Phải ra đồng từ 4h sáng, chị Nguyễn Thị Thanh (Thạch Lạc - Thạch Hà) mới lấy được nước vào ruộng.
Trong 3 ngày (2 - 4/7), mưa xuất hiện hầu khắp các địa phương: Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh… giúp giảm nhiệt sau chuỗi ngày nắng nóng.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cho biết: “Tại các khu vực thuộc thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), Linh Cảm (Đức Thọ), lượng mưa giao động từ 20 - 51 mm, còn lại các địa phương khác chỉ đạt dưới 5mm. Mưa nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn nên mới chỉ giải nhiệt không khí chứ chưa thể giải hạn được cho cây trồng”.
Bà con Hương Sơn hi vọng tiết trời mát mẻ có thể giữ được nước trong chân ruộng lâu hơn. Ảnh: Ánh Dương
Vào hôm qua (3/7), các xã vùng hạ của Hương Sơn đón trận mưa đầu tiên sau đợt nắng nóng gay gắt, cũng là nơi có lượng mưa lớn nhất tỉnh đến thời điểm hiện tại - với 51 mm. Mưa đã giải tỏa được một phần tâm lý của bà con nông dân và giảm sự căng thẳng đẩy nước của các kênh tưới.
Bà Phan Thị Thủy (thôn Trà Sơn, xã Sơn Ninh) cho biết: “Vùng đất này đã khô hạn gần 1,5 tháng rồi. Tuần trước, nước thủy lợi ép về chúng tôi mới tỉa dặm được, nay có thêm mưa, nước đã phủ hết đồng. Thế nhưng, đây là vùng cao hạn nhất, chỉ cần ít ngày nắng trở lại thì thì nguồn nước trong chân ruộng sẽ cạn rất nhanh”.
Được biết, đến nay, tất cả 130 ha lúa hè thu của xã Sơn Ninh đã được phủ kín nước tưới. Khoảng 2 ngày nữa, trạm bơm Sơn Ninh sẽ tạm dừng để giữ nước, tiết kiệm nguồn cho đợt nắng hạn tiếp theo.
Mưa chưa đủ thấm đồng nhưng cũng giúp không khí dịu mát hơn, tạo điều kiện cho bà con chăm bón lúa hè thu.
Sau cơn mưa vào chiều 3/7, đồng ruộng các xã: Tượng Sơn, Thạch Trị, Thạch Lạc (huyện Thạch Hà)… rộn ràng hẳn. Bà con nông dân cùng nhau xuống đồng lấy nước, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu…
Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Thanh Sơn, xã Thạch Lạc) cho biết: “Đồng nằm ở cuối kênh tưới Kẻ Gỗ, mấy đợt trước chân ruộng khô khốc vì nước không về kịp. Mấy ngày nay dịu mát, kênh giảm được tổn thất nước, thế nên tôi phải ra đồng từ 4 giờ sáng, dẫn nước về chăm ruộng”.
Nhiều địa phương mới có nước để tiến hành dặm tỉa.
Theo chị Thanh, mùa này canh trời từng chút một, khi nắng chưa gay gắt trở lại thì phải tranh thủ bón thúc, phun thuốc trừ sâu mới hiệu quả. Ngay từ hôm qua, chị đã hoàn thành xong đợt bón thúc lần 3 cho 1 mẫu ruộng.
Bà Lê Thị Lài (thôn Hòa Mỹ, xã Tượng Sơn) cũng tranh thủ xuống đồng làm cỏ. “Cũng may, vùng này chủ động nước nên thêm tí dịu mát không khí sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn chứ mưa thì chưa thấm đất đâu. Chỉ lo, sau đợt mưa nhỏ này thời tiết lại nắng hạn trở lại, đúng vào kỳ đón đòng thì cây lúa sẽ bị ảnh hưởng".
Những cánh đồng ngô vẫn khô khốc vì thiếu nước. Ảnh: Ánh Dương
Trong khi đó, ở các vùng sản xuất của huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Khê thì lượng mưa “nhỏ giọt”, ở mức khoảng 2,5 mm, chưa có khả năng giải nhiệt, cấp nước. Thậm chí, theo một số bà con nông dân, mưa theo kiểu “tạt qua” đang khiến cho không khí nóng lên, cộng với lượng bốc hơi từ đồng ruộng đe dọa diện tích lúa vùng cao cạn dễ chết khô.
Dù có mưa, các trạm bơm vẫn phải duy trì mới đủ đẩy nước về đồng ruộng.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, không khí dịu mát chỉ còn ở lại khoảng 1 - 2 ngày nữa. Lượng mưa xuất hiện cũng sẽ giảm dần, lượng mưa không lớn và khó lòng “giải khát” được vùng hạn. Từ ngày 6/7 trở đi, Hà Tĩnh sẽ đón đợt nắng nóng mới, khả năng kéo dài đến hết tháng 7, tập trung cao điểm nhất là đến 15/7 tới.
Phía trước, các vùng sản xuất lại sắp đối mặt với khô cạn, mong ngóng nước...!
Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy 44.413/44.514 ha lúa, đạt 99,8% kế hoạch. Hiện nay, lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ. Theo báo cáo của các Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, thị xã, tính đến ngày 2/7/2020, toàn tỉnh có: 185 ha lúa bị hạn (huyện Hương Khê 164,5 ha, huyện Vũ Quang 20 ha); một số xã có diện tích hạn lớn như: Hòa Hải (20ha), Hương Trạch (21 ha), Hương Đô (11 ha), Hương Lâm (18ha), Hương Xuân (35ha), Điền Mỹ (17ha), Gia Phố (8 ha), Phúc Đồng (7 ha), Phúc Trạch (5 ha), Hương Liên (5ha); Thọ Điền (20 ha)… Số diện tích bị hạn chủ yếu nằm ở vùng tưới của công trình tiểu thủy nông và một số diện tích vùng cuối kênh của các hệ thống thủy lợi lớn. Ngoài ra, có khoảng 345 ha chè (huyện Kỳ Anh 300 ha, huyện Hương Khê 45 ha, trong đó có 5 ha bị chết) và 1.685 ha cây ăn quả (huyện Hương Khê 1.500 ha, huyện Kỳ Anh 185ha) bị hạn. |