Rất dễ tìm thấy thuốc, thực phẩm chức năng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Cách đây không lâu, khi xem livestream trên Facebook quảng cáo về thuốc đông y chữa bệnh men gan cao, gan nhiễm mỡ, anh Trần Trọng T. (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) đã “mạnh tay” chi 5,5 triệu đồng để mua.
Anh T. chia sẻ: Ban đầu tôi chỉ nghĩ xem chứ không mua nhưng càng xem càng thấy họ nói thuyết phục. Người bán còn đưa ra các hình ảnh, chia sẻ của những người được chữa khỏi nên tôi càng tin tưởng và đã chốt đơn đặt mua.
Đoạn ghi âm chia sẻ của anh Trần Trọng T. khi mua thuốc qua facebook
Biết tôi mua thuốc trên Facebook, cháu gái tôi đặt ra cho tôi một số câu hỏi như: thuốc đó có được cơ quan chức năng chứng nhận không, người bán thuốc có là y, bác sĩ gì không thì tôi mới “ngớ người”. Vậy nên, khi nhận thuốc về, tôi chẳng dám sử dụng.
Sản phẩm thuốc đông y chữa bệnh về gan mà anh Trần Trọng T. đã mua với giá 5,5 triệu đồng.
Còn chị Hồng V. – nhân viên văn phòng tại TP Hà Tĩnh đặt mua online hộp collagen có xuất xứ từ Mỹ nhưng khi quét mã vạch, tìm các thông tin liên quan đến sản phẩm thì lại không thấy.
Chị Hồng V. cho hay: “Cách đây không lâu, tôi đặt mua hộp collagen theo một tài khoản Facebook với giá 690.000 đồng. Khi nhận hàng, tôi quét mã vạch sản phẩm qua phần mềm trên điện thoại nhưng không tìm thấy sản phẩm. Nghi ngờ về nguồn gốc, tôi nhắn tin hỏi người bán thì họ bảo 100% là hàng xách tay từ Mỹ rồi sau đó chặn luôn facebook của tôi. Hàng kém chất lượng nếu là quần áo thì chỉ mất tiền, còn thực phẩm chức năng thì dùng không cẩn thận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe”.
Trên mạng xã hội bán đủ các loại thực phẩm chức năng bổ sung dưỡng chất và làm đẹp.
Trường hợp “nhẹ dạ cả tin” như anh T., chị V. không phải hiếm gặp. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung dưỡng chất để bảo vệ sức khỏe và làm đẹp đang trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại không tìm hiểu kỹ nơi mua đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và dễ dàng tin vào những lời quảng cáo.
Thực tế, trên mạng xã hội, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản, ai cũng có thể tìm ra những trang web, địa chỉ bán thuốc, thực phẩm chức năng với những lời quảng cáo “có cánh”.
Bên cạnh đó, còn có những nhóm, hội trao đổi, mua bán thuốc, thực phẩm chức năng mà không cần tư vấn từ những người có chuyên môn. Người mua chỉ cần mô tả các triệu chứng, biểu hiện, tên bệnh hay có nhu cầu mua sản phẩm trắng da, tăng chiều cao... thì các thành viên trong nhóm, hội sẽ trở thành chuyên gia tư vấn dùng thuốc, thực phẩm chức năng gì.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng đang trở thành xu hướng phổ biến.
“Giờ nhiều trang bán thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo là hàng xách tay từ nước ngoài, song người mua thì chủ yếu mua bằng niềm tin chứ không có cách nào kiểm chứng. Hơn nữa, sử dụng những sản phẩm liên quan đến sức khỏe cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia để biết loại nào, hoạt chất nào phù hợp hay không phù hợp với mình” - chị Thùy Linh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) nêu ý kiến.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội cùng sự “đua nở” của các loại thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần có kiến thức, trách nhiệm với việc tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đừng “nhẹ dạ” trước những lời quảng cáo “mật ngọt” của người bán mà “tiền mất, tật mang”.
Người tiêu dùng khi chọn mua hàng online, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe cần lựa chọn kỹ, nên xem xét rõ mặt hàng trước khi mua, tìm hiểu thông tin về công dụng sản phẩm, về doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, địa chỉ mua bán và cần xem các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chứ không nên chỉ nghe qua lời giới thiệu của người bán.