Ngày nào cũng vậy, ông Lê Văn Nam (SN 1963, thôn 10, xã Kỳ Thượng) cùng nhiều hộ dân khác tìm lên các khu đồi núi ở địa phương để hái lá chu ke (có nơi gọi là lá chu kia) để bán cho thương lái.
Theo người dân địa phương, chu ke là cây bụi, cây tạp, thường mọc ở xung quanh vườn hoặc các sườn đồi núi. Ban đầu, việc hái lá khá thuận lợi do cây mọc ở khu vực gần nhà, tuy nhiên, do người dân hái nhiều nên cạn kiệt. Tới nay, họ phải đi cách nhà chừng 3 - 4 km mới hái được lá.
Thương lái chỉ thu mua lá chu ke khô nên mùa hái loại lá rừng này thường bắt đầu từ tháng 3 cho tới tháng 8. Đây là khoảng thời gian có nắng, thuận tiện cho việc phơi lá. Trong ảnh: Ông Trần Văn Mạnh (SN 1940, thôn 10, xã Kỳ Thượng) vui vẻ bên nắm lá chu ke hái được.
Đi hái 2 lần mỗi ngày, trung bình một người dân có thể hái được 7 - 8 bì lá tươi, khi phơi xong còn lại khoảng 20 kg lá khô. Mỗi kg lá khô được thương lái mua lại với giá 5.000 đồng.
Lá chu ke sau khi hái về được phơi khô...
...đóng thành bao lớn, chờ thương lái tới thu mua. Theo tìm hiểu, lá chu ke được thương lái thu mua xuất bán sang Trung Quốc để làm các vị thuốc.
“Trung bình mỗi ngày tôi hái được khoảng 20 kg lá chu ke khô, bán được khoảng 100.000 đồng. Số tiền này giúp vợ chồng tôi có thể trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày” - ông Lê Văn Nam chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến cho biết: Việc thu hái, bán lá chu ke tại địa phương đã diễn ra được khoảng 4 - 5 năm trở lại đây. Hiện tại, xã có khá nhiều người làm nghề này, mang lại nguồn thu cho gia đình trong thời gian nông nhàn.
Theo ông Tiến, chu ke là loại cây bụi, cây tạp, mọc lại rất nhanh nên việc hái lá không gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Việc thu hái lá chu ke của bà con có thể thực hiện liên tục. Được biết, không chỉ Kỳ Thượng mà người dân một số xã khác ở như Lâm Hợp, Kỳ Lạc... cũng đi hái lá chu ke mưu sinh.