Nhà thờ Đào Hữu Ích - nơi lưu dấu tài đức của một danh sĩ vì dân, vì nước

(Baohatinh.vn) - Những hiện vật được phục dựng và gìn giữ tại nhà thờ Đào Hữu Ích (Hương Sơn, Hà Tĩnh) giúp hậu thế hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một vị danh sĩ tài đức vẹn toàn, vì nước, vì dân.

Trầm tích nhiều giá trị văn hóa

Hữu Bằng xưa (nay là xã Sơn Bằng, Hương Sơn) vốn nổi danh là vùng đất tụ khí, tụ nghĩa với nhiều anh tài, tuấn kiệt, được nhiều đời vua trọng dụng. Trong đó, Thượng thư Đào Hữu Ích (SN 1839) là một nhân vật lịch sử đặc biệt dưới thời Nguyễn. Cụ Đào Hữu Ích thuộc dòng dõi danh nho, lớn lên ở vùng đất hiếu học là thôn Yên Nghĩa, làng Hữu Bằng, tổng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Không chỉ vì nước, cụ còn nổi tiếng bởi đóng góp nhiều công lao cho Nhân dân Hương Sơn nên được Nhân dân trong vùng hết mực kính trọng, ghi ơn. Sau khi mất (1899), cụ được hậu duệ và Nhân dân trong vùng ghi nhớ, lưu truyền danh tiếng và thờ tự chu đáo. Nhà thờ được cụ Đào Hữu Ích xây dựng vào năm Canh Dần (1890), đời vua Thành Thái, trong khuôn viên rộng khoảng 5.000 m2, nay thuộc thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng để thờ tự tổ tiên. Đây là công trình kiến trúc đẹp và cổ kính, thu hút đông đảo Nhân dân trong và ngoài vùng đến tri ân, tham quan.

IMG_7097.jpg
Nhà bái đường của di tích nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích.

Nhà thờ có hướng Tây Bắc, tọa lạc trên vùng đất cao, phía sau dựa lưng vào dãy núi Hoa Bảy (Thất Hoa Sơn), nơi có động Tiên Hoa; phía trước nhà thờ thế đất thấp dần, nhìn ra bàu Bạc tĩnh lặng; xung quanh nhà thờ có đồng ruộng, núi đồi và nhiều cây xanh bao bọc, tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình. Địa thế của di tích được xem là “tả thanh long, hữu bạch hổ”, “tiền chu tước, hậu huyền vũ”, “minh đường thủy tụ”, là nơi hội tụ khí thiêng, nuôi dưỡng khí mạch của đất trời, muôn đời hưng thịnh.

Cùng với địa thế đẹp, di tích nhà thờ Đào Hữu Ích còn có kiến trúc độc đáo. Với thiết kế kiểu chữ Nhị, nhà thờ bao gồm nhà bái đường, sân giữa và thượng đường với tổng diện tích khuôn viên nay còn khoảng 600 m2. Nhà bái đường được làm bằng gỗ mít 5 gian, 6 vì kèo, các chi tiết được trang trí ở nhà bái đường khá tinh xảo. Trên mỗi đuôi kẻ trước và kẻ sau đều chạm khắc những đường nét hoa văn mây, lửa và các chi tiết tùng, cúc, trúc, mai, tượng trưng cho 4 mùa trong năm.

IMG_7102.jpg
Khoảng sân giữa và nhà thượng đường của di tích nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích.

Nằm giữa nhà bái đường và thượng đường, sân giữa tạo nên một nét độc đáo. Sân giữa không chỉ tạo sự thoáng mát cho nhà bái đường mà còn làm nơi nhận ánh sáng mặt trời cho thượng đường, tạo khoảng sâu, thâm nghiêm cho nơi thờ tự. Trung tâm sân giữa là một bể đá nguyên khối lớn, bên trái là một bể đá nguyên khối nhỏ, theo phong thủy là “thủy tụ”. Kế đó, nhà thượng đường được làm bằng gỗ mít và lim, với 3 gian 4 vì kèo, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch vuông.

Đến thăm nhà thờ Đào Hữu Ích, người dân còn được chiêm ngưỡng đa dạng hiện vật cổ được Ban Quản lý di tích và hậu duệ giữ gìn, phục dựng như khánh đá, cáng, trường kỷ, hộp mũ cánh chuồn, câu đối cổ, gương, phản, voi đá, bể đá… của thời Nguyễn.

IMG_2196.JPG
IMG_2233.JPG
Hiện vật “Câu đối cổ triều Nguyễn” (ảnh 1) và chiếc khánh đá (ảnh 2) tại nhà thờ Đào Hữu Ích luôn được các thế hệ con cháu gìn giữ cẩn thận.

Nhà thờ Đào Hữu Ích là một công trình kiến trúc đẹp, thâm nghiêm, tinh xảo, còn khá nguyên vẹn dù trải qua khoảng 140 năm, mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Không đơn thuần chỉ là một di tích cổ kính, nhà thờ danh nhân Đào Hữu Ích còn là nơi ghi dấu nhiều chặng đường trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1953-1954), nhà thờ Đào Hữu Ích được bộ đội ta sử dụng để hội họp, đóng quân (Trung đoàn 280). Nhà thờ còn được trưng dụng thành các lớp bình dân học vụ cho bà con miền Nam tập kết ra Bắc và Nhân dân trong vùng học tập.

z5385677828509_16464c1e1308785b5728691071bdaa3d.jpg
IMG_2212.JPG
Bức đại tự " Tích thiện Đức Thành" (ảnh 1) và gương soi Triều Nguyễn (ảnh 2) tại nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (khoảng năm 1968-1972), Hương Sơn là vùng bị máy bay giặc dội bom vô cùng ác liệt. Nhà thờ trở thành trụ sở của Huyện đội Hương Sơn. Các gian thờ được dùng để chứa vũ khí, đạn dược, quân trang, lương thực; vườn được dựng cứ điểm, làm nhà trực chiến, hầm giao thông... phục vụ công tác chiến đấu chống giặc. Ngày nay, dấu tích những năm tháng chiến tranh ấy không còn nhưng các thế hệ con cháu và người dân trong vùng vẫn thường kể lại cho nhau nghe với một niềm tự hào lớn lao…

Cần mở rộng di tích, phát triển thành điểm tham quan du lịch

Với những giá trị lịch sử, văn hóa cùng nhiều hiện vật còn được lưu giữ, di tích nhà thờ Đào Hữu Ích đã được xếp hạng là di tích quốc gia (năm 2015). Hiện nay, với nỗ lực của Ban Quản lý di tích và hậu duệ, nhà thờ gần như được gìn giữ nguyên vẹn. Ở đó, du khách như lạc vào một bảo tàng đa dạng kỷ vật của thời Nguyễn, được soi mình trước tấm gương hiếu học và nghị lực từ việc xuất thân trong một gia đình nghèo, mồ côi, rồi vươn lên trở thành một vị quan tài đức rực sáng qua những câu chuyện và những trang sử liệu, được thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ công lao của một vị thượng thư vì nước, vì dân. Nơi đây đã trở thành địa chỉ để các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đồng thời, đáp ứng nhu cầu văn hóa của Nhân dân.

z5385807967437_d1414166fcec3b3e75bdb3e8daea5442.jpg
Các hiện vật tại nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích: Ảnh 1 - Bản in mộc bản triều Nguyễn; Ảnh 2 - Mộc bản triều Nguyễn; Ảnh 3 - Bàn đá triều Nguyễn; Ảnh 4 - Đòn cáng bằng tre và bằng gỗ chạm rồng thời Nguyễn (phí trên 2 văn bằng)

Tuy nhiên, nhiều người dân khi đến tham quan di tích đều mong muốn nhà thờ được chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa để cải tạo cảnh quan, xứng tầm với công lao của danh nhân. Trong đó, điều cần thiết nhất là cải tạo lối đi. Hiện nay, di tích đang phải đi chung ngõ với nhiều nhà dân, lối đi chật hẹp, không có chỗ đỗ phương tiện. Bên cạnh đó, phía trước nhà thờ không có nhiều không gian để tổ chức các hoạt động đông người.

z5385672142150_93df0f5c36ef3bd780f8319604c07526.jpg
Phục hồi cổng, lối vào, khuôn viên di tích nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích như thuở ban đầu, thuận lợi cho khách tham quan là mong muốn của con cháu họ Đào và người dân xã Sơn Bằng.

Ông Đào Duy Sính (SN 1938) - cháu đời thứ 5 của cụ Đào Hữu Ích cho biết: “Nguyện vọng của hậu thế là có thể phát triển di tích trở thành điểm đến du lịch văn hóa, trong đó, sẽ xây dựng nhà lưu niệm để trưng bày các hiện vật của cụ Đào Hữu Ích để lại; mở rộng diện tích nhà thờ để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và du khách”.

Tại buổi tọa đàm về thân thế, sự nghiệp Thượng thư Đào Hữu Ích (9/10/2022), nhiều ý kiến tham luận cũng đã bày tỏ mong muốn phục hồi cổng, lối vào, khuôn viên như thuở ban đầu, thuận lợi cho khách tham quan (không gian xưa khoảng 5.000 m2 nhưng nay chỉ còn 600 m2). Đồng thời, có phương án tôn tạo khu mộ (cách nhà thờ 200m) xứng tầm.

z5341735845717_86560a30f9b0a2e00d46bbe0d0716b06.jpg
Ông Đào Duy Sính (ở giữa) - cháu đời thứ 5 của cụ Đào Hữu Ích và con cháu mong muốn có thể phát triển di tích nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích trở thành điểm đến du lịch văn hóa.

Ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Thượng thư Đào Hữu Ích là danh sĩ tài đức vẹn toàn, là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ con cháu noi theo học tập. Với những đóng góp của cụ Đào Hữu Ích và nhiều hiện vật còn được lưu giữ tại nhà thờ, địa phương mong muốn xây dựng nhà lưu niệm để gìn giữ truyền thống, đồng thời, đưa di tích trở thành điểm đến văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như du khách gần xa”.

Thời thế tạo anh hùng - anh hùng sinh thời thế”, chữ “thời” ở đây ứng vào cụ Đào Hữu Ích một cách trọn vẹn. Thời của cụ là một thời cực kỳ khó khăn của đất nước. Vua Tự Đức băng hà năm 1883, để lại một giang sơn rối bời, ngoại bang đô hộ. Cụ là một trong những người được chọn ra để ghé vai gánh vác. Chữ “thời” ở đây, cụ đã vận dụng rất sáng tạo, nương theo, tỏa dược các ảnh hưởng, các giá trị của mình, để giúp cho thế sự. Rất khó nhưng “cụ Thượng Đào” đã làm được. Điều đáng nói, làm quan ở các miền đất nước nhưng cụ vẫn đau đáu một nỗi niềm và đến lúc từ quan về với quê nhà, cụ hết lòng vì dân, giúp đỡ dân, thương yêu dân, cưu mang dân. Khi người dân Hương Sơn gặp khó khăn, chính nhờ cụ chở che mà thoát khỏi tai ương, thảm sát.

Nhà sử học Lê Văn Lan (phát biểu tại buổi tọa đàm về thân thế, sự nghiệp Thượng thư Đào Hữu Ích, ngày 9/10/2022.

Video: Nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích tại xã Sơn Bằng (Hương Sơn).

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.