Lý do Israel được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc thứ 9 thế giới

Mặc dù vẫn được coi là trong trạng thái chiến tranh, hầu hết người dân Israel cảm thấy hạnh phúc nhờ sự gắn kết các mối quan hệ xã hội, đời sống kinh tế được cải thiện và tuổi thọ cao.

Người dân Israel tại thành phố Tel Aviv ngày 19/3/2022. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022 (WHR), Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc đã xếp hạng Israel là quốc gia hạnh phúc thứ 9 thế giới. Việc này khiến không ít người ngạc nhiên do Israel được biết đến đang trong tình trạng chiến tranh.

Không chỉ là một quốc gia chiến tranh, ở trong nước Israel còn có nền chính trị không ổn định do các đảng phái có sự phân cực rõ rệt. Trong khi đó, an ninh tại nhà nước Do Thái luôn được thắt chặt do nguy cơ khủng bố luôn thường trực.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng hạnh phúc 10 năm qua, Israel không những đứng ở vị trí cao mà còn được cải thiện nhanh chóng qua các năm.

Năm 2020, Israel đứng thứ 14 thế giới về chỉ số hạnh phúc, năm 2021 đứng thứ 12 và năm 2022 vị trí này đã tăng ba bậc lên thứ 9 trong bảng xếp hạng.

Báo cáo WHR được thực hiện dựa trên kết quả điều tra xã hội học của Gallup về cảm nhận mức độ hạnh phúc của người dân cũng như các chỉ số về mức độ phát triển kinh tế-xã hội tại 150 quốc gia trên thế giới theo thang điểm từ 1 đến 10.

Trong số các quốc gia xếp hạng cao bao gồm hầu hết các nước Bắc Âu, như Phần Lan (xếp thứ 1), Đan Mạch (thứ 2), Iceland (3), Thụy Sĩ (4), Hà Lan (5) và Luxembourg (6), Thụy Điển và Na Uy lần lượt đứng thứ 7 và 8.

Chỉ số hạnh phúc dựa trên mức độ cảm nhận và các chỉ số thống kê của 14 lĩnh vực liên quan đến chất lượng cuộc sống, như thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ bình quân, hỗ trợ xã hội trong thời gian khó khăn, sự tự do của người dân khi đưa ra các quyết định quan trọng, niềm tin xã hội, mức độ tham nhũng, sự hào phóng của cộng đồng…

Theo các chuyên gia xã hội học, mặc dù là một nước có nền kinh tế thị trường, mang nhiều đặc điểm của xã hội phương Tây, nhưng xã hội Israel lại có những đặc điểm của một xã hội phương Đông.

Đó là người dân khá tôn trọng các mối quan hệ xã hội, nơi gia đình và bạn bè có sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau.

Nói về tầm quan trọng của mối quan hệ gia đình, Dana Smolkin, một sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội tại Đại học Tel Aviv cho rằng: “Gia đình và bạn bè là yếu tố vô cùng quan trọng. Họ giúp nhân đôi niềm vui và giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.”

Bên cạnh đó, dân tộc Do Thái từng gánh chịu nhiều khổ đau và chiến tranh, nên người dân Israel hình thành tính cách cộng đồng bền chặt, chia sẻ trong hoạn nạn. Khác với nhiều quốc gia phương Tây, sự gắn kết xã hội ở Israel là khá cao.

Môi trường rèn luyện trong quân đội không chỉ rèn luyện phát triển bản thân, giúp giới trẻ định hướng sự nghiệp mà còn tăng cường tinh thần gắn kết. Đây là một yếu tố quan trọng khi những người được hỏi đều cảm nhận họ thấy hạnh phúc.

Ngoài ra, Israel cũng là một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao, lên đến 44.000 USD/người/năm, cao hơn nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp.

Mức thu nhập tối thiểu cũng đủ để người dân Israel không phải lo lắng nhiều về kinh tế, cho phép họ đóng các loại bảo hiểm, qua đó được đảm bảo các nhu cầu cơ bản về giáo dục và y tế.

Một hệ thống y tế thuộc nhóm tốt nhất thế giới giúp Israel đảm bảo chế độ chăm sóc sức khỏe cho người dân, qua đó từng bước nâng cao tuổi thọ bình quân.

Sự gắn kết xã hội là yếu tố giúp tăng cường mức độ cảm nhận về hạnh phúc. (Ảnh: Vũ Hội/Vietnam+)

Theo thống kê chính thức của Israel, tuổi thọ bình quân tại nước này là 81 đối với nam giới và 84,7 đối với nữ giới, cao hàng đầu thế giới. Đây chính là lý do bảng xếp hạng hạnh phúc WHR xếp Israel với 8,18 điểm theo tiêu chí cảm nhận về sức khỏe và tuổi thọ.

Là một người đã có tuổi, ông Shai Ashkenazi, một người dân sinh ra và lớn lên tại thành phố Tel Aviv (Israel) nói: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Israel theo tôi là rất tốt, và ở góc độ nào đó điều này ảnh hưởng đến sự cảm nhận về hạnh phúc của mọi người, bởi họ cảm thấy được an toàn.”

Với dân số khá nhỏ, trên 9 triệu người, nhưng chi tiêu cho phúc lợi xã hội của Israel trong năm 2020 đạt 93,5 tỷ USD, tăng 17 tỷ USD so với năm 2019. Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi này đã vượt ngưỡng 20%, mức rất cao so với các quốc gia khác.

Cũng có một số ý kiến cho rằng kết quả điều tra chỉ phản ánh được một phần của thực tế, thậm chí là không chính xác. Tuy nhiên, cảm nhận chung của nhiều người dân Israel là đời sống kinh tế liên tục được cải thiện, tuổi thọ cao và một xã hội cởi mở, năng động.

Chừng đó đã đủ để họ cảm thấy hạnh phúc, bất chấp thực tế nguy cơ chiến tranh vẫn luôn rình rập./.

Theo Lê Vũ Hội (Vietnam+)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói