Mỹ - Trung cạnh tranh ở... đáy biển

Việc xây dựng song song các tuyến cáp quang nối châu Á - châu Âu do Mỹ và Trung Quốc tiến hành độc lập với nhau là điều chưa từng có tiền lệ.

Minh họa: REUTERS

Hồi tháng 2, truyền thông quốc tế đưa tin hai trong số các tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc là China Telecom và China Mobile đã rút khỏi dự án cáp biển toàn cầu do Washington chủ trì khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

Cứ ngỡ mọi chuyện đã khép lại từ lúc đó, nhưng tuần này rộ lên thông tin hai tập đoàn Trung Quốc đang khởi động một dự án cáp quang xuyên châu lục khác có quy mô lớn không kém.

Cạnh tranh trực tiếp với Mỹ

Hôm 6-4, bản tin độc quyền của Reuters cho biết ba nhà mạng chính của Trung Quốc là China Telecom, China Mobile và China Unicom đang phát triển mạng lưới cáp quang xuyên biển trị giá 500 triệu USD nối châu Á, khu vực Trung Đông và châu Âu.

Được gọi là EMA (châu Âu - Trung Đông - châu Á), tuyến cáp này sẽ nối Hong Kong với đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó đến Singapore, Pakistan, Saudi Arabia, Ai Cập và Pháp.

Dự án EMA của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với tuyến cáp do Công ty SubCom của Mỹ đang xây dựng có tên SeaMeWe-6 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu - 6) trị giá 600 triệu USD. Tuyến cáp này sẽ kết nối Singapore với Pháp, đi qua Pakistan, Saudi Arabia, Ai Cập và một số nước khác.

Nhóm tham gia dự án SeaMeWe-6 (ban đầu gồm China Mobile, China Telecom và các công ty nước ngoài khác) trước đây chọn Công ty cáp quang HMN Tech của Trung Quốc là đối tác triển khai. Nhưng sau đó Washington gây áp lực, buộc hợp đồng phải chuyển sang Công ty SubCom (Mỹ) vào năm ngoái.

Sau khi SubCom giành được hợp đồng, China Telecom và China Mobile rút khỏi dự án. Hiện hai công ty này cùng với China Unicom khởi thảo kế hoạch chi tiết cho tuyến cáp EMA.

Quá trình sản xuất vật liệu và lắp đặt do Công ty cáp quang HMN Tech của Trung Quốc đảm nhận, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ một phần chi phí xây dựng.

Các dự án cáp biển quy mô lớn thường mất ít nhất ba năm để đi từ giai đoạn hình thành ý tưởng cho đến khi hoàn tất. Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ chốt các hợp đồng vào cuối năm nay và đưa cáp EMA vào hoạt động từ cuối năm 2025.

Nguồn: REUTERS - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: N.KH.

Cuộc chiến công nghệ khốc liệt

Kế hoạch xây dựng EMA là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington có nguy cơ ảnh hưởng đáng kể tới hạ tầng Internet trong tương lai.

Tháng trước, Reuters tiết lộ trong bốn năm qua Chính phủ Mỹ đã ngăn chặn nhiều dự án cáp quang biển của Trung Quốc ở nước ngoài.

Washington cũng ngăn cản việc cấp giấy phép cho các tuyến cáp ngầm tư nhân được lên kế hoạch kết nối Mỹ với Hong Kong, bao gồm các dự án do Google, Meta Platforms và Amazon đề xuất.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington ủng hộ Internet tự do, cởi mở và an toàn. Họ cho rằng các nước nên ưu tiên vấn đề bảo mật và quyền riêng tư bằng cách “loại hoàn toàn các nhà cung cấp không đáng tin cậy” khỏi mạng không dây, cáp mặt đất và cáp biển, vệ tinh, dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu.

Một trong những người am hiểu về dự án EMA tiết lộ tuyến cáp này sẽ mang lại cho Trung Quốc những lợi ích chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Thứ nhất, EMA sẽ tạo ra một kết nối mới siêu nhanh giữa Hong Kong, Trung Quốc và phần lớn các nước trên thế giới. Thứ hai, tuyến cáp này mang lại cho các công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc khả năng tiếp cận và bảo vệ tốt hơn trong trường hợp họ bị loại khỏi các tuyến cáp do Mỹ làm chủ trong tương lai.

Xây dựng đồng thời hai tuyến cáp kết nối châu Á với châu Âu của Mỹ và Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ.

Các nhà phân tích an ninh nói đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu - bao gồm cáp, trung tâm dữ liệu và mạng điện thoại di động - có thể bị chia tách trong thập niên tới. Các nước có thể sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa việc dùng hạ tầng mạng của Trung Quốc hay của Mỹ.

Nhà nghiên cứu Timothy Heath (Tập đoàn RAN, Mỹ) nói: “Có vẻ như chúng ta đang đi tới một lộ trình mà ở đó sẽ có mạng Internet do Mỹ dẫn đầu và hệ sinh thái Internet do Trung Quốc dẫn đầu. Mỹ và Trung Quốc càng tách bạch nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì việc xúc tiến thương mại toàn cầu và các chức năng cơ bản càng trở nên khó khăn”.

Nỗi lo gián điệp

Theo báo Financial Times, khoảng 95% lưu lượng dữ liệu Internet toàn cầu được truyền qua hơn 400 tuyến cáp ngầm đang hoạt động kéo dài 1,4 triệu km. Tuy nhiên, những tuyến cáp này vốn dễ bị ảnh hưởng bởi các hành vi phá hoại và gián điệp.

Nhà nghiên cứu công nghệ Alexandra Seymour tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cảnh báo tham vọng sở hữu các tuyến cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc thông qua các công ty viễn thông nhà nước gây lo ngại về các hoạt động khác ngoài việc kết nối thông tin.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói