Lao động "chui" trên đất Thái - Cơn sốt chưa hạ nhiệt!

(Baohatinh.vn) - Bất trắc, rủi ro và cả những cái chết thương tâm nơi đất khách vẫn không làm "hạ nhiệt cơn sốt" lao động "chui" tại Thái Lan. Lúc cao điểm, Hà Tĩnh có hơn 10.000 lao động sống chui, làm chui trên đất Thái. Cuộc sống ở nhiều làng quê bị xáo trộn, nhiều giá trị truyền thống bị phai nhạt. Sự bất lực của các cơ quan quản lý, sự bế tắc của một bộ phận lao động nông thôn... Tất cả đang đòi hỏi những giải pháp căn cơ từ chính sách hợp tác lao động.

Trăm phương kiếm tiền

Hầu như ở tất cả các thành phố trên đất Thái Lan đều có người Hà Tĩnh mưu sinh. Nhiều nhất vẫn là thủ đô Bangkok, tiếp đến là những thành phố lớn như Pattaya, Phukhet, Chiengmai… Với trăm thứ nghề để kiếm sống. Phổ biến nhất vẫn là nghề bưng bê, dọn dẹp, trông xe trong các nhà hàng, tiếp đến là bán rong trên đường phố, rồi giúp việc tại gia, làm thợ may, thợ sửa chữa cơ khí cho các cơ sở sản xuất, thậm chí, có người làm nghề hành khất.

Lao động "chui" trên đất Thái - Cơn sốt chưa hạ nhiệt! ảnh 1
Một lao động quê Lộc Hà (Hà Tĩnh) bán nước dừa trên hè phố Bangkok

Có những công việc hết sức lạ lẫm như sắp bi, lau cần, trong các trung tâm giải trí bi-a. Chị L.T. T. (quê xã Hồng Lộc, Lộc Hà) cho biết, lau cần sắp bi là công việc nhàn hạ mà thu nhập cao nhất. Công việc mỗi ngày của Thủy bắt đầu từ 8h tối đến sáng hôm sau. Lương tháng chỉ khoảng vài ba nghìn bạt (tương đương 1,5-2 triệu đồng tiền Việt Nam) nhưng đổi lại, mỗi đêm có thể được khách “bo” cả nghìn bạt, tính ra, mỗi tháng thu nhập cũng được mấy chục triệu đồng.

Tiền “bo” gần như là nguồn thu nhập chính của lao động phục vụ trong các nhà hàng, quán ba, trung tâm giải trí. Anh N.Q.D. (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết, để có được một chân giữ xe tại nhà hàng Laplaya, cạnh khu đèn đỏ ở thủ đô Bangkok, Dũng và nhóm bạn thậm chí phải trả cho ông chủ mỗi tháng 20.000 bạt, tương đương 13 triệu đồng tiền Việt Nam). Bù lại, mỗi lái xe ô tô vào gửi thường sẽ “bo” từ 50-100 bạt. Đêm ít cũng được vài trăm xe, đêm cuối tuần có thể lên tới cả nghìn xe. Mỗi tháng, D. và anh em có thể kiếm được 10-15 triệu đồng từ tiền “bo” của khách chơi.

Đây là khoản thu nhập tương đối cao so với công việc phổ thông tại quê nhà, tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền cũng không kém phần nhọc nhằn. Phần nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải thức đêm, ngủ ngày, làm những việc mà người Thái hầu như ít khi đụng tới. Anh N.V.A (xã Gia Hanh, Can Lộc) cho biết, ngoài bồi bàn, làm bếp tại nhà hàng, anh còn phải chấp nhận làm cả những việc như dọn dẹp nhà vệ sinh, đấm lưng thư giãn cho thực khách chỉ cốt để tăng thêm thu nhập.

Muôn kế trốn tránh

Nỗi ám ảnh lớn nhất của lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh tại Thái Lan nói riêng chính là cảnh sát. Đơn giản vì họ nhập cảnh vào Thái Lan với tư cách là khách du lịch nhưng rồi ở lại để lao động kiếm tiền. Do vậy, sự lưu trú quá thời hạn 30 ngày là bất hợp pháp, công việc cũng không được pháp luật bảo hộ và thừa nhận. Chị P.T.T. (xã Thạch Tân, Thạch Hà) chia sẻ: Ra đường, nếu gặp cảnh sát thì cứ thành thực nói là đi làm, còn trả lời lòng vòng ắt sẽ bị gây khó khăn, bởi họ biết quá rõ người mình sang đây chủ yếu với mục đích gì.

Lao động "chui" trên đất Thái - Cơn sốt chưa hạ nhiệt! ảnh 2
Lau cần bi-a thường bắt đầu từ 20h tối đến sáng hôm sau nhưng được xem là công việc dễ kiếm tiền nhất (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Để tồn tại trên đất Thái, người lao động Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã tìm ra nhiều phương cách để được cảnh sát Thái bỏ qua cho những hành vi vi phạm. Mặt khác, cách phổ biến nhất được người lao động áp dụng là giả làm thủ tục xuất cảnh rồi sau đó lại nhập cảnh. Theo cách này, hàng tháng, họ phải xuống cửa khẩu Campuchia hoặc lên cửa khẩu Lào để đi gia hạn hộ chiếu (người trong cuộc gọi là đi “tò” hộ chiếu). Cũng có những người chấp nhận không gia hạn để “hộ chiếu chết”, rồi khi trở về nước lại phải đi chui, thậm chí vượt biên. Từ nhu cầu của người lao động đã hình thành nên những nhóm người chuyên đảm nhận khâu đi “tò" hộ chiếu hoặc là đưa người qua lại cửa khẩu theo những cách trái phép khác nhau.

Gần đây, khi giới quân sự tạm thời lên nắm quyền ở Thái Lan, việc quản lý người nước ngoài được siết chặt, dẫn tới công việc của lao động Việt Nam nói chung càng thêm khó khăn. Đã có một số lượng lớn lao động Hà Tĩnh buộc phải trở về vì không thể trốn tránh.

Cần có nghị định thư về hợp tác XKLĐ

Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, lúc cao điểm có khoảng 10.000 lao động là con em Hà Tĩnh sống chui, làm chui trên đất Thái, trong đó, Can Lộc có tới 4.000 lao động; Thạch Hà, Lộc Hà mỗi huyện từ 2.000 - 3.000 lao động. Tất cả đều nhập cảnh vào Thái Lan theo con đường du lịch rồi ở lại làm thuê với đủ thứ công việc.

Không phủ nhận những đồng bạt kiếm được từ Thái Lan dù ít, dù nhiều đã cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, cơn sốt rời bỏ quê hương sang Thái làm thuê cũng đang gây nên rất nhiều hệ lụy sau lũy tre làng. Trên thực tế, đã có những vụ án mạng thương tâm mà người lao động phải gánh chịu bởi pháp luật Thái Lan hoàn toàn không bảo hộ.

Lao động "chui" trên đất Thái - Cơn sốt chưa hạ nhiệt! ảnh 3

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Can Lộc) Trần Trí Quang cho biết, toàn xã có 7.800 dân thì hơn 1.000 người đang lao động tại Thái Lan. Có nơi như xóm Nhật Tân gần 100% số người trong độ tuổi lao động hiện đang ở Thái. Cuộc sống xáo trộn khi nhiều cặp vợ chồng bỏ lại con cái cho ông bà nuôi dạy; nhiều học sinh bỏ học giữa chừng; thậm chí, có cả những cán bộ xã, thôn xin nghỉ việc chỉ để theo người nhà sang Thái Lan kiếm tiền.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Sơn, để giải quyết căn cơ tình trạng này, chính phủ 2 nước Việt Nam và Thái Lan cần đàm phán ký kết một nghị định thư về hợp tác xuất khẩu lao động, tương tự Việt Nam và Malaysia đã làm. Điều này không chỉ hợp pháp hóa lao động Việt Nam tại Thái Lan mà còn mở ra một thị trường lao động mới với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập chính đáng.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Hà Tĩnh quan tâm giải quyết việc làm và sinh kế cho người khuyết tật

Hà Tĩnh quan tâm giải quyết việc làm và sinh kế cho người khuyết tật

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội ở Hà Tĩnh đã quan tâm hỗ trợ sinh kế, đào tạo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người khuyết tật có môi trường làm việc an toàn, thu nhập ổn định; giúp họ tự tin vươn lên, hoà nhập cộng đồng.
Những người mạnh dạn "rời công, sang tư"

Những người mạnh dạn "rời công, sang tư"

Thay đổi tư duy, nắm bắt xu hướng mới, nhiều lao động ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn chuyển đổi từ khu vực công sang khu vực tư để tìm kiếm việc làm phù hợp hơn với năng lực, sở trường.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các cấp bộ Đoàn Hà Tĩnh triển khai sôi nổi, thúc đẩy ĐVTN làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Hai kỳ nghỉ lễ dài ngày trong tháng 4

Hai kỳ nghỉ lễ dài ngày trong tháng 4

Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp 30/4-1/5 có ngày lễ rơi vào ngày làm việc bình thường nên công chức, người lao động được nghỉ liền kề, hoán đổi để có kỳ nghỉ dài 3-5 ngày.
Chở thuê cây cảnh, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Chở thuê cây cảnh, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Dịp cận tết, trên các tuyến phố ở TP Hà Tĩnh, những người làm nghề chở cây cảnh thuê vẫn đang miệt mài làm việc với hi vọng kiếm thêm thu nhập để gia đình có cái tết ấm cúng hơn.
Để tất cả người lao động Hà Tĩnh đều có Tết

Để tất cả người lao động Hà Tĩnh đều có Tết

Thực hiện kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp tết Nguyên đán, các cấp công đoàn ở Hà Tĩnh đồng loạt triển khai chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” 2025 với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.