Bí mật được giấu kín
AFP cho biết, mặc dù "người giải cứu thế giới" qua đời tại nhà riêng ở ngoại ô thủ đô Moscow từ ngày 19-5 nhưng sự ra đi của ông chỉ được mọi người biết đến do một cuộc điện thoại tình cờ mới đây. Ông Karl Schumacer, một đạo diễn của Đức và là người đầu tiên công bố câu chuyện “giải cứu thế giới” tới toàn thế giới đã gọi điện để chúc mừng sinh nhật Stanislav Petrov vào ngày 7-9, nhưng được con trai ông thông báo rằng người cựu sĩ quan đã qua đời.
Câu chuyện “giải cứu thế giới” của Stanislav Petrov từng nằm trong vòng bí mật suốt một thời gian dài. Theo tờ Daily Star, thậm chí ngay cả vợ của ông cũng hoàn toàn không được biết. AP cho biết, nếu như năm 1998, tướng Yury Votintse, cấp trên của “người giải cứu thế giới” không tiết lộ thì ông Stanislav Petrov “có thể đã quên nó đi như một cơn ác mộng”.
Đó là đêm 26-9-1983. Trung tá Stanislav Petrov đang trong ca trực chiến tại một trạm quan trắc vệ tinh quân sự nằm ở phía nam Moscow. Trách nhiệm của ông là theo dõi hệ thống màn hình vi tính cảnh báo sớm nguy cơ sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ chống Liên Xô. Đột nhiên, các báo cáo từ máy tính cho thấy 5 quả tên lửa của Mỹ đã được phóng đi.
"Người giải cứu thế giới" Stanislav Petrov. Ảnh: AP
“Tôi thật sự rất sửng sốt. Đội của tôi gần như hoảng loạn và tôi nhận ra rằng nếu để cơn hoảng loạn đó chiến thắng thì tất cả sẽ kết thúc. Tôi có tất cả dữ liệu về một cuộc tấn công tên lửa. Tôi nhận ra rằng tôi phải quyết định và xác suất chỉ là 50/50. Nếu tôi gửi báo cáo cho cấp trên, sẽ không có ai phủ nhận nó. Tất cả những gì tôi cần phải làm là lấy điện thoại rồi quay số cho chỉ huy, nhưng tôi không thể làm thế”-ông Stanislav Petrov hồi tưởng trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm 2013 trên BBC.
Vì đoán rằng Mỹ phải phóng hàng trăm tên lửa nếu có cuộc tấn công thật nên vị sĩ quan quyết định rằng đây chỉ là một sự cố máy tính. "23 phút trôi qua và tôi nhận ra rằng chẳng có gì xảy ra cả. Nếu có một cuộc tấn công thật sự thì tôi đã biết về nó. Quả là một cảm giác nhẹ nhõm", ông Stanislav Petrov nhớ lại.
Sau này, một cuộc điều tra được tiến hành cho thấy những gì mà Stanislav Petrov nhận định là đúng đắn. Quyết định của ông giúp thế giới tránh thảm họa chiến tranh hạt nhân, bởi nếu vào thời điểm đó, ông báo cáo với cấp trên về việc Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, giới lãnh đạo Liên Xô có thể sẽ ra lệnh đáp trả.
Mặc dù nhiệm vụ của Stanislav Petrov chỉ là giám sát và truyền đạt lại thông tin cho cấp trên, thế nhưng theo như lời Bruce Blair, chuyên gia hạt nhân chiến lược thời Chiến tranh Lạnh: “Đêm đó gần như chúng ta sắp phải đương đầu với một cuộc chiến tranh hạt nhân ngẫu nhiên nổ ra. Các nhà lãnh đạo chỉ mất vài phút để ra quyết định. Nếu được báo rằng một cuộc tấn công đã được phát động, họ sẽ ra quyết định trả đũa".
“Chỉ cố hết sức làm tròn trách nhiệm của mình”
Năm 2004, Hiệp hội Công dân thế giới (AWC) có trụ sở ở San Francisco (Mỹ) đã trao cho Stanislav Petrov giải thưởng Công dân thế giới cùng với cúp và khoản tiền thưởng tượng trưng là 1.000USD "ghi nhận vai trò của ông trong việc ngăn chặn thảm họa xảy ra". Tới năm 2006, Stanislav Petrov được mời sang New York (Mỹ), nơi ông được vinh danh tại trụ sở của Liên hợp quốc và AWC đã trao thêm cho ông giải thưởng Công dân thế giới đặc biệt. Năm 2014, nhà làm phim Đan Mạch Peter Anthony đã công bố bộ phim tài liệu với tiêu đề "Người giải cứu thế giới" để giúp dư luận hiểu rõ hơn về cuộc đời của người cựu sĩ quan này.
Ngày 22-9, Sputnik cho biết, tại cuộc họp của Liên hợp quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã vinh danh tưởng niệm Stanislav Petrov: “Chúng ta biết về tin từ trần của một con người ít được biết tới nhưng rất quan trọng trong lịch sử Chiến tranh Lạnh, ông là Stanislav Petrov. Câu chuyện của cựu sĩ quan Liên Xô này cho thấy mức rủi ro và tinh thần trách nhiệm cao như thế nào khi công việc gắn với vũ khí hạt nhân".
Mặc dù được dư luận vinh danh là “người giải cứu thế giới”, thế nhưng khi còn sống, cựu sĩ quan Liên Xô khiêm nhường cho rằng “chỉ cố hết sức làm tròn trách nhiệm của mình”: “Tôi rất hạnh phúc vì hành động của mình được đánh giá cao. Tôi chỉ bối rối khi được gọi là anh hùng. Bởi tôi chỉ làm công việc được giao, chưa kể đó là công việc tập thể. Tôi sẽ bất lực nếu không được các thuộc cấp giúp đỡ và ủng hộ quyết định của mình”.