Sử dụng lao động nước ngoài không phép sẽ bị xử phạt nặng

Đây là một trong nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.

su dung lao dong nuoc ngoai khong phep se bi xu phat nang

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh kiểm tra các điều kiện, thủ tục đối với lao động nước ngoài đang làm việc tại KKT Vũng Áng. (Ảnh tư liệu)

Báo cáo về tình hình người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho thấy, chỉ trong vòng hơn 10 năm, số lao động người nước ngoài ở Việt Nam tăng từ hơn 12.600 người năm 2004 lên đến hơn 83.500 người năm 2015.

Lao động thuộc diện được cấp phép chiếm tới hơn 93% số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. TP Hồ Chí Minh là địa phương có lao động người nước ngoài làm việc đông nhất với hơn 20.300 người, chiếm tới 24,3%, tiếp theo là Bình Dương với hơn 12.000 người (chiếm 14,4%), Hà Tĩnh hơn 7.000 người (8,4%), Hà Nội 6.386 người (chiếm 7,6%), Đồng Nai 6.205 người (7,4%)…

Lao động người nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc (hơn 15.300 người), Đài Loan (hơn 10.700 người), Nhật Bản (hơn 7.900 người)…Mặc dù Nhà nước đã có những quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép đối với lao động nước ngoài khi vào Việt Nam làm việc nhưng thực tế số lao động nước ngoài làm việc “chui” tại Việt Nam không ít.

Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, theo quy định, lao động nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Các DN và cả người lao động nước ngoài đã lợi dụng con đường đi du lịch, rồi vào làm việc cho các DN, trung tâm... mà không báo cáo tình hình với cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó các địa phương rất khó phân định đâu là chuyên gia hay lao động kỹ thuật để cấp phép, như ca sĩ, nghệ nhân người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các khách sạn, nhà hàng, quán bar phục vụ du khách, nghĩa là họ đang lao động tại Việt Nam vì có nhận tiền công. Đáng chú ý, quy định người nước ngoài góp vốn vào trong công ty thì không thuộc diện cấp phép, nhưng lại không quy định mức góp vốn tối thiểu là bao nhiêu. Đây chính là “lỗ hổng” cho những cá nhân lao động nước ngoài và DN lợi dụng chỉ góp vốn rất nhỏ từ 1.000 đến 1.500 USD nghiễm nhiên có thể làm việc tại Việt Nam mà không phải xin phép.

Trước thực trạng trên, Dự thảo Nghị định quy định: người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động, hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn) sẽ bị trục xuất. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền người sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo với mức phạt từ 30-75 triệu, đồng thời, đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm…

Theo Đại Đoàn kết

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast