Nhọc nhằn nữ thợ hồ

(Baohatinh.vn) - Trên các công trường xây dựng, không khó bắt gặp hình ảnh chị em tất bật bê từng bao xi măng, đẩy xe rùa chuyển hồ hay “lơ lửng” trên giàn giáo... Cuộc mưu sinh đã kéo những người phụ nữ vào công việc cực nhọc vốn thường dành cho phái mạnh.

Mùa đông giá rét. Những trận gió ùa về như cắt da cắt thịt. Thế nhưng, những nữ thợ hồ lại mồ hôi ướt đẫm. Từ sáng sớm cho tới chiều muộn, họ tất bật với công việc xúc cát, trộn hồ, rồi bê gạch, uốn thép… Thậm chí, lúc cao điểm, các chị phải làm ban đêm.

Công trường giờ đây không chỉ dành cho đàn ông mà những “bóng hồng” xuất hiện ngày càng nhiều. Họ chủ yếu là những người lao động tự do, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhìn dáng người nhỏ thó, lại có phần yếu ớt, tôi không nghĩ chị L. (Hộ Độ - Lộc Hà) lại rắn rỏi, mạnh bạo đến vậy. Phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng làm việc không thua gì đàn ông. Chị thoăn thoắt chạy đi chạy lại trên công trường ngổn ngang gạch đá, vôi vữa thuộc cung đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh). “Chúng tôi không có đất đai làm ruộng, ngày ngày đạp xe lên thành phố, ai thuê gì làm nấy. Chị em làm đủ nghề, còn tôi thì chuyên làm phụ hồ cho các công trường xây dựng. Công việc cực nhọc nhưng bù lại, mỗi ngày cũng kiếm được 150-200 ngàn đồng. Dẫu vất vả, tôi cũng phải chịu khó làm nuôi con ăn học bởi chồng thì đau ốm liên miên” - chị L. chia sẻ.

Nhọc nhằn nữ thợ hồ ảnh 1

Nghề thợ hồ với nam giới đã vất vả, với chị em càng nặng nhọc bội phần

Ở tuổi 45, song gánh nặng cuộc đời đã khiến chị H. (Hộ Độ) già dặn hơn nhiều so với tuổi. Chồng mất trong một vụ tai nạn lao động, mình chị tần tảo nuôi bốn đứa con. Ban đầu, chị đi mua ve chai, sắt vụn, nhưng người mua nhiều hơn người bán, cuối cùng chị quyết định tìm tới các công trường xin làm thợ hồ. “Làm việc quần quật, nếu làm được 30 ngày liên tục trong tháng cũng kiếm được 3-4 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Khổ nhất là mùa mưa, ít việc, tôi lại phải quay đủ đường kiếm kế sinh nhai cho gia đình, vất vả lắm” - chị H. chia sẻ.

Chị T. (thị trấn Xuân An - Nghi Xuân) đã sống với nghề hàng chục năm nay. Chị theo tốp thợ trong làng đi hết công trình này đến công trình khác, từ nhà ở, trường học, công trình công cộng... Chị tâm sự: “Lúc đầu, tôi buôn gạo nhưng thấy không có “duyên”, nên theo chồng đi phụ hồ. Những ngày đầu chưa quen việc, vướng víu tay chân nhưng nay đã thành thạo lắm rồi”. “Bố mẹ đi sớm, về khuya, con cái khi còn nhỏ nhờ ông bà, nay thì chúng tự lập là chính. Không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ các con, nhiều khi tôi cũng lo lắng, nhưng vì miếng cơm manh áo biết làm sao” - chị T. ái ngại.

Tuy không đòi hỏi kỹ năng như nhiều nghề khác, song, để theo được nghề thợ hồ, cần có sức khỏe, sự bền bỉ, dẻo dai và đức tính chịu khó. Phụ hồ đối với nam giới đã vất vả thì với phụ nữ lại càng nặng nhọc gấp bội phần. Sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như tính chất công việc đã “vắt kiệt” sức khỏe lẫn nhan sắc của các chị.

Làm thợ hồ không chỉ vất vả, nặng nhọc mà còn gặp không ít hiểm nguy, tai nạn bất trắc. Chị T. nhớ lại: “Cách đây 2 năm, khi làm nhà cho một gia đình trong xóm, lúc chuyền gạch lên tầng 2, tôi không may trật tay khiến gạch rơi vào chân, phải nghỉ điều trị cả tháng trời. Vết thương lành tôi lại tiếp tục công việc”.

Tại các công trường xây dựng, điều dễ nhận thấy là hầu hết các chị không được trang bị bảo hộ lao động. Đôi người cẩn thận thì bịt khẩu trang, còn đa phần sợ vướng víu thì phơi mặt giữa trời. Môi trường làm việc nặng nhọc, lại không đảm bảo vệ sinh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người lao động. Bên cạnh đó, công việc hầu như chỉ dựa trên sự thỏa thuận bằng miệng mà không qua bất cứ bản hợp đồng lao động nào nên nhiều vụ tai nạn xảy ra, người lao động phải một mình chịu hậu quả.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast