Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama |
Một bài báo của tờ New York Post đề cập đến báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ mang tựa đề “Kịch bản của điện Kremlin: Hiểu biết về ảnh hưởng của Nga ở Đông và Trung Âu”, trong đó cho biết Nga đang tiến hành “chiến dịch ly tán sự hợp nhất Phương Tây” bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế và chính trị ngầm.
Các tác giả của báo cáo cho rằng, Moscow đang mưu toan lôi kéo các chính trị gia thân thiện của các nước Bulgaria, Hungary, Latvia, Serbia và Slovakia về phía mình. Nước này cố gắng nắm quyền kiểm soát thị trường năng lượng châu Âu và phá hoại chính sách chống tham nhũng của từng nước.
Tài liệu tiết lộ: “Ảnh hưởng của Nga đã trở nên quá rộng rãi ở một số nước, đến nỗi nó thách thức sự ổn định của các quốc gia và mục tiêu thân phương Tây, cũng như đe dọa gây bất ổn cho toàn bộ châu Âu- Đại Tây Dương”.
Nga đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình tại châu Âu bằng việc thực hiện một số dự án kinh tế lớn. Việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Hungary có thể mang lại cho Moscow một hợp đồng giá trị 12 tỷ euro. Theo tác giả bán báo cáo thì Bulgaria cũng là nước đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế Nga.
Những lời lẽ cáo buộc này xuất hiện đúng giai đoạn mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trong chiều hướng bị tổn hại nhanh chóng. Mới đây, hai nước đã cắt đứt liên lạc về vấn đề nội chiến Syria. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chính thức cáo buộc Nga tấn công hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần phủ nhận những thông tin trên. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố cáo buộc của Mỹ rằng Nga phải chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công mạng nhắm vào những tổ chức thuộc đảng Dân chủ ở Mỹ là "vô lý".