Các vũ khí “sẽ được đưa đến biên giới phía tây của Nhà nước Liên minh và tăng cường đảm bảo an ninh. Điều này sẽ được thực hiện bất chấp sự ồn ào từ châu Âu và Mỹ”, Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov nói với kênh truyền hình CTV Belarus ngày 2/4.
Nhà nước Liên minh được Nga và Belarus thiết lập năm 1999 với kế hoạch thành lập nội các, quốc hội và tòa án chung, cũng như các thể chế khác. Dù kế hoạch chưa hiện thực hóa, Nga và Belarus có quan hệ đối tác kinh tế và chính trị chặt chẽ.
Ông Gryzlov không nêu vị trí đặt vũ khí cụ thể, nhưng xác nhận rằng một kho chứa sẽ được hoàn thành trước ngày 1/7 theo yêu cầu từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo ông Gryzlov, Nga và Belarus cần phải hành động để tăng cường an ninh, trong bối cảnh vũ khí hạt nhân Mỹ đã được bố trí tại các quốc gia châu Âu như Italy, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov. Ảnh: TASS.
Tổng thống Putin ngày 25/3 tuyên bố Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông chủ Điện Kremlin cho biết động thái này “không có gì bất thường” và Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ. Ông khẳng định không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk.
Belarus phía tây giáp với ba thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31/3 nói phương Tây “âm mưu xâm chiếm Belarus” và việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân sẽ giúp bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích kế hoạch của Nga , coi đây là cuộc trao đổi “nguy hiểm”. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Belarus không cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ, dọa áp thêm trừng phạt với Minsk. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 28/3 chỉ trích Washington “đạo đức giả” khi chỉ trích Moskva vì Mỹ cũng bố trí vũ khí ở châu Âu.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa “sự tồn vong” của nhà nước Nga.
Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.