Mỹ rút khỏi INF và khoảng trống nguy hiểm

Việc Mỹ tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2/2, đồng thời chính thức “kích hoạt” quá trình rút khỏi thỏa thuận này trong vòng 6 tháng, tuy không phải là bước đi bất ngờ, song những hệ lụy mà nó gây ra thì chưa thể lường trước được.

Hệ thống Iskander-K có khả năng phóng tên lửa 9M729, loại vũ khí tối tân khiến Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ảnh: Sputnik/TTXVN

Rõ ràng là bước đi của Mỹ có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới Nga – Mỹ càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, đồng thời tạo ra một “vùng trống” trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Nga ngay lập tức đã tuyên bố để ngỏ các biện pháp đáp trả phù hợp và tương xứng, điều làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới, kéo theo không chỉ Moskva và Washington, mà có thể cả các cường quốc khác vốn đang tìm mọi cách để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Mặc dù từ vài năm nay, Nga và Mỹ vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988 này, song ít nhiều việc hai bên cùng tiếp tục duy trì thực hiện các cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km), cũng phần nào hạn chế được nhiều mối hiểm họa. Trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu chiến lược quyết liệt Nga-Mỹ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, hai nước vẫn tiếp tục hiện đại kho vũ khí của mình như một trong những biểu hiện của sức mạnh. Chính những thỏa thuận tương tự như INF hay Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) là “dây neo” giữ Nga và Mỹ không vượt quá “giới hạn đỏ” đến mức gây nguy hiểm tới sự ổn định chiến lược toàn cầu. Như lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, INF đang đóng vai trò “nhân tố ổn định và duy trì tính dự đoán và kiềm chế ở mức độ nhất định trong lĩnh vực quân sự”.

Moskva coi kế hoạch rút khỏi INF là một phần trong chiến lược quốc gia của Washington nhằm rũ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế của mình để theo đuổi tham vọng riêng. Trên thực tế, Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết định rút khỏi các hiệp ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa hay an ninh, quân sự, gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế. Với quyết định tạm ngừng thực hiện INF, Nga lo ngại Mỹ sẽ triển khai tên lửa tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại châu Á và châu Âu, trực tiếp đe dọa an ninh thế giới nói chung và nước Nga nói riêng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo: “Việc Mỹ rút khỏi INF có thể khiến toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt bị sụp đổ... Cảnh báo của ông Putin phù hợp với thực tế đáng báo động rằng nếu tính cả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2001 thì trong vòng 20 năm qua, hai cường quốc sở hữu hơn 90% kho vũ khí hạt nhân thế giới, đã đánh mất hai hiệp ước nền tảng bảo vệ sự đồng đẳng hạt nhân trong nhiều thập niên. Không những vậy, nhiều nhà phân tích lên tiếng cảnh báo nguy cơ Mỹ sẽ không gia hạn START-3 với Nga, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.

Tranh cãi Nga - Mỹ liên quan lNF lần này tỏ ra gay gắt và quyết liệt hơn, một phần bởi “chủ đề Nga” luôn là trọng tâm đối đầu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe Dân chủ. Không chỉ đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu Nga trong vòng 60 ngày, tức thời hạn chót là 2/2, phải tiêu hủy tên lửa “Novator 9M729” mà Washington cáo buộc vi phạm INF, Mỹ dường như cũng “phớt lờ” mối lo ngại của các đồng minh châu Âu khi rút khỏi thỏa thuận vốn được coi là trụ cột bảo đảm an ninh châu Âu này.

Về lý thuyết, với việc Mỹ tuyên bố khởi động 180 ngày tiến trình rút khỏi INF, Moskva và Washington vẫn có 6 tháng nữa để tìm kiếm giải pháp “cứu” INF thông qua đối thoại. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng với lập trường cứng rắn hiện này thì đối thoại Nga - Mỹ về INF sẽ không tìm được lối thoát, tương tự như các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay thứ trưởng thời gian qua.

Theo Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại Andrey Kortunov, một khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, bất kỳ thỏa thuận mới nào giữa Nga và Mỹ về vũ khí chiến lược sẽ rất khó khăn. Trong bối cảnh chính trị và thực trạng quan hệ Nga-Mỹ hiện nay, việc thống nhất một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước để tháo gỡ nút thắt lại càng “bất khả thi”. Thiếu những cuộc đối thoại và tham vấn giữa Nga và Mỹ, chắc chắn nỗ lực khôi phục cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược sẽ không thể thành công.

Một số ý kiến còn cho rằng việc Mỹ đưa ra thời hạn 6 tháng không phải để trì hoãn hay tìm kiếm đối thoại, mà trên thực tế việc sản xuất tên lửa tầm ngắn và tầm trung đòi hỏi phải có thời gian. Theo Giám đốc Chương trình câu lạc bộ “Valdai” Invan Timofeev, không có chuyện mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn sau sau khi Mỹ rút khỏi INF, hậu quả sẽ đến sau ít năm nữa.

Dẫu vậy, trong bối cảnh quốc tế ngày nay khi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện này càng nhiều, chắc chắn vấn đề vũ khí chiến lược sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Khoảng trống hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sau khi Mỹ rút khỏi INF chính là rủi ro lớn nhất. Bởi vậy, Nga đã đề nghị tiếp tục đối thoại, và bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn nói tới việc đàm phán lại một thỏa thuận. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng Nga và Mỹ có thể sớm quay lại tham vấn về những nguyên tắc ổn định chiến lược.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói