Di cư trái phép sang Úc - “Tiền mất, tật mang”!

(Baohatinh.vn) - Với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo, khao khát cuộc sống sung túc, không ít người dân đã tin theo lời hứa hão huyền của các “cò môi giới”: sang nước Úc làm việc sẽ có mức lương cao, “xuất cảnh” nhanh chóng và ít tốn kém so với con đường di cư hợp pháp. Câu chuyện này tưởng chừng đã cũ nhưng hiện vẫn còn “nóng” và là vấn đề nhức nhối tại một số địa phương.

Tan giấc mộng đổi đời

Tháng 4/2013, nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ môi giới xuất khẩu lao động, chị N.T.H (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) cùng với 5 chị em khác di cư trái phép sang Úc. Từ Việt Nam, chị H. cùng 71 người khác lên thuyền đi Indonesia, rồi vượt biển sang Úc. Hơn một tuần lênh đênh trên biển, chị và những người cùng đi không có gì ăn ngoài bát cháo trắng, nước uống cũng không và thuyền hết dầu không thể cập bờ. May mắn khi lực lượng chức năng Úc phát hiện và đưa vào trại tị nạn. 7 tháng sau, những người này bị trục xuất về nước.

Di cư trái phép sang Úc - “Tiền mất, tật mang”! ảnh 1

Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) tại Việt Nam phối hợp Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo về phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền

Anh P.V.H, vốn là thương lái ở xã Cổ Đạm, vì tin lời “đường mật” của những kẻ môi giới, đã bỏ 20 triệu đồng để được làm thủ tục lên đường sang Úc. Thế nhưng, khi anh đang ở TP Hồ Chí Minh chờ thuyền vượt biên thì bị lực lượng hải quan phát hiện và phải quay về.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp tay trắng trở về sau chuyến “xuất ngoại” sang Úc làm ăn. Thế nhưng, được trở về đoàn tụ với gia đình như chị N.T.H và anh P.V.H vẫn còn may mắn. Hàng trăm trường hợp khác đang bị tạm giữ tại trại di cư nước Úc hoặc chịu đựng cuộc sống chui lủi, khổ sở.

Di cư trái phép sang Úc - “Tiền mất, tật mang”! ảnh 2

Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ năm 2009-2013, cả nước có 976 người di cư trái phép sang Úc. Tháng 10/2013, Chính phủ Úc đã trả 28 người Việt về nước vì không có thị thực. Hà Tĩnh, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu là 3 tỉnh có số người di cư trái phép sang Úc đông nhất cả nước. Riêng huyện Nghi Xuân có 79 người di cư trái phép và mới chỉ 5 người được trở về.

Thiếu hiểu biết về pháp luật cùng với sự nhẹ dạ, cả tin, nhiều người đã đặt cược tính mạng của mình và tài sản của gia đình vào giấc mơ đổi đời bằng con đường nhập cư trái phép sang Úc. Chị H. nói trong nước mắt:”Tôi tưởng đã phải bỏ mạng ở trên biển, không dám nghĩ còn được trở về như thế này”…

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Vẫn biết rằng, xuất khẩu lao động có thể giúp nhiều gia đình đổi đời, thế nhưng, phải bằng con đường hợp pháp. Để hạn chế tình trạng di cư trái phép, việc cần làm là thay đổi nhận thức của người dân.

Di cư trái phép sang Úc - “Tiền mất, tật mang”! ảnh 3

Truyền thông thông qua các vở kịch phản ánh hệ lụy tình trạng di cư trái phép.

Ông Phan Thanh Là - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là đối với các gia đình có con em di cư trái phép. Qua đó, góp phần thay đổi suy nghĩ, hành động của người dân”.

Bà Đỗ Thị Thanh Mai - Điều phối viên Tổ chức IOM tại Việt Nam cảnh báo: Hiện nay, Chính phủ Úc đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và cứng rắn nhất từ trước tới nay để phòng chống nạn đưa người di cư trái phép bằng tàu thuyền. Hơn nữa, Chính phủ Úc chưa từng ký kết hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Vì vậy, bất cứ người nào di cư đến Úc bằng tàu, thuyền mà không có thị thực, đều bị trục xuất ngay lập tức. Do đó, người dân cần cảnh giác trước lời dụ dỗ của những kẻ lừa gạt.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cùng ngành chức năng và các địa phương phối hợp với IOM tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đối với những người di cư trái phép; đồng thời, có nhiều biện pháp hỗ trợ đưa người Việt về nước an toàn. Tuy nhiên, do địa bàn dân cư rộng, nhận thức của một số người dân về vấn đề này còn hạn chế nên để công tác này mang lại hiệu quả, các ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về di cư an toàn, phòng chống di cư trái phép; tăng cường công tác phối hợp, phát hiện và xử lý các vụ việc đưa người di cư trái phép.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast