Người đến TP Hồ Chí Minh sau tết phải cách ly thế nào?

Người đến TP Hồ Chí Minh từ nơi có ổ dịch hoặc địa phương đang giãn cách xã hội sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm Covid-19 bốn lần.

Người đến TP Hồ Chí Minh sau tết phải cách ly thế nào?

Nhân viên y tế ghi nhận thông tin khách nhập cảnh khi đến khu cách ly tập trung tại TP Hồ Chí Minhdịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HCDC.

Chiều 16/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng có Covid-19 đến thành phố, nhằm chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, hướng đến mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Cụ thể:

- Trường hợp tiếp xúc gần ca Covid-19, cách ly tập trung 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân. Xét nghiệm bốn lần vào ngày thứ 1, 5, 10 và 14.

- Người từng đến/về từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cách ly tập trung 14 ngày từ ngày rời khỏi địa phương. Xét nghiệm bốn lần vào ngày thứ 1, 5, 10 và 14.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gồm:

Người ở Tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long và các xã Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ, thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 29/1 đến hết 21/2, cách ly tập trung.

Người ở Hải Dương (nơi giãn cách 15 ngày từ 16/2), cách ly tập trung. Riêng người đến từ huyện Cẩm Giàng từ 15 đến 31/1 không phải cách ly tập trung, chỉ cần tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm khi khai báo. Người ở huyện Cẩm Giàng khởi hành đến TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/2 phải cách ly tập trung, xét nghiệm cá nhân và người nhà theo quy định.

- Người từng đến/về từ các ổ dịch đang hoạt động (không phải là tiếp xúc gần) hoặc đi qua địa điểm Bộ Y tế thông báo (không trong vùng giãn cách xã hội): Cách ly tại nhà 14 ngày từ ngày rời các địa điểm này. Xét nghiệm giám sát một lần và xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ trong thời gian cách ly.

- Người từng đến/về từ các địa phương, ổ dịch hoạt động, các địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khi khai báo đã hơn 14 ngày: Tự theo dõi sức khỏe. Xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi có chỉ định địa danh cụ thể (ví dụ Cẩm Giàng, Hải Dương).

HCDC sẽ tổ chức xét nhiệm ngẫu nhiên đối với người đến thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng:

- Tại sân bay Tân Sơn Nhất: 10-20% số lượt hành khách đến sân bay từ các tỉnh, thành có nguy cơ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên.

- Tại ga Sài Gòn: Lấy 100 mẫu đơn một ngày đối với hành khách đến từ các tỉnh, thành có nguy cơ.

- Tại bến xe quận 12, bến xe miền Đông cũ và mới: Lấy 100 mẫu đơn một ngày mỗi địa điểm.

Căn cứ vào tình hình dịch tại các địa phương và TP Hồ Chí Minh, HCDC sẽ thông báo điều chỉnh số lượng mẫu giám sát cần lấy tại các địa điểm.

HCDC nhận định sau Tết Nguyên đán, thành phố sẽ tiếp nhận rất nhiều người từ các tỉnh, thành trong cả nước đến để tiếp tục làm việc, học tập, nên không tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.

Ngày 5/2, hệ thống giám sát chủ động TP Hồ Chí Minh phát hiện ca chỉ điểm tại cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất - “bệnh nhân 1979”. Từ trường hợp này, 8 nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa tại sân bay cùng nhóm và 26 người nhà của nhóm nhân viên được phát hiện dương tính nCoV. Đến nay, chuỗi lây nhiễm này dừng lại ở con số 35.

Theo HCDC, chiến lược xét nghiệm thần tốc khi đã khoanh vùng được nguồn lây chính là yếu tố quyết định giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ chiều 30 Tết đến hết mùng 3 Tết (tức ngày 11/2 đến 14/2) chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu nhà trọ, quanh khu công nghiệp... vẫn được tiếp tục thực hiện. Tổng số 9.480 mẫu, trong đó có 2.939 mẫu là của nhân viên y tế, tất cả đều có kết quả âm tính nCoV.

Để đảm bảo hành khách đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên sân bay phải xét nghiệm trước một ngày vào ca, có kết quả âm tính nCoV mới được làm việc. Hơn 1.600 hộ gia đình của nhân viên công ty VIAGS cũng được yêu cầu xét nghiệm tầm soát từ ngày 10/2.

Theo VNE

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm