Ngược Ngàn Sâu, nín thở nghe... đất lở!

(Baohatinh.vn) - Nước lũ rút mang theo hàng nghìn m3 đất đá ở nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện vùng núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Tình trạng này ngày càng trầm trọng khiến người dân nơi đây thấp thỏm nỗi lo mất đất sản xuất, mất nhà cửa. vô số “hàm ếch” khổng lồ xuất hiện dọc bờ sông…

Ngược dòng Ngàn Sâu, trở lại Hương Khê sau những trận lũ vừa qua, đập vào mắt chúng tôi là những cảnh tượng kinh hoàng… Dọc bờ sông, nhiều đoạn kéo dài hàng chục mét nứt toác, những khối đất sừng sững nay bị “gặm” nham nhở, lồi lõm, nhiều nơi hình thành “hàm ếch” khổng lồ có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Đất lở vào tận đất sản xuất, sát nhà dân và đến cả các mố cầu… uy hiếp cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của rất nhiều hộ dân. Những hàng cây ven sông trước đây được coi là kè bảo vệ hiên ngang thì nay ngả nghiêng, đổ rạp, bật gốc.

nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo
nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo

Người dân chỉ biết dựng tạm gác chắn để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.

Cầu treo Hà Linh bắc qua sông Ngàn Sâu nối các thôn 1, 2, 3, 4, 5 với các thôn còn lại trong xã cũng là con đường giúp người dân vùng thượng rút ngắn khoảng cách để đi xuống vùng hạ vốn đã xuống cấp, thì nay, với tình trạng đất lở đến gần sát mố cầu khiến người dân nơm nớp lo sợ. Dọc bờ sông, nhiều đoạn đất lở dài hàng chục mét, không chỉ ăn sát vào đất sản xuất của người dân mà còn áp sát vào con đường liên xã. Tình trạng sạt lở còn ảnh hưởng đến không ít hộ dân các xóm 5, 6, 7…

Đứng bên bờ sông ngay phía trước nhà mình, chị Nguyễn Thị Mai (xóm 7, xã Hà Linh) xót xa: “Ngày trước, đất từ mép sông đi vào cả trăm mét nhưng nay chỉ còn lại chừng chục mét. Tình trạng sạt lở năm sau nghiêm trọng hơn năm trước thế này thì chỉ một vài mùa lũ nữa thôi là tôi mất nhà, mất vườn”.

nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo

Một nửa con đường liên thôn Hưng Bình (Lộc Yên) đã trôi theo dòng lũ.

Tình trạng sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng tại xã Hương Thủy. Anh Lê Xuân Định - công chức địa chính - nông nghiệp và môi trường xã cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn xã hiện có khoảng 6 km đường bờ sông bị sạt lở, có điểm lở vào sâu 3-4m kéo dài từ xóm 1 đến xóm 9, ảnh hưởng đến đất, nhà ở của 20 hộ và đất sản xuất của hơn 370 hộ. Tạm thời chưa hộ dân nào nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời nhưng với tình trạng sạt lở nhanh như hiện nay thì một vài năm nữa, hàng chục hộ sẽ mất nhà, mất vườn.

Ngược lên vùng thượng huyện, QL 15A đi qua thôn Tân Hương, xã Hương Trạch cũng đang trở thành điểm đen nguy hiểm khi đất ven sông đã sạt lở đến tận mép đường.

nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo

Đất lở dọc bờ sông Ngàn Sâu đang thu hẹp đất sản xuất và uy hiếp vào con đường liên xã

nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo

Sạt lở đến đường nội đồng (xã Lộc Yên)

Kinh hoàng hơn, con đường liên thôn đi qua xóm Hưng Bình, xã Lộc Yên có đoạn đã lở mất một nửa, những đợt lũ liên tiếp vừa qua đã cuốn theo cả nửa con đường với chiều rộng hơn 1m về phía bờ sông, cây cối ngã rạp, bật rễ, nhiều bụi tre cổ thụ từng được mệnh danh là “thành lũy” của làng đã bị cuốn trôi theo dòng lũ. Người dân địa phương chỉ biết dựng tạm gác chắn cảnh báo để tránh nguy hiểm…

Nhà sát ngay con đường này, bà Đặng Thị Tuyết (xóm Hưng Bình, xã Lộc Yên) lo lắng: “Có lẽ chỉ thêm một trận lụt nữa là con đường cũng thành sông, rồi đến vườn, đến nhà. Đêm trời mưa, nằm nín thở nghe tiếng đất lở mà rùng mình!”. Cùng với xóm Hưng Bình, các xóm Hương Giang, Hương Đồng, Trường Sơn… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo

Đất sạt lở đoạn bến đò số 2, xã Hương Thủy

nguoc ngan sau nin tho nghe dat lo

Chị Nguyễn Thị Mai (xóm 7, Hà Linh) thấp thỏm nỗi lo mỗi mùa mưa đến.

Theo thống kê tạm thời từ Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, toàn huyện có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 20 km cần được xây dựng kè bảo vệ khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.200 hộ dân.

Anh Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: “Huyện đã tiến hành khảo sát, thống kê các điểm sạt lở và kiến nghị cấp trên sớm bố trí xây dựng kè sông ở những khu vực sạt lở nghiêm trọng. Trước mắt, chúng tôi đã cho đặt biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm, về giải pháp lâu dài thì nằm ngoài khả năng kinh phí của huyện…”.

Mỗi mùa mưa lũ đi qua, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng, nỗi lo của bà con lại tăng gấp bội. Người dân Hương Khê cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng với những giải pháp mang tính bền vững để giữ đường, nhà, đất sản xuất và giữ cả sông.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.