Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

(Baohatinh.vn) - Gần 10 năm qua, nhiều hạng mục Dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa khẩu huyện Kỳ Anh (tại xã Kỳ Hà) vẫn chưa được thực hiện, thế nên tàu thuyền của bà con ngư dân không thể vào đây mỗi khi có bão.

Mong mỏi của ngư dân

Thời gian gần đây, số tàu thuyền công suất lớn ở Kỳ Hà nói chung và TX Kỳ Anh tăng thêm. Riêng trong 312 tàu cá trên địa bàn xã Kỳ Hà đã có 19 chiếc công suất từ 90-250CV, 27 chiếc từ 250-400CV và 18 chiếc từ 400 - dưới 800CV.

Điều đó càng khiến việc sớm hoàn thành âu tránh trú bão an toàn trở thành nỗi mong ngóng thường trực của nhiều ngư dân nơi đây.

Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

Số thuyền công suất lớn ở xã Kỳ Hà tăng cao, kéo theo đó là sự bức thiết trong việc hoàn thành khu tránh trú bão

Tàu của gia đình anh Trần Ngọc Quý (SN 1981, thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà) có công suất 753CV, đánh bắt ở các vùng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Trường Sa… nhưng mỗi lần về nhà lại phải đậu ở ngoài xa. Chưa kể, khi có mưa bão phải trú ẩn ở tận Quảng Bình, Đà Nẵng, Hải Phòng vì ở nhà không có chỗ neo đậu an toàn.

Anh Quý chia sẻ: “Năm 2017, tàu của gia đình tôi từng bị hư bánh lái vì đi vào khu vực âu thuyền Kỳ Hà. Hằng năm có 1-2 thuyền hư hỏng do bị mắc cạn tại khu vực này. Mùa mưa bão thì đúng là hết khổ. Mong các cấp chính quyền sớm hoàn thành âu tránh trú bão để ngư dân chúng tôi yên tâm vươn khơi bám biển…”.

Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

Anh Trần Xuân Bình chỉ cho PV thấy các khu vực bồi lắng khiến tàu cá ra vào âu thuyền gặp khó khăn

Dù có công suất nhỏ hơn là 450CV, nhưng mỗi lần ra vào âu thuyền, tàu cá của gia đình anh Trần Xuân Bình (SN 1983, thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà) đều hết sức chật vật . Anh Bình cho biết: “Âu tránh trú bão làm dở dang, lâu ngày khu vực luồng lạch bồi lắng nên tàu thuyền ra vào rất khó khăn, rất dễ mắc cạn, hư hỏng.

Cách đây ít năm, thuyền công suất như chúng tôi còn chạy ngược lên mạn sông Trí tìm chỗ trú bão, nhưng giờ những chỗ đó đã xây cầu, tàu không thể nào qua được, nên mưa bão về là ngư dân như “ngồi trên đống lửa”…”.

Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

Một chiếc thuyền bị hư hỏng khi áp bờ khu âu thuyền

Dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa khẩu huyện Kỳ Anh được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3770/QĐ-UBND ngày 27/11/2009, với mức vốn đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 là gần 90 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư.

Dự án gồm các hạng mục: Luồng tàu khu neo đậu; đê chắn sóng, chắn cát; hệ thống cột báo hiệu, tín hiệu đường sông; nạo vét luồng tàu từ khu neo đậu đến cửa biển, san lấp mặt bằng…

Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

Gần 10 năm triển khai, khu âu tránh trú bão xã Kỳ Hà mới hoàn thành được một số hạng mục

Năm 2010, dự án triển khai xây dựng giai đoạn 1, nhưng chỉ mới hoàn thành được các hạng mục gồm: Bờ kè và đoạn đầu đê chắn sóng, các hạng mục khác hiện vẫn còn dang dở.

Đặc biệt, hạng mục quan trọng nhất để trú bão an toàn là tuyến đê chắn sóng, chắn cát thì đến nay vẫn chưa được thi công.

Thiếu vốn để thi công giai đoạn 2

Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa khẩu Kỳ Hà có vai trò rất quan trọng đối với địa phương.

Do dự án dở dang nhiều năm nên tàu thuyền của bà con ngư dân chưa thể vào đây tránh trú bão. Hiện tại chỉ có tàu nhỏ neo đậu trong điều kiện thời tiết gió dưới cấp 6, gió bão lớn hơn thì tàu cá phải đi tới các tỉnh khác để tránh trú, không thì phải “chịu trận” ở nhà…”.

Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

Tàu cá công suất lớn chỉ đậu ngoài xa không thể vào sát bờ

Theo thông tin từ Ban Quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2 của dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Văn bản số 94/HĐND ngày 29/3/2017, bao gồm các hạng mục: Nạo vét khu neo đậu, luồng tàu; xây dựng đê chắn sóng dài 374m và đê chắn cát dài 276m; xây dựng hệ thống cột báo tín hiệu, tín hiệu đường sông, khu nhà điều hành, trạm biến áp.

“Nếu muốn đầu tư hoàn chỉnh, giai đoạn 2 phải cần số vốn là 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, do UBND tỉnh bố trí nguồn vốn 80 tỷ đồng nên giai đoạn 2 rút gọn còn các hạng mục thiết yếu gồm: Kè chắn sóng, kè chắn cát, nạo vét luồng tàu và khối lượng công việc còn lại trong âu từ giai đoạn 1 còn dang dở...”- ông Hà Văn Trà, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Mong mỏi của ngư dân về âu trú bão Kỳ Hà

Ông Hà Văn Trà trao đổi với PV về vấn đề triển khai giai đoạn 2 của dự án

Cũng theo ông Trà, trước sự bức thiết của người dân, BQL đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 2, tuy nhiên do việc khó khăn từ nguồn vốn nên đến nay các bước vẫn đang nằm trong trạng thái “đợi chờ”.

“BQL dự án mong UBND tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư mà BQL đã trình với Sở KH&ĐT. Đồng thời mong bộ, ngành Trung ương sớm xem xét cấp nguồn vốn trung hạn để đơn vị đẩy nhanh việc triển khai hoàn thành dự án vào năm 2021. Bên cạnh đó, khi công trình đưa vào sử dụng nên cho phép chủ trương xã hội hóa việc hút cát ở luồng lạch để giảm bớt chi phí duy tu, nạo vét hết sức tốn kém sau này…”- ông Trà kiến nghị.

Khu neo đậu trú bão ở xã Kỳ Hà kết hợp với cảng cá cửa khẩu (nối liền 2 xã Kỳ Ninh và Kỳ Hà) nằm trong quy hoạch khu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015. Khu vực này quy hoạch cho khoảng 300 tàu neo đậu với công suất tối đa là 600CV. Việc tàu thuyền tập trung tránh trú tại đây này lâu dần sẽ hình thành thêm khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo cơ hội chuyển đổi nghề cho hàng trăm lao động địa phương.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.