Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

(Baohatinh.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều làng chài ven biển Hà Tĩnh lập miếu hoặc đắp mộ để thờ cá voi (cá Ông). Theo những câu chuyện kể của ngư dân, loài cá này đã cứu mạng họ nhiều lần khi gặp dông tố giữa biển.

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

Đánh bắt trên biển dễ gặp nguy hiểm khi gặp dông lốc. Ảnh Đặng Phương

Ông Nguyễn Văn Bỉnh, 69 tuổi, ngư dân ở thôn Liên Thành (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) kể: "Người đi biển trong làng tôi, ai cũng từng được nghe cụ Nguyễn Bá Thìn (ngư dân 101 tuổi, vừa mất giữa tháng 9/2020) kể lại câu chuyện cụ ấy được ngài cứu nạn như thế nào. Đó là thời gian cách đây khoảng 50 năm, đêm đó cụ Thìn đi biển cùng hội bạn 4 người.

Khi thuyền của cụ đi xa bờ khoảng 14 hải lý thì trời bỗng nổi dông gió, tối đen mù mịt, sóng cuộn cao như mái nhà. Nhiều người không biết làm thế nào để “tháo dông” (cách gọi của ngư dân về việc lái thuyền thoát khỏi dông tố). Cụ Thìn cố gắng bình tĩnh lòng thành nhìn lên trời khấn cầu đức ngư Ông. Một lát sau, bất chợt thuyền như được ai nâng lên lướt chạy về phía bờ... Đến gần sáng thì cụ Thìn và 4 bạn thấy thuyền mình đã vào đến hòn Bấc...".

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

Ông Nguyễn Văn Bỉnh - người trông coi miếu Ngư Ông (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên).

Được biết, bản thân ông Nguyễn Văn Bỉnh trong cuộc đời gần 30 năm đi biển cũng vài lần gặp dông lốc và đã thoát nạn. Ông cho biết, bản thân không chứng kiến rõ ràng việc được ngài hộ thuyền nhưng sau khi cầu nguyện thì thấy tinh thần sáng suốt hơn nên đã cùng bạn lái được thuyền vào bờ an toàn.

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

Hòn Bấc phía trước miếu đức ngư Ông, nơi trú ẩn tàu thuyền của ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)

Chị Nguyễn Thị Sơn, 33 tuổi, con dâu ông Bỉnh là người đã trực tiếp chứng kiến sự “mầu nhiệm” trong việc cầu và được cá Ông hộ thuyền. Chị Sơn kể: “Đó là một đêm mùa hè cách đây 11 năm, lúc ấy tôi vẫn chưa lấy chồng. Tôi ra khơi cùng bố mẹ và vợ chồng người cậu để đánh cá. Khi thuyền của chúng tôi xa bờ khoảng 12 hải lý thì gặp dông tố. Thuyền của chúng tôi bị cuốn vào lốc xoáy giữa biển đêm sóng to mù mịt.

Trong khi bố và cậu tôi xoay xở chống chọi thì 3 người phụ nữ trên thuyền chỉ biết kêu gào cầu khẩn đức ngư Ông... Chúng tôi ai cũng chắc là mình sẽ chết nhưng rồi không hiểu sao khi giông lốc tan đi, trời hửng sáng, thuyền của chúng tôi đã vào được gần bờ. Sau đó về nhà bố tôi kể lại là mỗi lần thuyền bị sóng hất lên như có ai đỡ phía dưới. Chúng tôi tin đó là ngài đã hộ chúng tôi”.

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

Ông Nguyễn Văn Bỉnh tình nguyện công quả ở miếu Ngư Ông.

Được biết, 5 năm nay, ông Nguyễn Văn Bỉnh đã tình nguyện làm người trông coi miếu Ngư Ông của xã Cẩm Nhượng. Ông cho biết, tuy bây giờ ông không ra khơi nữa nhưng con trai đầu của ông cũng đang đi biển ở Đài Loan, 5 anh em của ông đã chuyển vào Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng làm nghề biển nên ông làm công quả tại miếu để mong ngài phù hộ cho người thân.

Không chỉ ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), ngư dân ở nhiều địa phương khác cũng chứng kiến việc được cá voi hộ thuyền thoát khỏi nguy hiểm.

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

“Tôi đã một lần được cá Ông hộ thuyền cứu mạng” - ngư dân Cao Trọng Tình (Kỳ Xuân, Kỳ Anh) cho hay

Ông Cao Trọng Tình, 60 tuổi, ngư dân thôn Lê Lợi (Kỳ Xuân, Kỳ Anh) cho biết: “Tôi đã một lần được cá Ông hộ thuyền “tháo dông”. Giờ phút thoát khỏi tử thần ấy khiến tôi không thể nào quên được. Đó là đêm mồng 1/5/2015, đúng vào ngày Quốc tế Lao động.

Hôm đó, tôi cùng 2 người bạn thuyền ra khơi. Chúng tôi đã ra xa bờ tận 17 hải lý để đánh bắt. Vừa ổn định thuyền chuẩn bị giăng lưới thì dông tố ập đến, mây mù đen đặc, gió to, mưa lớn, sóng như mái nhà đổ ập vào thuyền, sợ hãi không biết thế nào để tả. Tôi cố gắng bình tĩnh để chèo lái nhưng 2 người đi cùng chỉ biết ôm lấy mạn thuyền. Tôi quyết định “tháo dông” nhưng không còn phân định được phương hướng.

Lúc đó, tôi chỉ biết cầu nguyện đức ngư Ông, rồi tôi chợt nhìn thấy có cái gì đó lướt lướt phía trước thuyền, tôi nhằm hướng đó lái thuyền theo. Gần sáng thì nhìn thấy bờ, dông gió cũng hết, tôi mới tin mình sống sót. Hôm sau, 2 bạn thuyền kể lại đã nhìn thấy 2 - 3 ngài hộ bên thuyền chúng tôi".

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

Xác cá voi dạt vào biển Cương Gián (Nghi Xuân) hồi tháng 2/2020, được người dân chôn cất. Ảnh: Ngọc Loan

Cũng theo ông Tình, ngư dân khi nhìn thấy cá Ông hộ thuyền thì đều im lặng và cầu nguyện, họ sợ nói ra sẽ mất linh thiêng, các ngài không hộ thuyền nữa. Vì vậy, những chuyện đó về sau mới được mọi người kể lại với nhau.

Nghe ngư dân Hà Tĩnh kể chuyện được cá Ông hộ thuyền thoát khỏi dông tố

Đền Cá Ông - di tích văn hóa cấp tỉnh ở thôn Yên Ngư (Xuân Yên, Nghi Xuân).

Theo các nhà khoa học thì việc cá voi hộ thuyền lúc dông tố trên biển là có căn cứ. Họ lý giải đó là lúc loài cá này gặp sóng lớn tìm đến các tàu thuyền ẩn nấp. Còn đối với ngư dân nhiều vùng miền thì đây là loài cá có ơn nghĩa hộ mạng cho mình những lúc nguy hiểm giữa biển khơi. Vì thế, mỗi khi có cá Ông “lụy bờ”, ngư dân Hà Tĩnh thường thương cảm và bày tỏ lòng thành kính bằng cách chôn cất bằng nghi lễ tôn kính.

Đó cũng là nét đẹp trong truyền thống văn hóa “đền ơn, đáp nghĩa” của ngư dân Hà Tĩnh nói riêng và người Việt nói chung.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.