Chưa đầy 1 tuần phải gia cố 2 lần
Chiều 26/10, trên triền đê biển Cẩm Nhượng, hàng nghìn người dân đang chuyền tay nhau những tảng đá lớn, cho vào rọ sắt để gia cố bờ kè đang bị sạt lở. Gặp con nước lên, sóng biển dâng cao nên công việc “vá” kè gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng nghìn người dân tham gia “vá” kè Cẩm Nhượng
Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Khi phát hiện đoạn kè biển qua thôn Phúc Hải bị sóng biển đánh xói lở, ngay lập tức, chúng tôi báo với huyện, lực lượng chức năng và huy động hàng trăm người dân trong xã triển khai ứng cứu”.
Hiện trạng kè biển qua thôn Phúc Hải bị sạt lở trước khi được người dân gia cố
Đang gia cố đoạn kè biển qua thôn Phúc Hải thì địa phương phát hiện đoạn kè biển qua thôn Hải Nam trước đó mới được gia cố ngày 21/10 cũng đang bị sóng đánh lở. Ngay lập tức, người dân chia làm 2 tốp để triển khai ứng cứu kịp thời.
Đoạn kè biển qua thôn Hải Nam ngày 21/10 đã được “vá” nhưng lại bị sóng đánh hỏng nên người dân tiếp tục gia cố.
“Đợt mưa lớn ngày 21/10 khiến đoạn kè qua thôn Hải Nam bị sóng đánh vỡ rộng 15m, dài 25m. Hôm đó, chính quyền đã phải huy động hàng trăm người dân đội mưa cứu đê. Chỉ mới qua 5 ngày thì đoạn gia cố này tiếp tục sụt lún, sóng đánh vỡ hàng chục rọ sắt. Chúng tôi đang gia cố thêm 3 lớp rọ sắt bên trên nhưng không biết sẽ trụ được bao lâu” – Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
Kè biển được xây dựng từ năm 2000 đến nay đã bị bào mòn, hư hỏng, xuống cấp.
Kè biển Cẩm Nhượng đoạn từ khách sạn sông La đến chợ cá Cồn Gò Cẩm Nhượng có tổng chiều dài 2,2 km. Tuyến kè biển này được đầu tư xây dựng từ năm 2003 đến nay. Qua thời gian chịu áp lực triều cường, kè biển Cẩm Nhượng đã xuống cấp và hư hỏng nhiều.
Người dân dùng xi măng trám các khe rỗng để bảo vệ lớp bên dưới kè bị hỗng.
Ngoài 2 điểm sạt lở nặng mà người dân đang phải gia cố, trên tuyến kè xuất hiện nhiều vị trí bị sụt lún. Qua hàng chục năm xây dựng và chống chọi với sóng biển, các cấu kiện bê tông của kè biển Cẩm Nhượng đã bị bào mòn; hệ thống hàng ống bi nằm dưới chân kè có tác dụng chắn sóng cũng đã bị sóng biển đánh nổi.
Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hàng ống bi được chôn sâu 2,5m, bên trên có nắp đậy và chôn thêm đá hộc nhưng hiện nay sóng biển đã đánh nổi hàng ống bi. Trong đó, nhiều ống bi đã bị đánh bay nắp đậy”.
Nguy cơ biển xâm thực cuốn mất làng
Trước tình trạng kè biển sạt lở nghiêm trọng, người dân và chính quyền địa phương lo sợ biển xâm thực cuốn mất làng.
Theo người dân địa phương, trước đó, năm 2006, sóng biển đánh sạt lở kè ở 2 thôn: Hải Bắc, Xuân Nam và làm sập một số nhà dân gần kề. Năm 2017, bão số 10 làm sạt lở 150m kè ở 2 thôn: Hải Nam, Hải Bắc và làm sập 6 nhà dân gần kề.
Sóng đánh trôi cát và xi măng, để lại những khe rỗng trên bề mặt kè
Đang tham gia công tác gia cố đê, ông Nguyễn Trọng Hoàng (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) cho biết: “Khi xã huy động lực lượng là bất kể già, trẻ, trai, gái… ai nấy đều tham gia cứu hộ vì chúng tôi biết, kè chắn sóng là bức tường giữ cho Cẩm Nhượng bình yên lâu nay”.
Hàng ống bi là “lá chắn” bảo vệ kè được chôn sâu 2,5m nhưng nay bị sóng biển đánh nổi.
Theo thiết kế, kè biển Cẩm Nhượng chỉ chống chọi được áp lực từ những cơn bão mạnh dưới cấp 10. Tuy nhiên, với tình trạng hư hỏng, bị sóng biển đánh xói lở như hiện nay thì khả năng chống chọi với những cơn bão lớn, đổ bộ trực tiếp là rất khó.
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ chiều nay (27/10), do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển Hà Tĩnh có gió đông bắc cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Từ ngày 28 - 31/10, trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Những thông tin liên quan đến tác động của bão số 9 đang khiến người dân Cẩm Nhượng thêm lo lắng.
Người dân làng ven biển Cẩm Nhượng lo sợ nước biển xâm thực cuốn trôi cả làng
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng nhấn mạnh: “Ngoài những đoạn sạt lở lồi lõm có thể kiểm tra bằng mắt thường, nhiều đoạn sóng đánh xói hết cát và rỗng ở phía bên dưới. Nếu gặp sóng đánh cao thì nguy cơ sạt lở cả tuyến kè là rất lớn. Công tác gia cố hiện nay chẳng qua là “vá áo rách”, chưa thể đảm bảo an toàn được. Địa phương đề nghị, thời gian tới, các cấp quan tâm và sớm có phương án đầu tư xây dựng kè mới kiên cố nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân”.