để sử dụng tại nông trường và 5 hộ dân xung quanh được dẫn về từ con suối gần đó.

Thế nhưng, theo anh Yên, chỉ có nông trường mới có bể lọc nước tự xây bằng sỏi thô sơ, lọc được những bùn đất hay lá cây. Còn những hộ dân xung quanh thì vẫn phải dùng nước trực tiếp từ suối. Về mùa mưa lũ, nước suối bị vẩn đục, cả nông trường lại dùng nước mưa thay thế.

“Ròng rã suốt hơn 10 năm qua, chúng tôi đã khoan rất nhiều giếng nhưng vẫn không thể tìm được mạch nước ngầm. Vì thế, cuộc sống của cả nông trường đành phụ thuộc vào bể nước suối này” – anh Yên cho biết thêm.

Vẫn nuôi dưỡng ước mơ về cuộc sống đầy đủ hơn

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Cuộc sống của công nhân còn nhiều gian khó, nhưng những cánh rừng cao su vẫn mướt mát xanh.

10 năm gắn bó với nông trường, trải qua biết bao khó khăn vất vả, vợ chồng anh Phạm Văn Hữu (SN 1984) luôn có mong ước một ngày không xa nơi đây có điện lưới, có sóng điện thoại, có nước sạch để có động lực tiếp tục làm việc.

Giấc mơ có điện cứ đau đáu trong suy nghĩ của anh: “Người lao động ở đây luôn “ngóng trông” đến một ngày điện, nước và sóng về để anh em công nhân còn có hy vọng bám nghề, con em học sinh có điều kiện ăn học tốt hơn”.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Những đôi bàn tay vẫn ngày ngày cần mẫn chắt chiu những dòng “vàng trắng”...

Và giấc mơ đổi đời, cho một tương lai tươi sáng hơn của những con người nơi đây được họ chuyển hóa thành hành động, bằng hoạt động sản xuất của nông trường. Những đôi bàn tay vẫn ngày ngày cần mẫn chắt chiu những dòng “vàng trắng” để cuộc sống đủ đầy hơn, cho ước mơ kia gần thêm.

Anh Yên cho biết: “Giữa muôn vàn khó khăn, công nhân Nông trường Cao su Sơn Hồng vẫn kiên trì bám trụ với những cánh rừng cao su. Và, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng từ đó được nâng lên. Năm ngoái, toàn nông trường thu được hơn 110 tấn mủ, năm nay là hơn 140 tấn mủ, với giá bán hiện tại là 37 triệu/tấn, đưa về cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê gần 5 tỷ đồng.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

... mang về cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê doanh thu hàng tỷ đồng.

Rời nông trường khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi cứ trăn trở bởi câu nói của em Lương Bảo Ân – con trai anh Lương Văn Vỹ (học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng): “Cuộc sống thiếu thốn khiến em không theo kịp được bạn bè. Mỗi lần về nhà, em không thể trao đổi bài vở thêm với giáo viên và không có mạng để xem những giờ dạy trên truyền hình. Em luôn mong về một ngày ở đây sẽ có điện, giúp cho em và những học sinh ở đây có điều kiện tiếp cận thêm nhiều nguồn thông tin mới”.

Chuyện về nông trường cao su 3 “không” ở vùng biên Hà Tĩnh

Trong điều kiện khó khăn, những cậu học trò nhỏ vẫn miệt mài đèn sách để nuôi dưỡng ước mơ về một ngày không xa, cuộc sống ở đây sẽ đổi thay, đầy đủ hơn.

Còn nhiều tâm tư của những đôi vợ chồng, những thanh niên trẻ đang chịu đựng gian khổ để bám trụ với cây cao su. Mong rằng, ước mơ có điện, có sóng, có nước sạch sinh hoạt để “bắt nhịp” với cuộc sống của họ sớm thành hiện thực, tương lai không xa, nơi đây họ sẽ được an cư lạc nghiệp.

Do số hộ dân không nhiều, không quy hoạch được cụm dân cư nên không thể kêu gọi đầu tư điện lưới, nước sạch. Chính quyền xã đã có những kiến nghị, đề nghị với các cấp, các ngành hỗ trợ xây dựng trạm, kéo điện lưới nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Ông Thái Quốc Trình - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hồng

Chủ đề PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.