Thương mại điện tử tuy có nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua từ 25-30%/năm. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của thương mại điện tử đã dễ dàng “tiếp tay” cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi trên môi trường internet, dẫn đến những thiệt hại cho khách hàng.
Hiện nay, ngoài những website thương mại điện tử nổi tiếng như Tiki.vn, Lazada.vn, Shopee.vn, Adayroi.com, Sendo.vn, Vatgia.com, Nguyenkim.com v.v… ở Việt Nam có hàng triệu fanpage, group, website bán hàng online.
Dưới danh nghĩa hàng săn sale (giảm giá), một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ đến bất ngờ. Điển hình như các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng: đồng hồ, quần áo, túi, nước hoa… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm… Trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.
Người mua có thể nhận được hàng không đúng như quảng cáo khi mua hàng online.
Nhiều người khi mua hàng qua mạng đã phải ngậm ngùi khi sản phẩm được giao không đúng với những gì được quảng cáo. Tuy nhiên vì giá trị sản phẩm không quá lớn và vì khi tìm hiểu, e ngại sự phức tạp trong quá trình khiếu kiện nên đã “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không lên tiếng, không phản ánh đến cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Chị Hoa Anh - một người kinh doanh tự do chia sẻ: “Do mặt hàng ở các trang bán hàng online uy tín không đáp ứng được nhu cầu nên thỉnh thoảng tôi cũng mua thêm váy vóc, quần áo ở một số trang facebook và fanpage chuyên kinh doanh thời trang.
Những trang này đa phần là ở Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh khác nên mỗi khi đặt hàng, tôi đều tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng nhận được cũng như quảng cáo. Và, do ngại việc trả đi, trả lại phức tạp nên hoặc là tôi bán lại giá rẻ hoặc cố gắng dùng hàng kém chất lượng”.
Mặc dù có ký chứng từ khi nhận hàng nhưng nhiều người mua vẫn ngại đổi trả khi nhận hàng kém chất lượng từ các kênh phân phối online.
Hiện nay, trong giao dịch điện tử, khách hàng không có quyền thương lượng. Trong đó có một vấn đề là các trang kinh doanh online tự nâng giá sản phẩm so với thực tế thị trường, so với chất lượng sản phẩm rồi đánh lừa thị hiếu bằng cách sử dụng chiêu thức giảm giá, khuyến mãi. Những gói khuyến mãi từ 50-70% luôn hấp dẫn khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều người sau khi đồng ý mua, nhận hàng, xem chất lượng sản phẩm mới biết đó chỉ là chiêu thức đánh lừa khách hàng. Và cách phản ứng phổ biến mà họ sử dụng là viết một vài lời ca thán trên facebook hoặc tẩy chay trang bán hàng đó.
Chị Huyền Trang (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Khuyến mãi là một chiêu thức kinh doanh được nhiều trang bán hàng online lựa chọn. Ban đầu, tôi đã tin. Về sau, thấy sản phẩm nào cũng sale mà lại sale quanh năm nên tôi mới biết là chiêu thức của người bán hàng.
Tuy nhiên, tiền nào của đó, nếu đã chấp nhận mua giá rẻ thì đương nhiên bạn phải nhận hàng chất lượng không cao. Để tự bảo vệ mình, bây giờ tôi thường mua trên những website của các nhãn hàng có uy tín hoặc các trang mua sắm trực tuyến nổi tiếng”.
Trước những nguy cơ rủi ro của khách hàng trong thương mại điện tử, năm 2020, Bộ Công thương lựa chọn chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” cho ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3. Trong đó, chú trọng khuyến cáo khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái trong thương mại điện tử; lưu ý, người tiêu dùng có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến, có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc 1800 - 6838 của Bộ Công thương cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh để kịp thời bảo vệ khách hàng. |