Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

(Baohatinh.vn) - Gương mẫu đi đầu trong công tác hội, chị Phan Thị Xuân - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) trở thành tấm gương được chị em yêu mến, các cấp hội phụ nữ biểu dương.

Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

Chị Phan Thị Xuân - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc).

Bắt đầu tham gia công tác phụ nữ từ năm 1998, chị Phan Thị Xuân (SN 1974, trú tại thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) từng đảm nhận nhiều vai trò như: tổ trưởng tổ tiết kiệm phụ nữ, chi hội phó, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Hương. Từ tháng 2/2015 đến nay, chị được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc.

Suốt 25 năm tham gia công tác phụ nữ, trong đó, 8 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc, chị Xuân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, có nhiều sáng kiến, cách làm hay đưa phong trào phụ nữ của địa phương đi lên. Qua đó, góp phần cùng chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chị Nguyễn Thị Tình ở tổ dân phố Tân Hương (thị trấn Đồng Lộc) cho biết: “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày, cuộc sống của gia đình mình sẽ no ấm như bây giờ. Nhà có 2 ha đất vườn nhưng hầu như để hoang hóa vì không tìm được sinh kế. Năm 2010, được sự động viên hướng dẫn của chị Xuân và nguồn vốn hỗ trợ vay lãi suất thấp từ các cấp hội phụ nữ, vợ chồng tôi đã mạnh dạn chuyển hướng sản xuất, phá bỏ vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế vườn chuồng. Nhờ đó, cuộc sống dần khấm khá, nuôi được 4 đứa con ăn học đầy đủ".

Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

Chị Phan Thị Xuân cùng lãnh đạo Hội LHPN huyện Can Lộc tham quan mô hình trồng cam của Nguyễn Thị Tình (ngoài cùng bên trái) ở thôn Tân Hương, thị trấn Đồng Lộc.

Được biết, với nguồn vốn vay ban đầu 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng chị Tình bắt đầu cải tạo vườn để trồng 1 ha cam, bưởi, 1 ha keo tràm. Sau đó phát triển dần, kết hợp chăn nuôi lợn, gà... Đến nay, mô hình kinh tế vườn chuồng của gia đình chị Tình cho lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/năm. Nhờ tìm được hướng đi, vợ chồng chị đã nuôi được 3 con gái học xong đại học, đã có nghề nghiệp ổn định, con trai hiện đang học lớp 11.

Mô hình của chị Tình là 1 trong 60 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ (được Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc vận động thành lập từ năm 2010 đến nay), cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, có 58 mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, 2 mô hình sản xuất kinh doanh là tinh bột nghệ Tâm An và giò Trường An đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP. Sự thành công của các mô hình này đều ghi dấu sự tâm huyết, trách nhiệm của Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phan Thị Xuân.

Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

Chị Phan Thị Xuân (người bên phải) vận động hội viên xây dựng mô hình nhà sạch, vườn đẹp.

Để có những kết quả đó, bên cạnh tuyên truyền vận động, chị Xuân còn luôn kết nối các nguồn vốn từ các ngân hàng: Chính sách xã hội, NN&PTNT, quỹ tiết kiệm phụ nữ... để hỗ trợ các chị em vay với lãi suất thấp. Đến nay, đã có hàng trăm chị em được vay các nguồn vốn với tổng dư nợ gần 41 tỷ đồng.

Bên cạnh hỗ trợ chị em khởi nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chị Phan Thị Xuân cũng đã có nhiều sáng kiến trong việc tập hợp, thu hút hội viên như xây dựng các mô hình, CLB trong các chi hội. Đến nay, 9/9 chi hội của thị trấn đều đã thành lập được các CLB như: Gia đình hạnh phúc, Phụ nữ với pháp luật, CLB Di cư an toàn, “5 không, 3 sạch”, dân vũ, bóng chuyền... thu hút hàng trăm hội viên tham gia sinh hoạt. Đến nay, toàn thị trấn đã có 1.186 hội viên tham gia sinh hoạt hội, đạt tỷ lệ gần 80% (tăng 30% so với năm 2014).

Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

Một cung đường đô thị văn minh ở tổ dân phố Tùng Liên (thị trấn Đồng Lộc) do Hội phụ nữ tự quản.

Nhờ đó, phong trào phụ nữ địa phương trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu, góp phần cùng các tổ chức, đoàn thể xây dựng thành công nhiều tiêu chí đô thị văn minh. Đến nay, thị trấn Đồng Lộc đã có 4/9 TDP đạt TDP văn hóa văn minh, phấn đấu đến hết năm 2023 có 7/9 TDP đạt chuẩn văn hóa văn minh và năm 2024 toàn thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Công tác an sinh xã hội hỗ trợ hội viên nghèo, trẻ em khó khăn cũng luôn được chị Phan Thị Xuân tích cực vận động đạt được nhiều kết quả. Tiêu biểu như: giúp 16 hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế; chương trình Phụ nữ Đồng Lộc với phong trào ống tiền tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm theo gương Bác, thu được 44 triệu đồng dành sửa chữa 2 mái ấm tình thương, trao các suất quà cho hội viên nghèo và các trẻ em khó khăn; các cấp hội nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi trên địa bàn...

Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

Tiết mục dân vũ của Hội LHPN thị trấn Đồng Lộc biểu diễn trong dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tháng 7/2023.

Luôn năng nổ trong công tác hội, chị Xuân còn là tấm gương sáng trong xây dựng hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái. Mặc dù chồng công tác trong quân đội, đơn vị đóng ở miền Nam nhưng chị đã nuôi dạy 2 con gái chăm ngoan học giỏi, phụng dưỡng mẹ chồng đau yếu chu đáo trong thời gian dài trước khi bà qua đời...

Với những nỗ lực trong công tác, nhiều năm liền chị Phan Thị Xuân được các cấp hội và chính quyền tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, dịp tháng 5/2023, chị được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 24 chủ tịch hội phụ nữ cấp xã tiêu biểu trên toàn tỉnh.

Người “giữ lửa” phong trào phụ nữ ở miền Trà sơn

Chị Phan Thị Xuân (hàng sau thứ 4 từ phải sang) tại lễ tuyên dương chủ tịch hội phụ nữ cấp xã tiêu biểu toàn tỉnh năm 2023.

Đi lên từ cơ sở, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong việc tập thể, đảm đang việc nhà, chị Phan Thị Xuân luôn thể hiện là một người đi đầu gương mẫu, dẫn dắt phong trào phụ nữ địa phương đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đặc biệt, bằng tinh thần trách nhiệm cao, chị quan tâm một cách sâu sát đời sống của hội viên, tạo cho chị em động lực và niềm tin vững chắc. Từ đó, tuyên truyền vận động, thu hút đông đảo hội viên tham gia thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra.

Bà Trần Thị Nguyệt
Chủ tịch Hội LHPN huyện Can Lộc

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống