Một buổi thu hoạch tại cánh đồng chè thôn Tân Tiến, xã Kỳ Thượng
Những ngày này, gia đình chị Trương Thị Ngoan ở thôn Tân Tiến đang tập trung thu hoạch gọn lứa chè thứ 10 kể từ đầu vụ (tháng 2) đến nay.
Với 7 sào chè đã 10 năm tuổi, bình quân mỗi lứa hái được gần 5 tạ chè búp tươi, mỗi tháng khoảng 4 lứa, gia đình chị thu được gần 2 tấn sản phẩm/tháng. Giá bán thời điểm này là 6.800 đồng/kg chè búp tươi, sau khi trừ chi phí mỗi tháng có thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Là một trong những hộ đầu tiên trồng chè ở Kỳ Thượng, gia đình chị Ngoan (trong ảnh) đang có việc làm, thu nhập ổn định
Điều mà chị Ngoan cũng như các hộ dân trồng chè phấn khởi và từ hào với nghề của mình bao nhiêu năm qua là, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, nhiều lĩnh vực sản xuất bị đình trệ, khó khăn thì thu nhập từ cây chè vẫn ổn định, tuy giá bán có giảm chút ít.
Chị Ngoan phấn khởi chia sẻ: “Trước khi dịch Covid - 19 xảy ra, mỗi kg chè búp tươi, doanh nghiệp thu mua với giá 7.200 đồng/kg, nay bán được 6.800 đồng/kg. Mặc dù thu nhập có giảm nhưng hầu hết bà con đều chia sẻ với doanh nghiệp trong khó khăn chung. Trong điều kiện khó khăn như hiện tại mà người trồng chè vẫn có thu nhập đều đều là bà con đã mừng lắm rồi”.
Theo người trồng chè Kỳ Thượng, năm nay thời tiết thuận lợi nên chè được mùa hơn các năm trước
Bắt đầu phát triển cây chè vào năm 2008, đến thời điểm này, xã Kỳ Thượng đã có trên 170 ha chè nguyên liệu, diện tích lớn nhất trong các xã vùng thượng Kỳ Anh, trong đó có 120 ha đã cho thu hoạch.
Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây chè ở Kỳ Thượng luôn cho năng suất cao và chất lượng tốt. Những năm qua, cây chè đã là cây xóa giúp đói giảm nghèo và đang là cây làm giàu của người dân Kỳ Thượng.
Năng suất chè bình quân của địa phương đạt 18 tấn/ha. Năm 2019, sản lượng chè đạt 600 tấn; năm 2020, Kỳ Thượng phấn đấu đạt sản lượng 800 tấn.
Hoạt động thu hoạch chè trong mùa dịch, bà con trồng chè Kỳ Thượng chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Với tiềm năng đất đai khá dồi dào, cùng với tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, Kỳ Thượng chú trọng mở rộng diện tích cây chè với tốc độ phát triển trồng mới bình quân hàng năm từ 10-15 ha.
Từ năm 2012 đến nay, hàng chục ha đất trồng keo nguyên liệu đã được xã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng chè, đem lại hiệu quả vượt trội. Cùng với phát triển diện tích chè tập trung tại các vùng đồi với diện tích lớn hàng chục ha, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Kỳ Thượng có diện tích vườn lớn đã chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè.
Gia đình chị Thuẫn chăm sóc vườn chè với hy vọng sớm có thu nhập
Gia đình chị Nguyễn Thị Thuẫn ở thôn Phúc Lập có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm gom góp vốn liếng, cộng với chính sách hỗ trợ giống của huyện, chị mới trồng được 11 sào chè nguyên liệu. Sau hơn 3 tháng trồng, đến nay, cây chè của chị đã sinh trưởng và phát triển tốt.
Chị Thuẫn cho biết: “Nếu mọi việc thuận lợi thì khoảng 5 năm tới, tính sơ sơ vườn chè sẽ có thu nhập ổn định và có giá trị gấp nhiều lần trồng sắn, đặc biệt là không lo rủi ro".
Đến thời điểm này, cây chè đã khẳng định được hiệu quả vượt trội trên đất Kỳ Thượng. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít rủi ro do thời tiết, đặc biệt là người trồng chưa bao giờ phải lo thị trường đầu ra, ngay cả khi khó khăn nhất như giai đoạn này.