Nghệ nhân Lê Quyết Diễn - người đưa dân ca ví, giặm bay xa...

(Baohatinh.vn) - Trong hương sắc mùa xuân đang ngập tràn, những câu hát càng thêm rộn ràng ngôi nhà của nghệ nhân dân gian Lê Quyết Diễn (ở xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bằng tâm huyết của mình, anh luôn khao khát bảo tồn và chắp cánh để giá trị của di sản dân ca ví, giặm tiếp tục bay xa.

Video: Trích tiểu phẩm “Đường lên cổng trời” do 2 nghệ nhân Lê Quyết Diễn, Hồng Liên thể hiện

Từ anh thợ may đến Nghệ nhân dân gian

Không ánh đèn sân khấu, không trang phục biểu diễn, một buổi chiều mùa xuân, trong căn nhà nhỏ ở xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) của nghệ nhân Lê Quyết Diễn, tôi đã được thưởng thức trực tiếp giọng hát của anh.

Giữa những khẽ khàng sinh chuyển của đào, mai, tiếng hát ấy được “tắm” trong các làn điệu dân ca ví, giặm từ thuở còn nằm nôi thật đằm sâu mà mênh mang, thật phóng khoáng mà da diết, thật điêu luyện mà lại rất tự nhiên… Có lẽ không gì thú vị hơn khi giữa những bước đi khoan thai của mùa xuân, ta lại được nghe người nghệ nhân cất lên câu hò, điệu ví. Tưởng như bao nhiêu ấp ủ của đất trời, bao nhiêu niềm hy vọng của lòng người đều đượm nồng, bay bổng trong từng cao độ, trường độ và cách luyến láy của nghệ nhân.

Nghệ nhân Lê Quyết Diễn - người đưa dân ca ví, giặm bay xa...

Nghệ nhân dân gian Lê Quyết Diễn

Sinh năm 1976, tại xã Kỳ Lợi trong một gia đình đam mê hát ví, giặm, lên 10 tuổi, cậu bé Lê Quyết Diễn đã có thể hát thành thạo tất cả làn điệu dân ca ví, giặm.

“Dù có năng khiếu và đam mê ca hát nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên năm 1992, sau khi học xong lớp 9, tôi không thi lên bậc THPT mà quyết định đi học nghề may. Từ năm 1994 đến năm 2002, tôi làm thợ may và tham gia công tác Đoàn ở địa phương, một lần nữa, niềm đam mê ca hát lại “cháy” lên.

Tôi cứ trăn trở mãi về việc làm thế nào để có thể theo đuổi và sống với niềm đam mê ấy bền bỉ hơn, làm được nhiều hơn việc biểu diễn văn nghệ đơn thuần. Và, con đường ngắn nhất chính là phải đi học, không có kiến thức thì không thể làm việc gì đến cùng. Chính vì vậy, năm 2002, tôi quyết định quay trở lại con đường học vấn bằng cách đăng ký học lớp bổ túc THPT và sau đó thi vào Trường Trung cấp VHNT Hà Tĩnh.

Trở lại đèn sách sau 10 năm bỏ dở là điều không hề đơn giản nhưng tôi đã làm được. Tôi không còn là anh thợ làm đẹp ngoại hình cho mọi người bằng việc may vá nữa, tôi đã có thể làm đẹp tâm hồn con người, làm đẹp văn hóa quê hương bằng niềm đam mê và trách nhiệm của mình” - nghệ nhân Lê Quyết Diễn chia sẻ.

Nghệ nhân Lê Quyết Diễn - người đưa dân ca ví, giặm bay xa...

Tiết mục “Trai phường buôn gặp gái đi mò” do nghệ nhân Lê Quyết Diễn dàn dựng tại Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2020.

Sự “thức thời” ấy đã đưa Lê Quyết Diễn từ người thợ may trở thành công chức văn hóa xã Kỳ Lợi. Đây chính là “bệ phóng” để anh có thể tiếp cận sâu hơn với dân ca ví, giặm và “khai mở” những khả năng khác của mình trên nền tảng sự am hiểu sâu sắc và trách nhiệm với di sản văn hóa của quê hương. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2015, CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Kỳ Lợi được thành lập do anh làm chủ nhiệm. CLB đã góp phần khuyến khích các thành viên hoạt động hăng say hơn, cống hiến nhiều hơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương.

Được sống đúng với khả năng, đam mê nên nghệ nhân Lê Quyết Diễn đã thực sự thăng hoa. Anh cùng CLB giành được nhiều danh hiệu và giải thưởng trong các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh và khu vực. Với riêng anh, việc được Nhà nước công nhận Nghệ nhân dân gian dân ca ví, giặm vào năm 2019 là phần thưởng cao quý nhất, ý nghĩa nhất để anh xác định rõ hơn vai trò của mình.

Kênh youtube dân ca ví, giặm thu hút hàng chục nghìn lượt xem

Không chỉ bảo tồn dân ca ví, giặm bằng con đường biểu diễn, với trách nhiệm của Nghệ nhân dân gian, Lê Quyết Diễn còn trăn trở rất nhiều về việc phát huy giá trị của di sản và lan tỏa các giá trị đó một cách rộng rãi.

Bà Phan Thư Hiền - Phó Chi hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh từng nhận xét: “Lê Quyết Diễn là một nghệ nhân dân gian trẻ sáng giá. Anh không chỉ hát tốt, sáng tác giỏi mà còn biết nghiên cứu, tìm tòi để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, bằng cách riêng của mình, nghệ nhân Lê Quyết Diễn đã và đang mở rộng biên độ phổ biến của dân ca ví, giặm”.

Nghệ nhân Lê Quyết Diễn - người đưa dân ca ví, giặm bay xa...

Kênh Youtube đăng những video dân ca ví, giặm thu hút hàng nghìn người xem của nghệ nhân Lê Quyết Diễn.

Ngoài việc sáng tác lời mới, truyền dạy cho thế hệ trẻ ở quê hương Kỳ Lợi và một số trường học, phối hợp xây dựng các chương trình dân ca với Đài PT-TH Hà Tĩnh, Lê Quyết Diễn còn là Nghệ nhân dân gian đầu tiên ở Hà Tĩnh lập kênh Youtube để quảng bá dân ca ví, giặm. Xuất phát từ mong muốn lưu giữ và tạo một địa chỉ để công chúng có thể “tìm mình” dễ nhất, nhanh nhất, năm 2014, kênh Youtube Lê Quyết Diễn đã ra đời.

Với việc đăng tải những tác phẩm dân ca ví, giặm vừa mộc mạc, dung dị, thông minh, dí dỏm, vừa đậm hơi thở thời đại, kênh đã thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Đến nay, kênh Youtube Lê Quyết Diễn có gần 5.000 người đăng ký theo dõi.

Nghệ nhân Lê Quyết Diễn - người đưa dân ca ví, giặm bay xa...

Trăn trở với việc bảo tồn di sản dân ca ví, giặm, nghệ nhân Lê Quyết Diễn thường hòa vào thiên nhiên để tìm cảm hứng sáng tác.

“Nhiều khán giả ở nước ngoài là kiều bào ở Mỹ, Úc… còn gửi email, gọi điện bày tỏ sự ủng hộ hoặc ngỏ ý xin tôi bản nhạc nền để tập hát dân ca ví, giặm. Tôi còn nhớ rất rõ tất cả nỗi xúc động, niềm tự hào của mình trong những thời điểm ấy. Đó là một trong những nguyên cớ để tôi tiếp tục sáng tạo, cống hiến. Nghệ nhân dân gian dù gắn bó với văn hóa truyền thống nhưng trong thời đại công nghệ số cũng cần trăn trở tìm con đường đến với công chúng một cách nhanh nhất, bền lâu nhất. Tôi sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển kênh Youtube của mình để không phụ sự yêu mến của khán giả” - nghệ nhân Lê Quyết Diễn chia sẻ.

Đón xuân mới, bao nguồn sống đang khai mở, tôi tin, niềm đam mê, trách nhiệm của một nghệ nhân dân gian sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những sáng tạo mới trong nghệ nhân Lê Quyết Diễn trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong văn học Việt Nam, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Dù gần 100 tuổi, cụ Trần Thị Tám ở xã Hồng Lộc (Hà Tĩnh) vẫn thuộc và say sưa luận giải Kiều.
Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Giữa một vùng quê ven sông La - nơi được biết đến là xã nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh lại tồn tại một góc phố mang dáng dấp cổ kính, phảng phất hồn xưa như một “phố cổ Hà Nội” thu nhỏ.
Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Về thôn Phú Quý, xã Đông Kinh, tỉnh Hà Tĩnh. Dạo bước trên những tuyến đường bê tông nhựa rộng rãi, không chỉ cảm nhận được sự bình yên, trù phú mà còn thấy rõ sức sống mới của miền quê trù phú, xanh tươi 
Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.