Vui vẻ, nhiệt tình Lê Văn Thắng để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với người dân làng biển
Khoảng 16 giờ ngày 17/5, khoảng 200 tàu thuyền của xã Xuân Liên lần lượt xuất bến với hy vọng sau chuyến vươn khơi trở về mực cá sẽ đầy khoang. Trong số này có thuyền máy 24 CV của Lê Văn Thắng (SN 1992) thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên.
Thế nhưng, đến khoảng 19 giờ, trời bỗng dưng tối sầm, sấm chớp liên hồi, dông lốc ập đến. Những con thuyền câu mực nhỏ công suất từ 15 CV- 24 CV đang đánh bắt cách bờ hơn 2 hải lý thì bị một luồng gió mạnh quét qua khiến 7 chiếc thuyền bị lật, nước biển tràn vào rồi từ từ chìm xuống. 7 ngư dân phải vật lộn giữa biển khơi giá lạnh.
Lực lượng chức năng và người dân tham gia kéo thuyền của ông Trần Văn Vinh vào bờ
"Đang câu mực gần khu vực này, nghe tiếng kêu cứu, tôi đã nhanh chóng quay mũi thuyền nhằm hướng người bị nạn lao tới. Sau khi cùng một số ngư dân cứu được anh Trần Văn Thịnh (thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên), tôi cùng anh Thịnh tiếp tục tìm kiếm những con thuyền khác.
Khoảng 20 giờ, khi mỏ neo rà trúng thuyền của anh Thịnh, thuyền của tôi đã cùng 1 thuyền khác trục vớt, kéo vào bờ an toàn."
Anh Lê Văn Thắng trò chuyện với lãnh đạo huyện Nghi Xuân, xã Xuân Liên
“Sau khi đưa được chiếc thuyền bị chìm đầu tiên lên bờ, tôi lại nổ máy xuyên đêm rà tìm thuyền khác. Thời gian sau, thuyền của tôi tiếp cận được với người bị nạn thứ 2 là anh Trần Văn Huy (người cùng thôn) và bắt đầu “mò kim đáy bể” tìm vớt thuyền cho ngư dân này”- Thắng cho biết thêm.
Đối với ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ, con thuyền nhỏ có giá từ 40 – 70 triệu đồng là tài sản, là "cần câu cơm” hàng ngày của cả gia đình nên trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” họ vẫn cố gắng dùng kinh nghiệm của mình để định vị vị trí lúc gặp nạn để sau này có cơ hội lần tìm.
“Nhưng gió giật mạnh, sóng biển xô đẩy làm con thuyền bị nạn xa quá tầm định vị ban đầu. Cũng vì vậy mà gần 3 tiếng rà đi rà lại trên vùng biển rộng lớn, mỏ neo của tôi mới chạm được mạn thuyền của anh Trần Văn Huy. Đến khoảng hơn 12 giờ đêm, con thuyền mới được chúng tôi lai dắt vào bờ trong niềm vui của nhiều người” - anh Thắng kể.
“Thuyền tôi vừa đóng trị giá 40 triệu đồng và mới đi biển được hơn chục chuyến. Gia đình chúng tôi mang ơn Thắng, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của anh, con thuyền sẽ bị đẩy ra xa và vỡ vụn vì sóng biển” - anh Huy nói.
Thuyền cá của anh Trần Văn Thịnh được Thắng tìm và kéo lên bờ
Lúc này chàng trai khá mệt, một ngón tay bị gãy, bầm tím nhưng “không bị nạn đã là may mắn với mình, nên dù mệt đến mấy cũng không được phép dừng lại, phải tìm bằng được các con thuyền bị chìm” – chàng trai gần 30 tuổi nói về quyết tâm của mình.
Sau nhiều giờ lần mò trên vùng biển rộng lớn, đến khoảng 5 giờ sáng ngày 18/5, chúng tôi tìm thấy thuyền cá của ông Trần Văn Vinh (thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên).
Đây cũng là chiếc thứ 5 người dân và lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân trục vớt thành công. Sau một đêm thức trắng trên biển, Lê Văn Thắng gần như kiệt sức, phải “bàn giao” thuyền của mình cho những ngư dân khác tìm 2 chiếc còn lại. Đến nay, chỉ còn thuyền của anh Trần Văn Liễu vẫn chưa tìm thấy, còn lại 6 chiếc đã được bàn giao cho chủ nhân.
Ông Nguyễn Hữu Lực, thành viên Tổ Quản lý đồng nghề cá số 3 cho biết: “Ngư dân nơi đây vẫn dành tình cảm đặc biệt cho chàng trai này bởi không chỉ bây giờ mà nhiều chuyến đi biển trước đây, nếu ai cần giúp đỡ Thắng đều sẵn sàng."
Còn Chủ tịch UBND xã Xuân Liên Mai Anh Lý nói ngắn gọn: “Lê Văn Thắng là thanh niên luôn giành được thiện cảm của người dân địa phương. Những chuyến đi biển có Thắng bạn thuyền đều yên tâm hơn”.
Sáng 19/5, lãnh đạo xã Xuân Liên đã trao giấy khen cho anh Lê Văn Thắng - người có công cứu hộ và đưa vào bờ 3 thuyền cá bị dông lốc đánh chìm; hỗ trợ những ngư dân bị chìm thuyền mỗi người 500 nghìn đồng. Sự quan tâm, động viên sẻ chia kịp thời của chính quyền địa phương đối với ngư dân như tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho những chuyến đi biển tiếp theo. |