Liên tiếp sạt lở sông Ngàn Mọ, người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ bất an

(Baohatinh.vn) - Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến bờ sông Ngàn Mọ đoạn qua xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) xuất hiện các điểm sạt lở, đe dọa đến nhà cửa, tài sản của người dân.

Video: Một số điểm sạt lở nghiêm trọng bên bờ sông Ngàn Mọ “uy hiếp” nhà dân.

Sau trận mưa lớn từ đêm khuya đến rạng sáng ngày 25/10, gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ) bàng hoàng phát hiện hàng rào kiên cố dài hơn 30m, hố ga xử lý nước và công trình chăn nuôi sau nhà đã trôi theo dòng lũ của sông Ngàn Mọ.

Liên tiếp sạt lở sông Ngàn Mọ, người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ bất an

Vị trí sạt lở ngày 10/10/2023 của gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Phương Trứ) được chính quyền địa phương hỗ trợ kè rọ đá; bà Vân cũng xây tường, lát xi măng nhưng nay lại tiếp tục bị sạt lở

Trước đó 2 tuần, hàng rào này cũng đã bị cuốn trôi một phần và được chính quyền địa phương hỗ trợ nhân lực cùng 100 khối đá để gia cố sạt lở. Gia đình bà Vân cũng bỏ thêm 30 triệu đồng để xây gạch kiên cố và lát bê tông nhưng vẫn không ngăn được dòng Ngàn Mọ.

Bà Nguyễn Thị Vân lo lắng: “Năm nay, mặc dù hồ Kẻ Gỗ chưa xả lũ nhưng nhà tôi đã liên tiếp 2 lần bị sạt lở. Trong đó, lần sạt lở này dài khoảng 30m, rộng khoảng 2m; cách vị trí nhà khoảng 8m. Điểm vừa gia cố trước đó 2 tuần tiếp tục bị dòng sông Ngàn Mọ “nuốt chửng” khiến chúng tôi rất lo sợ”.

Liên tiếp sạt lở sông Ngàn Mọ, người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ bất an

Phần đất bị khoét sâu dưới chân móng của gia đình ông Lê Đức Thắng.

Kế bên gia đình bà Nguyễn Thị Vân, phần đất và cây sau vườn của gia đình ông Lê Đức Thắng (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ) cũng bị cuốn trôi trong những ngày mưa lớn vừa qua. Ông Thắng đã phải chặt bỏ những cây lớn sát bờ sông để tránh nước lũ cuốn trôi thêm nhiều phần đất sau vườn.

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, toàn thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ đã xuất hiện 4 điểm sạt lở lớn, đe dọa trực tiếp đến tài sản của 7 hộ dân trong thôn. Ngoài thôn Phương Trứ, các thôn: Quốc Tiến, Thống Nhất, Trung Thành đều xuất hiện tình trạng sạt lở do mưa lớn nhiều ngày qua.

Qua rà soát của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Cẩm Xuyên, toàn xã Cẩm Duệ hiện có 14 điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ, trong đó có 4 vị trị sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 150m, ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân.

Liên tiếp sạt lở sông Ngàn Mọ, người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ bất an

Phần đất dưới tường công trình chăn nuôi của anh Trần Văn Hải bị khoét sâu.

Có mặt tại điểm sạt lở thôn Thống Nhất, chúng tôi chứng kiến phần đất phía dưới tường công trình phụ và chuồng chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Văn Hải đã bị nước khoét sâu, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. “Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nếu mưa lớn còn kéo dài, hồ Kẻ Gỗ xả lũ thì còn nguy hiểm hơn nữa. Để bảo vệ tài sản, tôi đã đưa lợn đi sơ tán. Bây giờ lo nhất là sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở vì móng nhà hiện chỉ cách mép sông chưa đầy 3m” - anh Trần Văn Hải cho hay.

Được biết, các điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ, xã Cẩm Duệ đều là vực sâu thẳng đứng. Vì vậy, công tác khắc phục sạt lở hết sức khó khăn. Giải pháp trước đó, chính quyền địa phương đã gia cố bằng các rọ đá, tuy nhiên, vẫn không thấm vào đâu. Sau một đợt mưa lớn, một số điểm sạt cũ lại bị nước cuốn xói lở và sạt thêm vị trí mới.

Liên tiếp sạt lở sông Ngàn Mọ, người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ bất an

Nước sông Ngàn Mọ dâng cao sau nhiều ngày mưa lớn đã cuốn trôi nhiều cây cối 2 bên sông.

Ông Đặng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ chia sẻ: “Trong tối 30/10, chúng tôi đã sơ tán 4 hộ gia đình với 21 nhân khẩu ở các vị trí sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. UBND huyện Cẩm Xuyên cũng đã có công văn giao khẩn trương xử lý các điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ. Theo đó, huyện yêu cầu xã chủ động bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện tiếp tục xử lý các điểm sạt lở; nhất là điểm sạt lở tại thôn Phương Trứ; yêu cầu sử dụng cọc bê tông, rọ đá, kết hợp các vật liệu gia cố khác, đảm bảo hoàn thành trước 17h ngày 3/11/2023”.

Dù vậy, gia cố bằng cọc bê tông, rọ đá chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, chính quyền địa phương và người dân vùng bị sạt lở hi vọng các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để giải quyết triệt để tình trạng sạt lở; tránh cho người dân khỏi hoang mang, bất an, lo lắng mỗi khi mưa lũ về.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.