Học làm “thầy”, ra làm “thợ”!

(Baohatinh.vn) - Không chịu cảnh thất nghiệp, nhiều cử nhân, kỹ sư buộc phải tìm đến những công việc phổ thông kiếm tiền, trang trải cuộc sống. Bán quần áo, giữ xe, chạy bàn nhà hàng, đánh giày, phụ hồ… là những việc không còn xa lạ đối với sinh viên sau khi ra trường.

Tốt nghiệp Trường Đại học Vinh nhưng Nguyệt (thị trấn Xuân An - Nghi Xuân) lại trở thành nhân viên bán quần áo của một shop thời trang trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh - Nghệ An).

4 năm trên giảng đường với biết bao mơ mộng, hoài bão, nhưng sự đời không dễ như Nguyệt tưởng. Ra trường với bộ hồ sơ khá hoàn hảo, bằng giỏi, tin học, tiếng Anh… đầy đủ nhưng đến cơ quan nào Nguyệt cũng nhận được những cái lắc đầu. Phần vì mệt mỏi chờ đợi, phần vì không muốn “ăn bám” bố mẹ, Nguyệt xin đi bán quần áo.

Khi còn đi học, nhiều sinh viên không nghĩ ra sẽ làm trái nghề
Khi còn đi học, nhiều sinh viên không nghĩ ra sẽ làm trái nghề

Nguyệt tâm sự: “Khi còn đi học, mình không ngờ ra trường lại làm nghề này. Nhưng để được làm ở đây cũng không dễ dàng, bởi họ không tuyển người trình độ cao vì sợ không gắn bó lâu dài…, phải đến địa chỉ thứ ba mình mới tìm được việc. Thời gian đầu thực sự rất khó khăn, giờ đã quen dần. Nhớ nhất là lần gặp đứa học trò ngày mình đi thực tập. Chưa kịp nhận ra, thì nó đã ngạc nhiên: “Ơ, cô! Răng cô lại bán ở đây?”. Là cử nhân, đi bán quần áo, lúc đầu mình hơi ngại nhưng không xin được việc nên đành chấp nhận”.

Nói đến bán quần áo, người ta thường nghĩ đó là công việc nhẹ nhàng, nhàn rỗi, nhưng không phải thế. Bởi theo lời Nguyệt thì thời gian làm việc kéo dài từ 8h sáng đến 9h tối, thậm chí 10h. Tháng 30 ngày không một ngày nghỉ, không lúc nào rảnh tay, hết lau dọn nhà, xếp - treo quần áo đến chào mời khách...

“Lúc nào gặp khách, hàng chạy thì chủ vui vẻ, hôm ế ẩm họ xoi mói là “nuôi không công”… Nhiều khi muốn bỏ việc, nhưng vì miếng cơm, manh áo lại tiếp tục làm. Không may mất vài bộ đồ, tháng đó coi như làm không lương… Công việc vất vả, nhưng lương thưởng chẳng được là bao. Với số tiền 2 triệu đồng/tháng, khó mà đủ chi tiêu cho cả tháng - Nguyệt cho biết thêm.

Chị Phan Thị Hằng (25 tuổi, quê ở xã Hương Thủy - Hương Khê), tốt nghiệp Đại học Hà Tĩnh năm 2011 nhưng đến nay vẫn là nhân viên phục vụ quán bia hơi ở TP Hà Tĩnh. Với đồng lương eo hẹp 2 triệu đồng/tháng, Hằng hết sức lo lắng: “Gia đình làm nông lại đông anh em, cha mẹ phải vay ngân hàng mấy chục triệu để mình theo đuổi ước mơ. Ra trường gần 3 năm, không được đi dạy, phải làm việc phổ thông nhưng cũng không ổn định, “nhảy” hết việc này sang việc khác. Nợ ngân hàng đã đến kỳ trả nhưng thu nhập như hiện nay, không biết khi mô mới trả hết nợ?!”.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh có tới 3.000 người trình độ thạc sỹ, đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Và không dừng lại ở đó, hiện nay vẫn còn rất nhiều cử nhân, kỹ sư đang làm trái nghề, phải bám trụ những công việc xa lạ với ngành nghề được đào tạo. Bất cập hơn là nhiều người đã là cử nhân, kỹ sư, nhưng làm trái ngành thì phải chấp nhận học trung cấp mới có thể tồn tại. Điều này không chỉ tiêu tốn thời gian, tiền bạc của cá nhân họ mà còn gây lãng phí rất lớn về các điều kiện phục vụ đào tạo.

Học làm “thầy”, ra trường làm “thợ” đang là thực trạng rất “nóng” hiện nay và không biết đến bao giờ bức tranh lao động - việc làm mới có tín hiệu khả quan?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast