Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

(Baohatinh.vn) - Để đảm bảo quyền lợi cho diêm dân, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang phấn đấu đến tháng 10/2021 sẽ thực hiện xong việc công nhận quyền sử dụng gần 204 ha đất diêm nghiệp của các hộ dân trên địa bàn.

2.704 thửa đất muối được công nhận quyền sử dụng

Lâu nay, các nội dung liên quan đến đất muối, nhất là việc công nhận quyền sử dụng đất luôn được xem là vấn đề bức xúc, nổi cộm ở xã Hộ Độ. Tuy nhiên, nút thắt đã được tháo gỡ khi đến ngày 30/7/2021, UBND huyện Lộc Hà đã thẩm định xong phương án và bắt đầu công nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ 138,4 ha đất muối/2.130 thửa/910 hộ gia đình ở tất cả 8 thôn trên địa bàn. Đến thời điểm này, địa phương đã ra quyết định công nhận được 379 thửa của 162 hộ với tổng diện tích 68.762 m2

Video: Mênh mông đồng muối Lộc Hà

Tương tự, UBND huyện Lộc Hà cũng đã thực hiện phương án, kế hoạch công nhận quyền sử dụng 42,7 ha đất muối/451 thửa/260 hộ gia đình ở 5 thôn của xã Mai Phụ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ thông tin: “Tất cả các bước như kê khai hồ sơ, công khai, họp dân, họp cán bộ cốt cán thôn, họp hội đồng tư vấn đất đai xã… được thực hiện gấp rút, công khai, đúng trình tự, đúng quy định. Đến thời điểm này, huyện đã ban hành 183 quyết định công nhận quyền sử dụng đất với diện tích 197.747m2 cho 107 hộ”.

Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

Cán bộ xã Hộ Độ kiểm tra thực địa trên các đồng muối đề làm hồ sơ, thủ tục công nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, huyện Lộc Hà cũng đang gấp rút thực hiện các phần việc để sớm công nhận hơn 22 ha đất muối của 123 hộ dân ở thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu, qua đó, tạo cơ sở pháp lý để diêm dân vùng này khẳng định quyền sở hữu hợp pháp, mạnh dạn đầu tư để phát triển làng nghề truyền thống theo xu hướng sản xuất muối sạch công nghệ cao.

Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

Diêm dân Châu Hạ (xã Thạch Châu) đang tận dụng những đợt nắng nóng đầu thu để làm muối.

Việc công nhận quyền sử dụng đất muối đã được bà con Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Đồng Xuân (xã Hộ Độ) phấn khởi: “Gia đình chúng tôi có 1,5 sào nại để lại từ thời cha ông nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất dẫn đến quyền lợi hợp pháp chưa thực sự được đảm bảo. Vì vậy, khi huyện có chủ trương này, chúng tôi rất phấn khởi, tích cực hợp tác để đảm bảo không sai sót, tiến độ nhanh".

Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

Đồng muối thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ nhìn từ trên cao.

Ông Phan Tiến Dũng - Trưởng phòng TN&MT huyện Lộc Hà thông tin: “Để công nhận quyền sử dụng 204 ha đất muối của 1.293 hộ gia đình ở Hộ Độ, Mai Phụ và Thạch Châu, chúng tôi đã tập trung vào cuộc, xử lý tốt các vướng mắc, giải quyết đúng thẩm quyền và trình tự quy định. Nhờ vậy, đến nay, huyện đã ra quyết định công nhận 562 thửa với diện tích 255.415 m2, cho 269 hộ. Số diện tích còn lại sẽ phấn đấu xong trước tháng 10/2021”.

Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

Tuy không sản xuất nhưng hiện trên đất muối vẫn còn tài sản của diêm dân và đây được xem là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét công nhận quyền sử dụng đất.

“Do bỏ hoang nhiều năm không sản xuất và một số nguyên nhân khác nên hầu hết diện tích đất muối trên địa bàn chưa được công nhận quyền sử dụng. Chúng tôi triển khai công nhận dựa trên các căn cứ như: tài sản còn trên đất (ô, nại, giếng); các hộ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo số diện tích được giao; đây là tư liệu sản xuất duy nhất của các gia đình, họ không có các loại đất sản xuất khác; hồ sơ tài liệu còn lưu trữ và các quy định của pháp luật…” - ông Phan Tiến Dũng lý giải về việc công nhận quyền sử dụng đất muối.

Gỡ nút thắt cho nhiều vướng mắc...

Bà Lê Thị Quang ở thôn Đồng Xuân (Hộ Độ) thông tin: "Cách đây 6 năm, huyện có triển khai dự án mở đường JICA qua đất muối nhưng chỉ áp giá đền bù mức 2.500đ/m2 nên bà con không đồng ý, dẫn đến không làm được đường. Tiếp đó, cách đây gần 4 năm, huyện cũng có chủ trương làm dự án nuôi trồng thủy sản ở đây, nhưng mức đền bù chỉ 15 - 20 triệu đồng/sào, thấp hơn nhiều so với đất nông nghiệp (khoảng 60 triệu đồng/sào) dẫn đến việc công trình vẫn đang... nằm trên giấy. Vì vậy, ngoài đảm bảo về mặt pháp lý thì việc công nhận quyền sử dụng đất muối sẽ giúp diêm dân đảm bảo quyền lợi khi thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ”.

Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

Cầu Mụ Vường (nằm trên trục đường JICA, nối xã Mai Phụ với xã Hộ Độ) làm xong đã gần 6 năm nhưng vẫn chưa có đường vì không giải phóng được mặt bằng trên đất muối.

Ngoài dự án đường JICA và dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản (có 221 hộ/848 thửa/30 ha bị ảnh hưởng) thì hàng chục công trình, dự án trên đất muối đều gặp khó khăn khi giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Nguyên nhân là do hầu hết diện tích đất muối nhiều năm nay bỏ hoang không sản xuất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi đền bù được áp giá theo đất khai hoang, không có hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Trong khi đó, dù không sản xuất nhưng đây vẫn là tư liệu sản xuất được giao cho diêm dân hàng chục năm nay, họ có thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với tư liệu sản xuất của mình. Mặt khác, lý do không sản xuất muối là bất khả kháng vì giá muối thấp, làm ra sản phẩm không tiêu thụ được, trong khi Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ. Vì vậy, việc được công nhận quyền sử dụng đất sẽ gỡ bỏ được những bất cập, vướng mắc nêu trên.

Lộc Hà gỡ “nút thắt” trong cấp quyền sử dụng đất làm muối

Việc công nhận quyền sử dụng đất cũng giúp các địa phương ở Lộc Hà bảo tồn các làng nghề truyền thống. Ảnh tư liệu.

Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền và doanh nghiệp vào đầu tư thực hiện đền bù, kiểm đếm, giải phóng mặt bằng thì việc công nhận quyền sử dụng đất muối còn góp phần tích cực để đảm bảo quyền lợi cho diêm dân khi thu hồi đất. Đây cũng là cơ sở thuận lợi để sắp tới, xã quy hoạch lại đất cho làng nghề muối truyền thống (30 ha), chuyển đổi nuôi trồng thủy sản (40 ha), thương mại dịch vụ (30 ha), đất ở (15 ha) và các dự trữ cho các công trình phát triển khác…”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.