Nỗi lo mất an toàn lao động từ nghề mộc

(Baohatinh.vn) - Vất vả, nhọc nhằn, sống chung với ô nhiễm và thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, song, hầu hết những người làm nghề mộc vẫn phải chấp nhận để bám nghề, giữ nghề và mưu sinh. Nhận thức của chủ doanh nghiệp cũng như bản thân người thợ còn rất mơ hồ về vấn đề an toàn lao động (ATLĐ)...

Tai nạn rình rập

Kinh nghiệm làm nghề đã hơn 15 năm, thế nhưng, mới đây, do một chút sơ sẩy và chủ quan không dùng bàn trượt để đẩy gỗ, anh Đ.Đ.N (Thạch Châu, Lộc Hà) bị máy cưa “nuốt chửng” 2 ngón tay. Để vết thương lành, phải mất một thời gian dài và việc có thể tiếp tục nghề mộc hay không vẫn chưa nói trước được. Là lao động chính, ngoài nỗi đau mà anh N. phải chịu đựng còn là những lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình.

Đó chỉ là một trong những tai nạn người thợ có thể gặp phải khi làm mộc. Đôi tay chai sần, chằng chịt vết thương, thậm chí, có những người cụt cả ngón tay, bàn tay, cánh tay... là cái “giá” rất đắt mà người thợ mộc phải trả. Để bám nghề, giữ nghề và mưu sinh, họ đều chấp nhận và coi đó như chuyện thường ngày.

Nỗi lo mất an toàn lao động từ nghề mộc ảnh 1
Những người thợ mộc thường đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Qua tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ cho thấy, phần lớn người lao động lẫn chủ cơ sởchưa được trang bị về bảo hộ lao động tối thiểu trong quá trình tham gia sản xuất như: bao tay, giày, mũ, khẩu trang… Thậm chí, nhiều người thợ khi được sắm khẩu trang còn không dùng đến. Làm việc với máy bào, bụi tung mù mịt nhưng không mang khẩu trang, anh Đặng Văn Luân, người có thâm niên 20 năm làm nghề mộc ở thôn Thanh Tân, Thạch Châu cười trừ: “Bụi thì bụi nhưng đeo khẩu trang vướng víu lắm, anh làm lâu rồi cũng quen. Bụi thì mình tránh là được”.

Ông Phan Văn Thế - chủ xưởng mộc ở Thái Yên (Đức Thọ) cho biết: “Vẫn biết là nghề nguy hiểm, chỉ một thao tác lỗi với máy cưa, máy làm mộc có thể gây hậu quả khôn lường. Tôi thường xuyên nhắc nhở người làm phải hết sức cẩn thận, kiểm tra máy móc trước khi vận hành, tránh xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng. Điều quan trọng, người làm nghề phải tự ý thức để bảo vệ mình”.

Ngày trước, khi chưa có máy móc hỗ trợ, mọi công đoạn làm ra sản phẩm đều do chính đôi bàn tay người thợ đục, đẽo, cắt, gọt... Chỉ một chút sơ sẩy, thiếu tập trung, mũi dùi, đục có thể xiên vào tay bất cứ lúc nào. Hiện nay, các cơ sở mộc hoạt động theo hình thức bán thủ công, 60% khối lượng công việc đã có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự mất an toàn khi sử dụng máy móc, thiết bị điện... Còn bụi bặm và tiếng ồn dường như là “bạn chí cốt” của người làm nghề mộc. Không chỉ thế, có lúc thợ mộc còn kiêm luôn việc khuân vác, di chuyển các khúc gỗ to, nếu sơ sẩy dễ dẫn đến thương vong.

Phun sơn, làm lót cũng là những khâu trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Các chất được dùng để làm lót hay phun tạo độ bóng, màu sắc cho thành phẩm rất độc hại, thế nhưng, nhiều thợ phun vẫn chủ quan không sử dụng đồ bảo hộ hoặc nếu có cũng sơ sài. Anh Cao Huy Tập - chủ xưởng mộc ở thôn Tràng Sơn (Yên Lộc, Can Lộc) chia sẻ: Công đoạn phun sơn, anh thường thuê thợ ở Thái Yên, tiền công mỗi ngày 600.000-1.000.000 đồng. Công việc này độc hại nên lương cũng cao hơn, mà không có nhiều người làm được hoặc dám làm.

Nâng cao ý thức về ATLĐ trong nghề mộc

Làm mộc được xem là nghề có thu nhập cao, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ. Tai nạn trong nghề xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan: máy cưa bị đứt dây cu-roa hay gặp phải mắt gỗ, thanh gỗ có thể bật ngược lại người thợ hoặc thợ mất đà dễ đưa nguyên bàn tay vào họng máy... Ngoài những yếu tố khách quan, thì yếu tố chủ quan là ý thức tự bảo vệ mình của những người hoạt động trong nghề chưa cao.

Nỗi lo mất an toàn lao động từ nghề mộc ảnh 2
Nhiều người thợ khi được sắm khẩu trang còn không dùng đến

Anh Võ Mai - chủ doanh nghiệp gỗ Mai Đoan, xã Yên Lộc cho biết: “Hiện doanh nghiệp có 4 lao động thường xuyên, 7 lao động thời vụ. Chúng tôi đã tạo điều kiện, khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm nhưng chính bản thân họ không muốn nên đến nay chỉ có 2 thợ tham gia”.

Được biết, tai nạn trong nghề mộc rất nhiều, nhưng đến nay, ngành chức năng vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Về công tác tập huấn ATLĐ thì phần lớn các thợ mộc tự truyền kinh nghiệm cho nhau.

Anh Trần Huy Giáp, cán bộ Phòng Việc làm - An toàn vệ sinh lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Hàng năm, Cục ATLĐ phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn về ATLĐ cho chủ các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, nhưng số lượng doanh nghiệp làm nghề mộc tham gia rất ít. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền về ATLĐ đến người lao động và chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên việc quản lý ATLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số nơi, chính quyền địa phương thờ ơ với công tác đảm bảo ATLĐ…

Để hạn chế các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATLĐ cho các cơ sở sản xuất; kiên quyết xử lý những cơ sở không đủ điều kiện an toàn, vi phạm pháp luật về ATLĐ. Bên cạnh đó, có biện pháp để chủ sử dụng lao động tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Và hơn hết, bản thân người lao động phải tự trang bị đầy đủ các biện pháp làm việc an toàn; tuân thủ nghiêm yêu cầu về ATLĐ.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast