Nhờ có tiền vốn vay từ tổ tiết kiệm, chị Mai Thị Oanh có cơ hội phát triển chăn nuôi
Một buổi sáng đầu tháng 10, sau khi nghe loa phát thanh thôn thông báo đến ngày gửi và vay tiết kiệm, hàng chục chị em người ít 50 ngàn, người nhiều lên đến vài chục triệu đã đến nhà văn hóa thôn Quan Nam giao nộp cho tổ trưởng tổ tiết kiệm. Chỉ trong buổi sáng, số tiền chị em đóng góp được lên đến gần 210 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - Chi hội phó kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm phụ nữ thôn Quan Nam chia sẻ: “Trước đây, thôn đã có nhiều mô hình phường hội tiết kiệm nhưng số vốn huy động được không nhiều mà nhu cầu của chị em thì lớn; nhiều phường hội nhanh chóng tan rã do hoạt động không hiệu quả. Cuối năm 2017, nhận thấy nguyện vọng gửi tiết kiệm và nhu cầu cần vốn để phát triển kinh tế gia đình của nhiều chị em khá lớn nên chi hội phụ nữ đã đứng ra đảm đương trọng trách này”.
Là chi hội phó kiêm tổ trưởng vay vốn, chị Nguyễn Thị Hạnh được tất cả chị em trong thôn yêu mến vì làm việc rõ ràng, minh bạch. Ảnh: Chị Hạnh và quầy vịt quay tại gia
Để phát huy hiệu quả của mô hình, cán bộ hội phụ nữ lập kế hoạch cho từng khoản huy động, khoản vay. Theo đó, vào ngày mồng 2 mỗi tháng, trước khi huy động tiền gửi, chị Hạnh lên danh sách những người có nhu cầu vay, ưu tiên những người có nhu cầu chính đáng, cấp thiết vay trước. Lãi suất ưu đãi, phương thức vay nhanh chóng, tin cậy, chi hội phụ nữ thôn đã trở thành cầu nối giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn đang cần vốn phát triển kinh tế.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, với 150 thành viên, tổ tiết kiệm phụ nữ Quan Nam đã huy động được số vốn hơn 3 tỉ đồng, cho 160 lượt chị em được vay làm ăn. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2019, tổ huy động được 1,5 tỉ đồng cho 80 lượt vay.
Người gửi tiết kiệm có số tiền cao nhất gần 70 triệu đồng, người vay cao nhất là 50 triệu đồng.
Mô hình kinh doanh tổng hợp của chị Mai Thị Mỹ - thành viên của Tổ tiết kiệm phụ nữ thôn Quan Nam
Nhờ vốn vay của tổ tiết kiệm, nhiều chị em đã tạo được mô hình kinh doanh sản xuất cho thu nhập khá. Đặc biệt, với cách quản lý chặt chẽ của tổ và ý thức, quyết tâm cao của chị em nên đến nay, không có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn...
Chị Mai Thị Oanh (42 tuổi) - chủ hộ chăn nuôi, cho biết: “Năm ngoái chị vay 30 triệu đồng của tổ tiết kiệm về làm ăn có lãi, năm nay chị vay thêm 50 triệu để đầu tư mua hai con bò và 100 con gà về nuôi. Hằng tháng, chị tiết kiệm 1-2 triệu đồng để gửi vào tổ. Nhờ tổ tiết kiệm, không chỉ chị mà còn nhiều chị em khác trong thôn đều có cơ vội vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình".
Mô hình xưởng mộc của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hành
Cũng như chị Oanh, từ nguồn vốn vay ưu đãi của tổ tiết kiệm, mô hình xưởng mộc của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hành, mô hình kinh doanh tổng hợp, đại lý vé máy bay của chị Trần Thị Tỉnh, Mai Thị Mỹ... đã phát triển và mang lại thu nhập khá, tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương.
Chị Bùi Thị Thương, một trong những người có số tiền tiết kiệm cao nhất cho biết: “Trước đây nếu theo phường hội, chúng tôi chỉ góp được rất ít. Phần nhiều là để cuối năm dùng thuê công cấy hay mua sắm tết. Nhưng từ khi có tổ tiết kiệm, chúng tôi lại nghĩ đến việc phải làm điều gì đó lớn hơn. Hằng tháng, không chỉ thấy “con lợn nhựa” của mình thêm lớn mà còn giúp được nhiều chị em trong thôn cùng phát triển kinh tế, tôi lại càng nỗ lực để kiếm ra tiền gửi vào tiết kiệm”.
Không chỉ biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, phụ nữ Quan Nam còn là lực lượng nòng cốt xây dựng NTM kiểu mẫu trong thời gian qua
Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm của chị em Quan Nam tạo được niềm tin và sức lan tỏa không chỉ trong thôn mà ra cả ngoài chi hội. Đến nay, tổ đã có thêm nhiều thành viên là đàn ông, người già có tiền nhàn rỗi.
“Thời gian gần đây, tổ đã mở rộng đối tượng cho vay sang chị em ở thôn khác như Thượng Phú, Đông Thịnh, Trung Sơn... Chúng tôi hy vọng nguồn vốn vay của tổ sẽ giúp chị em phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” - Tổ trưởng tiết kiệm Nguyễn Thị Hạnh cho biết.