Ông Cao Đình Lam (thôn 5, xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn): Sợi dây kết nối cộng đồng, tăng sức mạnh đoàn kết.
Ông Cao Đình Lam (xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn).
Là địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa nên trước đây, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong thôn chúng tôi còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, từ tháng 4/2022, sau khi Ngôi nhà trí tuệ thôn 5 ra đời, đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Nhiều hoạt động học tập, vui chơi, giải trí tại ngôi nhà trí tuệ, như: đọc sách, tham gia câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền, dân ca ví giặm... đã thu hút nhiều người dân trong thôn tham gia.
Đặc biệt, thông qua việc học tập và sinh hoạt tại ngôi nhà trí tuệ, các thành viên trong thôn còn có cơ hội cùng nhau nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, xây dựng tình đoàn kết, chung tay thực hiện các phong trào như: xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới… Những ngày này, ngôi nhà trí tuệ càng trở thành địa chỉ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút người dân trong thôn cùng tề tựu sum vầy.
Bà Dương Thị Luyện (thôn 1, khu tái định cư Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh): Gắn kết tình làng nghĩa xóm ở khu tái định cư.
Bà Dương Thị Luyện (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh).
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu tái định cư chúng tôi ngày càng đi vào ổn định và không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, thời gian chúng tôi chuyển đến nơi ở mới chưa lâu, nếp sống, mối quan hệ xóm giềng chưa được như khi còn ở thôn cũ. Trong bối cảnh đó, nhà văn hóa cộng đồng cùng với ngôi nhà trí tuệ ra đời đã tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng, học tập, vui chơi lành mạnh cho người dân.
Tại đây, người cao tuổi như tôi thì tham gia Câu lạc bộ dưỡng sinh hay đơn giản là gặp gỡ trò chuyện cùng nhau, phụ nữ thì tổ chức Câu lạc bộ “5 có - NTM kiểu mẫu”, dân vũ; thanh thiếu niên có phòng đọc sách, sân chơi thể thao… Mỗi buổi chiều, hay ngày thứ 7, chủ nhật, ngôi nhà trí tuệ chúng tôi càng thêm rộn ràng. Ngôi nhà trí tuệ đã giúp người dân trong thôn 1, khu tái định cư Tân Phúc Thành chúng tôi gắn kết với nhau hơn, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, khăng khít.
Bà Phạm Thị Xuân (thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ, Lộc Hà): Diễn đàn để nông dân cùng giúp nhau phát triển kinh tế.
Bà Phạm Thị Xuân (thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ, Lộc Hà)
Là một địa bàn vùng nông thôn, trước đây, những nông dân như tôi rất ít khi được tiếp xúc với sách, báo, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt... Tuy nhiên, ngôi nhà trí tuệ đã giúp chúng tôi có được một môi trường để đọc và tìm hiểu kiến thức.
Đặc biệt, từ ngày có ngôi nhà trí tuệ, 25 thành viên Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” của thôn chúng tôi đã thành lập ra diễn đàn “Cùng nhau tiến bộ”, định kỳ tổ chức diễn đàn 1 tháng/lần. Tại diễn đàn, chúng tôi cùng đọc sách và thảo luận các chủ đề về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, như: tiện lợi và cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò, lợn, gà, kỹ thuật trồng rau vụ đông, trồng cây ăn quả, cách thức phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm... Từ đó, bà con tự nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình.
Anh Trần Tuấn Vũ (Bí thư Chi đoàn thôn Nam Viên, xã Xuân Viên, Nghi Xuân): Môi trường giúp thanh thiếu niên học tập và rèn luyện.
Bí thư Chi đoàn thôn Nam Viên (xã Xuân Viên - Nghi Xuân) Trần Tuấn Vũ
Đối với thanh thiếu niên ở thôn Nam Viên (xã Xuân Viên) chúng tôi, ngôi nhà trí tuệ đã trở thành một địa chỉ học tập, rèn luyện, vui chơi không thể thiếu trong mỗi buổi chiều hoặc những ngày nghỉ cuối tuần. Đến đây, chúng tôi không chỉ được cập nhật, bổ sung kiến thức qua nhiều sách, báo mà còn được sử dụng công nghệ thông tin với các máy tính kết nối mạng để tra cứu tư liệu, hay thảo luận cùng nhau về những chủ đề liên quan đến cuộc sống của người trẻ...
Thời gian qua, tại ngôi nhà trí tuệ, chúng tôi cũng đã tổ chức các lớp học về kiến thức, kỹ năng, năng khiếu, như: Tiếng Anh, mỹ thuật, múa... cho các em thiếu nhi. Các lớp học đã thu hút các bạn đoàn viên, thanh niên được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng hoặc có năng khiếu văn nghệ, mỹ thuật... trong thôn tham gia giảng dạy. Những việc làm này được cấp ủy thôn, các đoàn thể và bà con trong thôn rất ủng hộ, đánh giá cao.