Nguồn vốn huy động ước đạt 111.000 tỷ đồng
2024 là một năm thắng lợi đối với Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II trong công tác huy động vốn. Triển khai các chương trình tiết kiệm dự thưởng với nhiều phần quà giá trị như xe ô tô, chi nhánh đã nhanh chóng thu hút hàng ngàn tỷ đồng từ dân cư.
Theo ông Võ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II: Những tháng cuối năm 2024, chi nhánh tiếp tục gây “sức hút” trong công tác huy động vốn khi triển khai chương trình gửi tiền tiết kiệm dự thưởng từ hệ thống Agribank “Xuân tích lũy – Quỹ đong đầy”. Quy mô chương trình là 3.670 giải quay số với tổng giá trị giải thưởng lên tới 14,35 tỷ đồng.
Theo đó, từ ngày 10/12/2024 – 31/3/2025, khi tham gia gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ có cơ hội trúng 1 giải đặc biệt là sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ đồng, 9 giải nhất (mỗi giải là 1 sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng), 60 giải nhì (mỗi giải là 1 sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng), 600 giải ba (mỗi giải là sổ tiết kiệm 10 triệu đồng) và 3.000 giải khuyến khích (mỗi giải là 1 triệu đồng). Nguồn vốn toàn chi nhánh tính đến ngày 12/12/2024 đạt 14.038 tỷ đồng và đơn vị đang nỗ lực gia tăng nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế giai đoạn cuối năm.
Nếu như các ngân hàng thương mại Nhà nước “ghi điểm” với khách hàng trong việc thiết kế và triển khai các chương trình tiết kiệm dự thưởng thì khối ngân hàng ngoài quốc doanh lại gây “sức hút” nhờ việc gia tăng lãi suất huy động. Trong nhiều tháng gần đây, lãi suất tiền gửi ở các chi nhánh ngân hàng: HDBank, Bắc Á Bank, VP Bank, Techcombank… đang "nhích" dần theo hướng đưa lại lợi ích cho khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, ước đến ngày 31/12/2024, nguồn vốn huy động của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 111.000 tỷ đồng, tăng 10,42% so với cuối năm 2023.
Phấn đấu dư nợ tăng 14,5%
Cuối năm 2024, tình hình trong nước ổn định, nền kinh tế duy trì xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét hơn nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai gây hậu quả nặng nề... là những khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Với sự chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam, các TCTD đã bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của ngành, của Hội sở chính, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án có hiệu quả, các chương trình phục hồi kinh tế nhằm góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh: Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, năm 2024, Vietcombank đã chủ động giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và ổn định trên thị trường, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận nguồn vốn “giá rẻ” đối với các khoản cho vay mới lẫn khoản vay cũ. Tính đến nay, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 16.500 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7% so với cuối năm 2023.
Giai đoạn “nước rút cuối năm”, các ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực cung ứng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Tại ACB Hà Tĩnh, chi nhánh đang triển khai chương trình tín dụng từ hệ thống "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" với hạn mức lên đến 4.000 tỷ đồng. Với gói vay này, lãi suất vay chỉ từ 8,5%/năm – cố định trong suốt 5 năm đầu tiên của khoản vay. Ngoài ra, ACB tập trung cho vay ngắn hạn đầu tư sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 5,5 – 6%/năm...
Theo lãnh đạo ACB Hà Tĩnh, đến thời điểm này, dư nợ cho vay của ACB Hà Tĩnh đã đạt 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm và đã hoàn thành kế hoạch tín dụng được hội sở giao. Từ nay đến tết Nguyên đán Ất Tỵ, dự báo nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và vay tiêu dùng của khách hàng trên địa bàn sẽ tăng cao, do vậy, ACB tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Tháng cuối năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn chủ động thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Ước đến ngày 31/12/2024, dư nợ cho vay toàn địa bàn ước đạt 109.980 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2023.