
Vụ xuân năm nay, cánh đồng mẫu lớn trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá của thôn Phú Minh (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) cơ cấu 100% bộ giống ST25 vào sản xuất, năng suất đạt từ 5,2 - 5,4 tấn/ha, cao hơn nhiều so với vụ xuân năm 2024 (cơ cấu giống lúa ST24 và một số giống lúa thường, năng suất chỉ đạt bình quân 4,8 - 5 tấn/ha).
Giá lúa hiện đạt 13 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá lúa thông thường. Được mùa lại được giá nên lúa gặt đến đâu, thương lái đến tại chân ruộng thu mua đến đó.

Thôn trưởng thôn Phú Minh - Hoàng Minh Luyến chia sẻ: “Năm 2023, thực hiện Nghị quyết 06 của tỉnh, xã Kỳ Phú đã tập trung dồn điền, đổi thửa, tạo nên cánh đồng mẫu lớn 60ha để xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại thôn Phú Minh, liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, với gần 60 hộ tham gia. Đến nay, qua 5 vụ sản xuất, mô hình đã khẳng định hiệu quả khá toàn diện.
Mỗi một mùa vụ đều cơ cấu các loại giống hợp lý như: ST25 được lựa chọn để sản xuất vụ xuân, vụ hè thu thường sử dụng giống Khang Dân, Xuân Mai (để liên kết cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến bún, bánh), quá trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân khoáng hữu cơ, phân chuồng được ủ bằng chế phẩm vi sinh… Nhờ vậy, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn, chất lượng".

Ông Nguyễn Kiên Quyết - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển một số diện tích kém hiệu quả sang trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập, tạo nguồn sản phẩm an toàn, sản xuất thân thiện môi trường; tham gia chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP của huyện”.
Quy mô không lớn như ở thôn Phú Minh nhưng mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” ở thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) cũng đang phát huy hiệu quả thiết thực cả về năng suất, sản lượng và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình được triển khai từ vụ xuân 2022, với diện tích 5 ha, 8 hộ làm thí điểm. Đến vụ xuân 2025, diện tích được mở rộng lên gần 20ha, với 40 hộ dân tham gia sản xuất.

Là vùng thấp trũng cạnh kênh Nhà Lê, nguồn nước mặn lợ ở đây từng có khá nhiều rươi tự nhiên, tuy nhiên, do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rươi cũng như các loại sinh vật sống trên đồng ruộng dần biến mất.
Triển khai thực hiện mô hình, với việc áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chỉ sau vài vụ sản xuất, không chỉ năng suất, chất lượng lúa được nâng lên (từ dưới 40 tạ/ha tăng lên 55 tạ/ha, giá bán cao hơn gấp 2 đến 3 lần) mà các loài sinh vật trong hệ sinh thái đồng ruộng, đặc biệt là rươi cũng dần xuất hiện trở lại.

Ông Nguyễn Văn Huấn, một trong những hộ dân có diện tích sản xuất hữu cơ lớn nhất (1,5 ha) tại vùng đất này chia sẻ: “Sau khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, con rươi vốn tưởng đã bị tuyệt chủng, nay đã xuất hiện ngày càng nhiều cùng với các loại sinh vật khác như: cá, tôm, ốc, cà cuống, niềng niễng… Đây là động lực để bà con nông dân chúng tôi có ý thức hơn trong sản xuất nông nghiệp vì một môi trường xanh và bền vững”.

Vụ xuân năm nay, huyện Kỳ Anh sản xuất hơn 10.000ha lúa, năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha, sản lượng 56.000 tấn. Trong đó, sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 52,5ha tại 3 xã: Kỳ Phú, Kỳ Khang và Kỳ Phong.
Với việc chú trọng cơ cấu bộ giống mới vào sản xuất nên dù diện tích không tăng nhưng năng suất và giá trị thu nhập tăng rõ rệt. Nếu như năm 2024, cũng với diện tích này, việc cơ cấu giống lúa ST24 và một số giống lúa thường chỉ năng suất bình quân 4,8 - 5 tấn/ha. Năm nay, nhờ cơ cấu phần lớn bộ giống ST25 đã cho năng suất từ 5,2 tấn - 5,4 tấn/ha, sản lượng đạt trên 260 tấn; tổng giá trị đạt trên 3,5 tỷ đồng.
Từ những kết quả đạt được của các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, địa phương sẽ tập trung mở rộng diện tích theo hướng công nghệ cao, có truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn hữu cơ… để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục liên kết chặt chẽ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm nhằm hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo vệ sinh môi trường trên đồng ruộng.