Nan giải bài toán lao động nghề biển ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đối với nghề mưu sinh trên biển, ngoài phương tiện, các bạn thuyền có vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định thành công của mỗi chuyến ra khơi. Tuy nhiên, tại các vùng biển của Hà Tĩnh hiện nay, tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển đang diễn ra khá phổ biến.

Nan giải bài toán lao động nghề biển ở Hà Tĩnh

Nghề câu gặp nhiều khó khăn, thiếu lao động nên tàu vỏ thép 16 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Lòng (Thạch Kim) đã nằm bờ nhiều tháng nay

Đã rất nhiều tháng nay, tàu cá công suất hơn 800 CV của ông Nguyễn Văn Lòng ở thôn Hoa Thành (xã Thạch Kim, Lộc Hà) phải nằm bờ. Nguyên nhân một phần do thiếu lao động đi biển. Ông Lòng cho biết: “Nghề câu ngày một khó khăn, chính vì thế, nhiều lao động đã không còn mặn mà với nghề truyền thống này, việc vươn khơi của chúng tôi vì thế càng thêm gặp khó”.

Xót xa khi nhìn con tàu hàng chục tỷ đồng không phát huy được hiệu quả, nên trước đó, dù chỉ có 5 - 7 bạn thuyền, ông Lòng vẫn quyết định nhổ neo lướt sóng. Thế nhưng, ngư trường gặp nhiều khó khăn, lại không đủ lao động để đảm bảo công việc nên ông liên tục thua lỗ.

Câu chuyện thiếu lao động đi biển đang là một thực tế khá phổ biến. Cũng vì nguyên nhân này mà một số ngư dân ở Thạch Kim chưa mặn mà với việc cải hoán tàu thuyền. Ông Phạm Minh Tịnh (thôn Giang Hà, Thạch Kim) cho biết: “Cũng từng có ý định cải hoán tàu thuyền công suất lớn, nhưng trước thực tế lao động nghề biển ngày càng khan hiếm nên cuối cùng tôi vẫn chung thủy với con tàu 55 CV”.

Nan giải bài toán lao động nghề biển ở Hà Tĩnh

Tàu Triệu Vy của anh Trần Xuân Sinh ở Thạch Bằng (Lộc Hà) phải thuê lao động ngoại tỉnh

Thạch Kim là một trong những địa phương có số lượng tương đối lớn với hơn 100 tàu thuyền các loại, trong đó có 26 tàu công suất trên 90 CV. Chỉ làm một phép toán đơn giản với mỗi chuyến ra khơi, tàu công suất lớn cần 15 – 20 lao động, tàu công suất vừa và nhỏ cần từ 5 – 7 lao động. Như vậy, tính sơ bộ cũng cần có khoảng gần 1.000 lao động trên các tàu cá. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, khi lực lượng thanh niên ly quê đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động ngày càng tăng thì tỷ lệ lao động sống bằng nghề đi biển ở Thạch Kim chỉ đáp ứng được một phần nào khối lượng công việc.

Anh Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: "Những năm qua, Thạch Kim đã chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cùng với khó khăn trong việc thiếu bạn tàu, nghề cá còn đứng trước một vấn đề nan giải khi lực lượng lao động bám biển đang có xu hướng ngày một già hóa”.

Tại Thạch Kim hiện nay, số lượng lao động đi biển có khoảng 600 người, nhưng độ tuổi từ 45 trở lên chiếm tới hơn 70%. Thực tế, có rất nhiều tàu 100% lao động có độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi.

Nan giải bài toán lao động nghề biển ở Hà Tĩnh

Lao động đi biển tại Hà Tĩnh có tuổi đời ngày càng cao. Ảnh: Hữu Trung

Tại Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên), theo ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã: “Thiếu lao động nghề biển cũng đã trở thành nỗi lo của chúng tôi khi toàn xã có 182 tàu thuyền, trong đó có 34 tàu công suất trên 90CV nhưng chỉ có khoảng 600 lao động đi biển. Trong số đó, phần lớn lao động chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm đánh bắt thủ công, truyền thống, chứ chưa thể áp dụng được các kỹ thuật đánh bắt hiện đại nên sản lượng vẫn còn hạn chế”.

Ông Tuần còn cho hay: Thời gian qua, ngành thủy sản đã có những chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ thuật khai thác, đánh bắt nhất là đối với đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng. Nhưng, chính các ngư dân chưa mặn mà, thêm vào đó là các chương trình tập huấn vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản - vốn là thế mạnh của địa phương.

Câu chuyện thiếu lao động nghề biển, đặc biệt là lao động có tay nghề cao cũng đang là thực tế khá phổ biến tại các vùng biển khác như Xuân Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên).

Theo số liệu từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.000 phương tiện nghề cá, trong đó 374 tàu cá xa bờ có công suất trên 90 CV. Cùng với chính sách hỗ trợ cải hoán tàu thuyền, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo cho ngư dân để nâng cao năng lực, trình độ khai thác, đánh bắt nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đánh bắt hiện đại. Tuy nhiên, do nhu cầu học của người lao động chưa cao nên việc áp dụng các kỹ thuật để khai thác nguồn lợi thủy sản còn nhiều hạn chế.

Nghề biển là nghề bấp bênh, nhiều rủi ro, tuy nhiên thu nhập chưa tương xứng nên ngư dân dần có xu hướng lựa chọn công việc khác phù hợp và thu nhập cao. Vì vậy, câu chuyện thiếu và yếu về lao động nghề biển vẫn là vấn đề nan giải.

Chủ đề Lao động việc làm

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.