Đại Phán tham gia trang trí tết tại nhà người bạn.
Ở lại Việt Nam vào đúng dịp tết Nguyên đán, nhiều người nước ngoài từng nghĩ sẽ rất cô đơn, thế nhưng, ngược lại với suy nghĩ đó, họ được bạn bè Việt Nam mời về nhà ăn tết, khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam và thêm yêu mến đất nước, con người Việt Nam.
“Ấm áp, vui vẻ và chân thành” là cảm nhận của chàng trai 25 tuổi Trần Đại Phán đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi được đón tết cổ truyền cùng gia đình người bạn tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đại Phán cho biết, do dịch COVID-19 và những quy định cách ly y tế kéo dài khi về nước nên anh quyết định chọn ở lại Việt Nam đón tết tại nhà người bạn.
Mặc dù vốn tiếng Việt anh chưa thực sự giỏi nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, anh đã hòa nhập dễ dàng để đón năm mới an lành, ấm áp tại Hà Tĩnh. Đại Phán chia sẻ: “Cùng đón tết với gia đình người bạn, lần đầu tiên tôi hiểu rõ nét văn hóa của người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng trong dịp tết cổ truyền như: gói bánh chưng, đi lễ chùa đầu năm, thưởng thức các món ăn truyền thống, đi chúc tết… Đó là một cảm xúc thật khác lạ so với những cái tết trước đây. Tết Việt thật khác lạ, không ồn ào, xô bồ mà thay vào đó là một không gian ấm áp tình thân”.
Cũng như Đại Phán, đây là lần đầu tiên anh Shinsuke Arimasa đến từ Nhật Bản đón tết ở Việt Nam và tại Hà Tĩnh.
Anh Shinsuke Arimasa sẽ dành thời gian để khám phá văn hóa, cảnh sắc Việt Nam trong dịp tết.
Tết cổ truyền của người Nhật diễn ra vào ngày 1/1 dương lịch nên việc được trải nghiệm thêm một cái tết trên một đất nước khác đem lại sự thú vị đặc biệt.
Anh Arimasa cho biết: “Vì đặc thù công việc có dự án đầu tư tại KKT Vũng Áng (TX Kỳ Anh) nên năm nay tôi sẽ ở lại Việt Nam. Tôi nhận thấy phong tục đón năm mới của Việt Nam và Nhật cũng có nhiều nét tương đồng. Ở Nhật, kỳ nghỉ năm mới quan trọng nhất trong năm, những ngày đó, mọi người thường đi thăm bạn bè, họ hàng và tranh thủ nghỉ ngơi. Một điều tương đồng khác mà tôi nhận thấy chính là các gia đình Việt hay Nhật đều chuẩn bị sẵn các món ăn cho những ngày tết, đi lễ chùa ngày mồng 1 và lì xì…”.
Chia sẻ dự định của mình trong dịp tết này, anh Arisama sẽ dành thời gian để thăm và dùng cơm ngày tết với một số đồng nghiệp người Việt tại Hà Tĩnh. Đồng thời sẽ thử trải nghiệm ngắm cảnh đẹp ở Việt Nam bằng một chuyến du lịch bằng tàu hỏa từ Đồng Hới (Quảng Bình) vào TP. Hồ Chí Minh.
Hơn 10 năm gắn bó làm việc tại Hà Tĩnh, ông Du Triết Gia (Đài Loan) lần thứ 2 đón tết tại Việt Nam. Người Đài Loan cũng đón tết Nguyên đán cùng lịch âm với người Việt Nam.
Ông Du Triết Gia năm thứ 2 đón tết ở Hà Tĩnh.
Ông Du Triết Gia cho biết: “Vì đặc thù công việc của công ty phải làm xuyên tết nên theo ca trực năm nay tôi ở lại ăn tết tại Hà Tĩnh. Những ngày tết, bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam luôn gửi những lời chúc năm mới và món bánh mứt tết truyền thống của Hà Tĩnh cho tôi.
Tết cổ truyền có thể sẽ giúp cho tôi hiểu hơn về con người nơi đây, là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau, cảm nhận được con người Hà Tĩnh nói riêng, con người Việt Nam nói chung luôn mến khách, ấm áp, giúp cho tôi luôn cảm thấy như đang được ở nhà”.
Tết Nguyên đán là dịp để người Việt đoàn tụ, gắn bó với nhau. Trong thời kỳ hội nhập, ngày tết cũng là cầu nối cho những người đến từ các nền văn hóa khác, hiểu và gắn kết tình cảm với văn hóa và con người Việt Nam hơn. Và tết cổ truyền đối với người nước ngoài ở Hà Tĩnh là dịp để họ gắn kết với nơi họ sinh sống và làm việc.