Tháng 6/2022, Thái Lan chính thức rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân sử dụng cần sa phục vụ mục đích y tế.
Đây là động thái hợp pháp hóa cần sa đầu tiên tại châu Á, trong bối cảnh Thái Lan nỗ lực phục hồi kinh tế, du lịch hậu Covid-19, cũng như tìm chỗ đứng trong thị trường thực phẩm, dược phẩm cần sa đang phát triển.
Gần một năm sau, chính sách này phần nào thành công khi hàng triệu du khách quốc tế đổ xô đến Thái Lan để tham gia “du lịch cần sa”. Bộ Du lịch Thái Lan cho biết thành phố Chiang Mai ở phía bắc đã đón hơn một triệu du khách quốc tế năm ngoái, tăng vọt so với 31.000 du khách năm 2021.
Nhưng đi kèm với đó là những lo ngại của các chuyên gia y tế, nỗi thất vọng của nông dân Thái Lan trước tình trạng nhập khẩu cần sa bất hợp pháp, khiến lời hứa về “một mùa bội thu” tan thành mây khói.
Theo các cuộc thăm dò trước thềm tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5, vấn đề này cũng khiến phe đối lập chỉ trích liên minh cầm quyền vì đã vội vàng thông qua luật hợp pháp hóa cần sa, dẫn đến tình trạng “gây bất lợi cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ”.
Một cửa hàng cần sa ở phố Khaosan, Bangkok, Thái Lan, ngày 29/3. Ảnh: Reuters
Sau gần một năm hợp pháp hóa cần sa, Thái Lan vẫn chưa thiết lập các khung pháp lý rõ ràng về loại cây này. Quốc hội Thái Lan hồi tháng 2 cũng không thông qua dự luật cần sa, khiến giới chức không có luật chung để điều chỉnh việc sử dụng sản phẩm này, vốn được Thái Lan cho phép người dân sử dụng “vì mục đích chữa bệnh”.
Dự luật quy định nông dân và doanh nghiệp Thái Lan sản xuất cần sa quy mô lớn phải xin giấy phép. Chế phẩm từ cần sa chứa hơn 0,2% THC, cũng như cần sa sử dụng cho mục đích giải trí vẫn bị cấm. Bất kỳ ai bị phát hiện sử dụng cần sa để tiêu khiển sẽ phải chịu các bản án theo quy định của pháp luật.
Nhưng do khoảng trống pháp lý, hiện có 3.000 cơ sở kinh doanh cần sa, từ các sản phẩm y tế cho đến cần sa giải trí, mọc lên trên toàn quốc. Tiến sĩ Supat Hasuwannakit, đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Nông thôn, cho biết chính sách hiện tập trung vào góc độ kinh doanh, thay vì mục tiêu ban đầu là quảng bá cần sa y tế.
“Bộ Y tế đã thông qua quyết định hợp pháp hóa cần sa mà không có khung pháp lý nào để điều chỉnh. Mọi người hiện phải đối mặt với rủi ro sức khỏe khi có thể dễ dàng mua cần sa từ các cửa hàng địa phương mà không cần bất kỳ hướng dẫn y tế nào”, tiến sĩ Supat nói.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bác sĩ Tâm thần Thái Lan, nước này ghi nhận hơn 11 triệu người từng sử dụng cần sa để giải trí trong năm 2022, tăng nhiều lần so với 1,89 triệu người vào năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp cho biết khoảng trống pháp lý có nguy cơ làm suy yếu ngành này về lâu dài. “Các quan chức gặp khó khăn trong giải thích và thực thi các quy tắc, khiến việc đăng ký và điều chỉnh gặp vấn đề nếu không có khung pháp lý rõ ràng”, Warit Nimmanahaemind, chủ một doanh nghiệp cần sa ở Chiang Mai, nói.
Công nhân thu hoạch cần sa tại trang trại Amber, Bangkok, Thái Lan, ngày 30/1. Ảnh: AFP
Ngoài tình trạng này, 6 người trong ngành, gồm nông dân và nhà bán lẻ, cho biết lời hứa của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul về nguồn lợi nhuận cao cho nông dân đến từ cần sa “như một loại cây trồng” cũng không thành hiện thực.
Kajkanit Sakdisubha, nhà sáng lập Taratera, công ty điều hành các trang trại và cửa hàng cần sa, cho biết nhu cầu bùng nổ sau quyết định hợp pháp hóa đã khiến nguồn cung cần sa trong nước cạn kiệt, dẫn tới tình trạng nhập khẩu bất hợp pháp, khiến giá bán buôn giảm, gây thiệt hại cho người trồng.
Trong khi đó, ông Anutin khẳng định hành vi nhập lậu bất kỳ bộ phận nào của cây cần sa vào Thái Lan đều bị cấm, song không bình luận về quy mô của thị trường cần sa nhập lậu và tác động đến nông dân.
Chính phủ Thái Lan ghi nhận khoảng 1,1 triệu người đăng ký trồng cần sa, song khó xác định được số người trồng bất hợp pháp. Ba người trong ngành nói ít nhất 1/2 số cần sa đang được bán tại Thái Lan là hàng nhập lậu, song không thể ước tính số lượng hoặc giá trị của chúng.
Tại khu phố du lịch Khaosan nổi tiếng của thủ đô Bangkok, các quầy hàng bán cần sa san sát. Dường như không ai quan tâm rằng cần sa nhập khẩu là bất hợp pháp. “Cần sa trồng tại Mỹ”, một cửa hàng thậm chí còn ghi nơi xuất xứ lên bảng hiệu.
Nhà hoạt động ủng hộ cần sa kiêm nhà bán lẻ Chokwan “Kitty” Chopaka cho biết Mỹ là nguồn cung chính cho số cần sa nhập lậu đang tràn ngập thị trường Thái Lan, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch. “Rất nhiều cần sa Mỹ sẽ đến các điểm bán ở Bangkok, Phuket hoặc Pattaya”, Chopaka nói.
Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ước tính lĩnh vực cần sa, trong đó có các sản phẩm phục vụ mục đích y tế, có thể trị giá 1,2 tỷ USD năm 2025. Nhưng theo Hiệp hội Thương mại Cây gai dầu, nhiều nông dân đang cân nhắc bỏ ngành khi biên lợi nhuận bị thu hẹp. “Mọi thứ đang trở nên khó khăn, mọi người đang vật lộn”, Pornchai Paadmindra, quan chức hiệp hội, cho biết.
Một cửa hàng treo biển hiệu “cần sa trồng tại Mỹ” ở Khaosan, ngày 29/3. Ảnh: AFP
Tình trạng này có thể làm phức tạp thêm rạn nứt trong nền chính trị Thái Lan, khi đảng Palang Pracharat (PPRP) cầm quyền đang hứng chỉ trích từ đảng Pheu Thai đối lập, phe tuyên bố phản đối cần sa.
Chính trị gia Chuwit Kamolvisit, từng sở hữu nhiều cơ sở massage ở Bangkok, công kích Phó thủ tướng Anutin và đảng Bhumjaithai (BJT) của ông khi chiến dịch tranh cử đang nóng lên.
“Đây có phải cây trồng mang lại lợi nhuận cho nông dân không? Không!”, ông Chuwit phát biểu giữa những người ủng hộ cầm biểu ngữ lên án cần sa, trong chuyến thăm gần đây tới một khu chợ ở Bangkok. “Ông Anutin phải chịu trách nhiệm với tư cách là bộ trưởng y tế”.
Thái Lan là quốc gia trồng và sản xuất cần sa lớn trong thập niên 1970-1980, trước khi chính phủ hợp tác với Mỹ tăng cường triệt phá ngành công nghiệp này.
Kể từ đó, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia áp dụng chính sách cứng rắn nhất trong ngăn chặn ma túy và bia rượu. Cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra từng tiến hành chiến dịch truy quét ma túy quyết liệt trong nhiệm kỳ vào đầu những năm 2000.
Con gái ông là Paetongtarn Shinawatra đang trở thành một ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng. Cô đã công khai lên án cần sa là mối đe dọa đối với xã hội Thái, đặc biệt là giới trẻ. Đảng Pheu Thai tuyên bố sẽ hạn chế cần sa, trừ vì mục đích y tế.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Anutin đặt hy vọng vào quy định luật pháp đối với sản phẩm cần sa và đổ lỗi cho các đối thủ chính trị vì những bất cập hiện nay.
“Nếu luật về cần sa được quốc hội thông qua, đảng cầm quyền sẽ nổi tiếng hơn và được nhiều phiếu bầu hơn, nên phe đối lập muốn cản trở. Đây hoàn toàn là một trò chơi chính trị”, ông nói.