Với nhiều người Hà Tĩnh, hạnh phúc là không ngừng lao động cống hiến, thực hiện niềm đam mê.
Chị Văn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và Nội thất Quốc Cường (TP Hà Tĩnh):"Không ngừng tạo ra những giá trị mới cho cuộc sống".
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành nội thất Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tôi xin vào công tác ở một số cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, cảm thấy công việc không phù hợp với những gì mình được đào tạo, sau một thời gian ngắn, tôi xin nghỉ và bắt đầu khởi nghiệp. Nhận thấy thị trường nội thất bằng gỗ ở Hà Tĩnh còn mới và nhiều tiềm năng, tôi bắt đầu khởi nghiệp với công việc thiết kế nội thất bằng gỗ.
Chị Văn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và Nội thất Quốc Cường.
Tôi quyết định mở xưởng sản xuất nội thất gỗ công nghiệp. Khác với gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp được cung ứng với gần 1.000 màu sắc đa dạng, bề mặt tạo chất liệu cũng rất phong phú, đưa lại cảm giác rất thật khi nhìn và sờ, nắm. Chính sự đa dạng và phong phú đó của gỗ công nghiệp đã đáp ứng tốt việc ứng dụng trong thi công quảng cáo và nội thất các công trình kinh doanh, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, khách sạn… cho đến nhà ở. Bằng sự yêu nghề, đam mê và khát khao thành công, chúng tôi dần chinh phục được thị trường lớn, “khó tính”.
Sau 7 năm sáng lập và điều hành nhà xưởng Nội thất Quốc Cường, trực thuộc Công ty TNHH Quảng cáo và Nội thất Quốc Cường, đến nay, nhà xưởng của tôi trở thành đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất có quy mô lớn ở Hà Tĩnh, hằng năm thực hiện được hàng trăm công trình, các dự án lớn nhỏ với nhiều hạng mục đa dạng. Nhà xưởng cũng tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng chục cán bộ, công nhân viên. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi khởi nghiệp thành công, không chỉ tạo ra các giá trị cho bản thân, gia đình mà còn góp phần tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
Nghệ nhân ưu tú Trần Minh Chính (thôn Thắng Hòa, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà): Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quê hương.
Tôi luôn cảm thấy mình hạnh phúc, khi suốt hơn 50 năm theo đuổi và thực hiện niềm đam mê giữ gìn di sản văn hóa quê hương qua những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Lớn lên từ lời ru ví, giặm tha thiết ân tình của mẹ, tình yêu câu hát quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Lúc trưởng thành tôi càng thấy sự quý giá của di sản văn hóa vùng đất núi Hồng, sông La và quyết tâm mang câu hát ấy trao truyền cho thế hệ sau.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Minh Chính ở thôn Thắng Hòa (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà).
Không chỉ hát, tôi còn soạn lời mới cho nhiều làn điệu, với mong muốn dân ca ví, giặm ngày càng lan tỏa trong đời sống Nhân dân. Hạnh phúc khi bên cạnh truyền dạy cho hàng chục người là con em trên quê hương biết yêu, biết hát câu hát ông cha, tôi còn giành được nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc về những màn trình diễn cũng như tác phẩm dân ca ví, giặm của mình. Đặc biệt, năm 2022, tôi vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là sự ghi nhận khiến tôi thêm hạnh phúc, tiếp tục công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO ghi danh.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (giáo viên Trường Mầm non Sơn Hồng, Hương Sơn): Hạnh phúc khi làm người “gieo chữ” nơi biên ải.
Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Bình (Hương Sơn). Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục Mầm non - Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh (nay là Trường Đại học Hà Tĩnh), tôi về công tác tại Trường Mầm non Sơn Hồng. Bén duyên làm nghề “gieo chữ” nơi xã vùng biên đã được 21 năm, trải qua nhiều thời kỳ gian khó nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ rời mảnh đất này. Bởi tình yêu nghề và sự gắn bó với các thế hệ học sinh, phụ huynh Sơn Hồng trong tôi mỗi ngày một lớn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (giáo viên Trường Mầm non Sơn Hồng, Hương Sơn).
Tình yêu nghề dạy học cũng đã giúp tôi tìm được người bạn đời có chung lý tưởng. Cũng như tôi, anh là người miền xuôi lên đây công tác, hiện đang dạy học tại Trường THCS Sơn Hồng. Quyết định gắn bó với nhau đến nay được gần 20 năm, chúng tôi có một gia đình nhỏ với 2 cháu (một trai, một gái). Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhất là công tác dạy học ở một xã nghèo vùng biên ải nhưng vợ chồng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc. Bởi, chúng tôi đang đồng hành cùng nhau làm công việc “trồng người” nơi vùng gian khó. Chứng kiến bao thế hệ học sinh lớn lên và trưởng thành, cống hiến cho quê hương, đất nước, chúng tôi càng thêm tự hào về công việc của mình.
Anh Nguyễn Văn Cường (thôn Đình Hồ, xã Kim Song Trường, Can Lộc): "San sẻ yêu thương".
Tôi bắt đầu hành trình thiện nguyện đến với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh khi còn là sinh viên ngành dược tại Trường Cao đẳng Y Nghệ An vào năm 2008 (nay là Trường Đại học Y khoa Vinh). Đến nay đã 15 năm trôi qua, dù bận rộn với công việc kinh doanh riêng nhưng tôi vẫn luôn dành thời gian cho công việc “bắc nhịp cầu nhân ái”.
Anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Đình Hồ (xã Kim Song Trường, Can Lộc).
Năm 2020, cùng một số anh chị em yêu thích công tác thiện nguyện, chúng tôi quyết định thành lập nhóm thiện nguyện Minh Tâm Hà Tĩnh để tiếp tục cùng nhau thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng. Sau 3 năm thành lập, tôi cùng nhóm thiện nguyện Minh Tâm đã thực hiện hàng chục đợt vận động cộng đồng đóng góp hàng hóa và tiền mặt trị giá hàng tỷ đồng để giúp đỡ và xây dựng hàng chục ngôi nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn…
Dù công việc vất vả, nhất là các chuyến cứu trợ bà con vùng lũ Cẩm Xuyên (tháng 10/2020) diễn ra cả tháng trời, dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, 2022, hay lũ quét ở Kỳ Sơn (Nghệ An) năm 2022… nhưng tôi và mọi người đều luôn cảm thấy hạnh phúc. Bởi, chúng tôi đã và đang làm nhịp cầu để kết nối những tấm lòng yêu thương của các nhà hảo tâm chia sẻ, hỗ trợ kịp thời bà con lúc hoạn nạn. Tôi cũng may mắn khi có người vợ có chung niềm yêu thích công tác thiện nguyện. Chúng tôi đều tâm niệm rằng, trong cuộc sống, hạnh phúc là sự san sẻ, cho đi những yêu thương.