Cần một chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với làng muối Hộ Độ

Năm 2010, xã Hộ Độ (Lộc Hà) quy hoạch 55 ha muối vào đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, đi vào thực tế thì đồng muối Hộ Độ không thể tiếp cận được nguồn vốn theo Quyết định 24 của UBND tỉnh về hỗ trợ chương trình xây dựng NTM.

Chỉ những người già, phụ nữ nuôi con nhỏ, không đi làm thuê được mới "bám" ruộng muối Hộ Độ
Chỉ những người già, phụ nữ nuôi con nhỏ, không đi làm thuê được mới "bám" ruộng muối Hộ Độ

Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Phan Đình Hinh cho rằng, muối không chỉ là nghề chính của xã mà còn là nghề truyền thống, gắn bó bao đời với đời sống văn hóa của người dân Hộ Độ. Ấy thế nhưng, qua thời gian thăng trầm, làng muối Hộ Độ cũng dần mai một. Từ nghề chính của xã nay trở thành nghề phụ với phần lớn diện tích bị bỏ hoang. Nguyên nhân vì hạ tầng đồng muối, kênh mương… được đầu tư từ mấy chục năm nay không được tái sửa chữa, phục hồi, dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp, người dân không thể sống được bằng nghề.

Trước thực tế đó, năm 2010, khi quy hoạch lại ruộng đất theo chương trình NTM, Hộ Độ đưa 55 ha vào quy hoạch sản xuất muối sạch, những mong sẽ có chương trình hỗ trợ từ cấp trên để phục hồi lại nghề muối, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, chiếu theo quy định tại Quyết định 24 của UBND tỉnh về hỗ trợ theo chương trình NTM, nghề muối Hộ Độ lại không thể với tới!

Ông Hinh cho biết, toàn bộ kênh mương đồng muối, từ kênh chính N1, đến kênh nhánh N2, N3 do được xây dựng từ trước những năm 60 của thế kỷ trước nên hầu hết bị hư hỏng. Bên cạnh đó, hạ tầng đồng muối cũng xây dựng từ thời điểm đó, đến nay chưa được canh xăm lại (nâng nền, thay cát…) nên năng suất, chất lượng muối kém.

Hạ tầng đồng muối Hộ Độ được đầu tư những năm 60 của thế kỷ trước, nay đã hư hỏng nặng, nhiều diện tích bị bỏ hoang từ lâu
Hạ tầng đồng muối Hộ Độ được đầu tư những năm 60 của thế kỷ trước, nay đã hư hỏng nặng, nhiều diện tích bị bỏ hoang từ lâu

Để khôi phục lại nghề muối, đưa 55 ha vào sản xuất muối sạch theo hướng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo tiêu chí xây dựng NTM, có 2 việc phải làm đó là canh xăm lại hạ tầng đồng muối và đầu tư xây dựng lại hệ thống kênh mương, nhất là kênh mương chính. Do đặc thù, xã Hộ Độ được bao quanh 4 phía là đê nên kênh N1 lấy nước vào làm muối cũng chính là kênh xả lũ. Vì vậy, kênh N1 phải rộng tối thiểu từ 3,5m, sâu 2m; kênh N2 cũng rộng 1,5m.

Để đầu tư 1 km kênh mương N1, theo tính toán, phải mất ít nhất 3 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định 24, địa phương phải đối ứng 30% khi làm kênh mương nội đồng, nên mỗi 1 km, xã phải bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng. Với 15 km kênh N1, đồng nghĩa với việc Hộ Độ phải bỏ ra khoảng 15 tỷ đồng. Điều này, theo ông Hinh là không thể. Bởi lẽ, Hộ Độ nghèo, tổng thu các loại phí trên địa bàn mỗi năm chỉ khoảng 600 triệu đồng (năm 2013 là 630 triệu đồng); tiền thu từ bán đất cũng rất ít (năm 2013 được trên 1 tỷ đồng, xã hưởng 50%), trong khi đó, xã còn bao nhiêu việc phải chi, thì không biết góp đến bao giờ mới có thể có được một nguồn tiền lớn như vậy để làm mương cho đồng muối.

Người dân tận dụng ô nại bỏ hoang để làm rau
Người dân tận dụng ô nại bỏ hoang để làm rau

Cũng theo Quyết định 24, việc hỗ trợ làm muối sạch, điều kiện là mỗi gia đình phải có 1 ha trở lên và áp dụng sản xuất theo mô hình phơi lót bạt (thay vì phơi cát như truyền thống). Theo ông Hinh, điều kiện này cũng không thể áp dụng được, bởi, trung bình mỗi hộ hiện chỉ có 2,5 sào đất muối, nếu yêu cầu mỗi gia đình tối thiểu phải có 1 ha (20 sào) thì cả xã có 55 ha, chỉ có thể giải quyết được cho 55 hộ. Vậy, hàng trăm hộ khác sẽ làm gì để sống?

Một bất cập nữa là yêu cầu sản xuất theo mô hình phơi lót bạt. Ông Hinh nói rằng, trước đây, diêm dân địa phương đã từng sản xuất thử bằng mô hình này, nhưng sau đó phải bỏ, do không phù hợp với điều kiện ở Hộ Độ nên muối lót bạt có màu sẫm vàng, năng suất thấp, chất lượng kém, giá thấp, kén khách mua. Bên cạnh đó, nếu lót bạt, cũng chỉ làm được 2 mùa là hỏng, phải thay lại, chi phí lớn. Trong khi, nếu đầu tư canh xăm lại một cách bài bản như kiểu truyền thống, vẫn đảm bảo muối sạch, chất lượng và có thể sản xuất ổn định, hiệu quả được 15 năm.

Như vậy, theo các điều kiện của Quyết định 24 và tình hình thực tế tại địa phương, có thể nói rằng, nghề muối Hộ Độ không thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện tại, xã có 83 ha đất muối nhưng vụ sản xuất năm 2013, diện tích bỏ hoang lên đến gần 50 ha! Lãnh đạo và nhân dân xã Hộ Độ mong muốn, tỉnh có chính sách đặc thù phù hợp với làng muối Hộ Độ, để giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; mặt khác, góp phần khôi phục lại nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ mai một.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.