Video: Trích tiểu phẩm “Lưu truyền ví giặm quê nhà” do nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc dàn dựng và biểu diễn.
Biểu diễn phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Được gặp và xem nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc biểu diễn nhiều lần tại các hội thi, chứng kiến sự nỗ lực cống hiến của ông cho di sản dân ca ví, giặm nhưng gần đây, qua sự chia sẻ của nghệ nhân, tôi mới biết cơ duyên “đặc biệt” giúp ông có một hành trình bền bỉ cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc chia sẻ: “Dân ca ví, giặm đã ngấm vào máu thịt tôi từ thuở ấu thơ qua lời ru, điệu ví của bố mẹ. Niềm say mê ấy cộng với chút năng khiếu giúp tôi trở thành người lính văn công khi mới ngoài tuổi 20. Tuy nhiên, thực sự ý thức được dân ca ví, giặm là di sản quý giá và nỗ lực cống hiến bảo tồn đó là khi tôi được biểu diễn phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được ông khen ngợi, dặn dò”.
“Được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khích lệ, từ đó tôi nỗ lực hơn trong việc gìn giữ, phát huy dân ca ví, giặm”- Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc.
Ông Hoàng Bá Ngọc sinh năm 1959, năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm kỹ thuật Vinh, ông nhập ngũ thuộc biên chế đơn vị E764 đóng quân tại đảo Mắt (Nghệ An). Nhờ có năng khiếu văn nghệ, năm 1984, ông được điều động về Đoàn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) Nghệ Tĩnh chuyên đi phục vụ đồng bào và chiến sỹ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Năm 1985, trong dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Nghệ Tĩnh, Đoàn nghệ thuật quần chúng LLVT Nghệ Tĩnh được nhận nhiệm vụ tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ dân ca ví, giặm phục vụ Đại tướng và thành phần đoàn.
Ông Ngọc nhớ lại: “Hôm đó, tôi và nữ nghệ sỹ Thanh Tân cùng biểu diễn tiết mục “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng”. Nội dung tiểu phẩm kể về một anh bộ đội sau khi phục viên đi tìm nghề để lập nghiệp và gặp cô chèo đò là gái Đô Lương. Xong buổi biểu diễn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tặng hoa và phát biểu dặn dò chúng tôi”.
“Đặc biệt, tôi rất bất ngờ và xúc động khi được Đại tướng ôm hôn, khen ngợi tiết mục của mình. Đại tướng căn dặn: Là những người lính văn công, ngoài việc rèn luyện những phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”, cần phải luôn luôn tiên phong trên mặt trận văn hóa, đặc biệt, luôn có ý thức giữ gìn và phát huy hơn nữa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Với tôi, đó là sự khích lệ to lớn để cống hiến và đạt được nhiều thành tích sau này” - Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc bày tỏ.
Bộ sưu tập huy chương trong các hội diễn của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc
Trong suốt 7 năm biên chế ở Đoàn nghệ thuật quần chúng LLVT Nghệ Tĩnh (1984-1991) cho đến sau này, (từ năm 1992 - 2007) khi chuyển công tác về Hà Tĩnh, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc liên tục tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sỹ.
Ông cũng tham gia nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật toàn quân khu, toàn quân, toàn quốc và gặt hái được nhiều huy chương vàng, bạc và bằng khen. Trong đó, tiêu biểu như: HCV Hội diễn Làng sen toàn quốc (1981); HCV Hội diễn nghệ thuật quần chúng (NTQC) toàn quân khu tại Đà Nẵng (1985); HCV Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân (1997); HCB cho vai diễn vua Trần Duệ Tông trong vở “Kê Minh Thập Sách” tại hội diễn sân khấu toàn quốc (1999) và nhiều huy chương, bằng khen cấp Trung ương, tỉnh khác...
“Người lính trên mặt trận văn hóa còn sức là còn phục vụ” - Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc
Tiên phong trên “mặt trận” bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm
Được biết, từ năm 2007, sau khi nghỉ chế độ, về sinh sống tại quê nhà thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Thiếu tá - Nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc vẫn cùng một số nghệ nhân khác như: Trần Khánh Cẩm, Nguyễn Thanh Minh, Hoàng Vinh, Nguyễn Ban... luôn tiên phong trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ông liên tục tham gia sưu tầm, soạn lời mới, tổ chức dàn dựng hàng trăm tiết mục cho các địa phương biểu diễn tuyên tuyền.
Ngoài ra, trong tất cả các cuộc thi, liên hoan về dân ca ví, giặm từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh... đều có các tiết mục do nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc dàn dựng. Trong đó, nhiều tiết mục đạt giải cao tại các kỳ liên hoan. Ông cũng sở hữu “gia tài” biên soạn lời mới, sáng tác dân ca ví, giặm với hơn 100 tiểu phẩm, bài hát, tiết mục.
Tiết mục tổ hợp dân ca “Chúng con khắc khi lời Bác dạy” do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc biên soạn và dàn dựng, CLB Dân ca ví, giặm thị trấn Thiên Cầm biểu diễn giành giải A tại Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020.
Cùng với việc sưu tầm, biên soạn, tổ chức biểu diễn, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc còn thực hiện vai trò trao truyền tình yêu dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ. Hàng chục năm qua, ông đã tham gia khôi phục không gian diễn xướng cho nhiều trung tâm văn hóa các huyện, thị, thành phố và đào tạo được khoảng 200 nghệ nhân dân ca ví, giặm tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh.
Nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc còn là người tham mưu xây dựng các CLB dân ca ví, giặm ở các địa phương và trường học. Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hiện, ông là người dẫn dắt CLB Dân ca ví, giặm thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) với vai trò cố vấn.
Dù nghỉ hưu nhưng nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc vẫn miệt mài với công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm. Trong ảnh: Chăm sóc cây cối giúp ông Ngọc thư giãn, tìm cảm hứng sáng tác.
Bà Phan Thư Hiền - Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh nhận xét: “Tài năng, tâm huyết và tình yêu bền bỉ dành cho di sản dân ca ví, giặm là điều có thể khẳng định đối với Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc. Cùng với một số nghệ nhân khác, ông là người có công rất lớn trong việc giúp Hà Tĩnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm đã được UNESCO công nhận”.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ dừng công việc sưu tầm, biên soạn, dàn dựng và biểu diễn dân ca ví, giặm. Bởi, đối với người lính trên mặt trận văn hóa còn sức là còn phục vụ” - Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc bày tỏ.