Lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành y tế phải luôn bình tĩnh, vững vàng, không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống và lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Ảnh: Nhật Bắc /VGP.

Sáng nay (20/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các Thứ trưởng Bộ Y tế: Đỗ Xuân Tuyên, Nguyễn Trường Sơn, Trần Văn Thuấn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Quyết tâm không để dịch chồng dịch

Trong năm 2021, ngành y tế triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 31/12, Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, 32.394 ca tử vong do dịch COVID-19. Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan có xu hướng phức tạp hơn qua mỗi đợt.

Công tác phòng, chống dịch đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc kịp thời, hiệu quả, Nhân dân tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ, lực lượng nơi tuyến đầu dũng cảm, trách nhiệm, kiên trì nỗ lực.

Để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. Đến ngày 13/1/2022, cả nước đã tiêm được hơn 164,5 triệu liều, trong đó mũi 1 là 78,4 triệu liều, mũi 2 là 71,7 triệu liều và mũi 3 là 14,3 triệu liều.

Lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế cũng tập trung phòng, chống các loại dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Số ca mắc, ca tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với 2020. Các bệnh viện đã thực hiện nghiêm bộ tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động, đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, tổng số ca mắc COVID-19 từ năm 2021 đến nay là 2.279 ca. Đến nay, đã điều trị khỏi 1.814 ca (73 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 1.741 ca tại Hà Tĩnh), 6 ca tử vong. Hiện đang điều trị ở các cơ sở trong tỉnh 140 ca, điều trị, theo dõi tại nhà 318 ca.

Tiến độ tiêm vắc-xin COVID-19 được triển khai thực hiện theo kế hoạch, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 2 đạt 96%; tỷ lệ trẻ em 12- dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 98% và mũi 2 là 93%.

Công tác phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiếp tục được quan tâm. Năm 2021, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 40 ca mắc sốt xuất huyết; các bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng, quai bị, sởi... diễn ra rải rác không thành dịch.

Số lượt khám bệnh thực hiện trong năm 2021 là 2.136.500 lượt; số bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh 80.030 bệnh nhân; tại các bệnh viện tuyến huyện 133.008 bệnh nhân.

Năm 2022, Bộ Y tế cùng các bộ, ban, ngành đều xác định, dịch bệnh COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn, có thể xuất hiện thêm các biến chủng mới, làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng, y tế cơ sở từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đổi mới phương thức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Vững vàng trong mọi tình huống

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong một năm đầy khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành y tế.

Toàn ngành đã giữ được sự bình tĩnh, tham mưu có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở; triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin; xây dựng khoa học 3 trụ cột: cách ly, xét nghiệm, điều trị; huy động sự tham gia của toàn dân, qua đó phòng, chống dịch hiệu quả, tạo tiền đề cho việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch một cách linh hoạt, thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế. Ngoài phòng, chống dịch COVID-19, ngành cũng đã thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu lớn trong ngành nhất là trong khám, chữa bệnh, dân số, xây dựng, hoàn thiện thể chế…

Thủ tưởng Chính phủ khẳng định, những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song tuyết đối không chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục rút ra những kinh nghiệm, bài học để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch.

Trong đó, bám sát các diễn biến, tình hình dịch bệnh để có những dự báo, tham mưu phù hợp; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, luôn bình tĩnh, vững vàng và lựa chọn cách tiếp cận phù hợp trong mọi tình huống, lấy người dân làm cơ sở, mục tiêu, động lực trong phòng, chống dịch; tổ chức triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không để khủng hoảng hệ thống y tế; huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế; tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, chủ động nguồn thuốc điều trị COVID-19; thực hiện thống nhất các giải pháp phòng, chống dịch, không ngăn sông, cấm chợ; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; rà soát lại các cơ chế chính sách cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch; đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số gắn với đó có chiến lược thu hút, đào tạo về nhân lực y tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mùa Xuân năm 2022.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.