Ngày 19/4, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 chủ cơ sở sản xuất giá đỗ tại thành phố Vinh về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trước đó, lực lượng chức năng đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở này và phát hiện gần 2.000 thùng giá đỗ các loại với tổng khối lượng lên đến 25 tấn. Tang vật thu giữ còn bao gồm 25 lít hóa chất "nước kẹo" nguyên chất (6-Benzylaminopurine) và 150 lít dung dịch đã pha chế để ngâm, tưới cho giá đỗ.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định các đối tượng đã sử dụng "nước kẹo" để giá đỗ nảy mầm nhanh, cọng to, mập, rễ ngắn và có hình thức bắt mắt hơn. Từ đầu năm 2024 đến khi bị phát hiện, các cơ sở này đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ "bẩn".
Trước đó, tại Đắk Lắk, Công an tỉnh này cũng đã khởi tố 4 vụ án và bắt tạm giam 4 đối tượng tại thành phố Buôn Ma Thuột về hành vi tương tự. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trị giá khoảng 400 triệu đồng.
Điều đáng phẫn nộ là các đối tượng này đã tiêu thụ khoảng 2.900 tấn giá đỗ "bẩn" trong năm 2024, trung bình mỗi ngày từ 8 - 10 tấn. Đặc biệt, một cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng cung ứng giá đỗ cho hệ thống siêu thị với số lượng lớn từ 350 - 400kg mỗi ngày. Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng còn trắng trợn dán nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" lên bao bì sản phẩm.
Tại Hà Tĩnh, khi có thông tin về việc giá đỗ ngâm hóa chất ở Nghệ An được phân phối đến các chợ dân sinh trong tỉnh để tiêu thụ, nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Chị Lương Cẩm Trang (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Từ ngày báo chí đưa tin, tôi chẳng dám mua ăn nữa. Trước đây, thấy cọng giá trắng muốt, mập mạp thì thích mắt, giờ lại dấy lên bao nhiêu nghi ngờ".
Không chỉ các bà nội trợ mà nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Tĩnh cũng tỏ ra thận trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn cung cấp giá đỗ. Thay vì chỉ chú trọng vào giá thành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giờ đây đặt yếu tố an toàn và nguồn gốc xuất xứ lên hàng đầu.
Dạo quanh các chợ ở Hà Tĩnh sau 2 vụ giá đỗ tẩm hoá chất 6-Benzylaminopurine vừa được phát hiện, theo ghi nhận, việc tiêu thụ có chậm hơn trước.
Bà N.T. H - tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh, chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán được cả chục cân giá đỗ, nhưng giờ đây, việc kinh doanh khó khăn hơn. Khách hàng bây giờ rất tinh ý, chỉ cần nhìn vào giá đỗ là họ có thể nhận biết được ngay. Cứ thấy cọng nào trắng bạch, lại còn mập mạp bất thường là họ liền lắc đầu từ chối. Thậm chí, có người còn mang cả hình ảnh giá đỗ bị ngâm hóa chất ra để so sánh. Tôi phải mất rất nhiều thời gian để giải thích, thậm chí phải dùng đến uy tín cá nhân để khách hàng tin tưởng vào sản phẩm của mình.”
Việc sử dụng trái phép chất cấm 6-Benzylaminopurine trong quá trình sản xuất giá đỗ không chỉ là hành vi gian lận, đi ngược lại quy định của pháp luật mà còn đặt ra những hiểm họa khó lường cho sức khỏe cộng đồng. Bản chất là một chất kích thích tăng trưởng thực vật, 6-Benzylaminopurine tuyệt đối không được phép có mặt trong thực phẩm tiêu dùng. Do đó, việc vô tình tiêu thụ phải giá đỗ chứa hóa chất này có thể gây ra những phản ứng cấp tính như buồn nôn, đau bụng quằn quại, tiêu chảy liên tục và cảm giác chóng mặt khó chịu.
Nguy hiểm hơn, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, chất 6-Benzylaminopurine có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng đến gan và thận, dẫn đến suy giảm chức năng gan, viêm gan mãn tính, suy thận và thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày và đường ruột.
Bác sĩ Hoàng Quỳnh Thơ - Phụ trách Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Chất 6-Benzylaminopurine có thể ức chế hoạt động của hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như mất ngủ triền miên, căng thẳng thần kinh kéo dài và tình trạng mệt mỏi không dứt. Bên cạnh đó, chất này còn tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, việc tiêu thụ giá đỗ ngâm hóa chất có thể dẫn đến những bất thường trong sự phát triển của thai nhi, thậm chí làm tăng nguy cơ sảy thai…”.
Để kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn việc sử dụng hoá chất cấm trong sản xuất giá đỗ nói riêng và thực phẩm nông lâm thuỷ sản nói chung trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai một số biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức truyền thông. Đồng thời, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ có sản lượng lớn. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra quy trình sản xuất và nguồn gốc sản phẩm, nhất là giá đỗ…
Chia sẻ về cách phân biệt giá đỗ ngâm hóa chất, ông Lê Tùng Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Bằng mắt thường, người tiêu dùng nên lựa chọn những mẻ giá đỗ có thân gầy, mảnh, màu sắc hơi nâu nhạt và phát triển không đồng đều. Rễ giá có màu nâu, nhiều lông tơ, lá mầm nhỏ thường dính vào vỏ đậu và có mùi thơm tự nhiên của đậu. Trái lại, cần cảnh giác với những loại giá đỗ có thân to tròn, mập mạp, trắng nõn và đều tăm tắp, bởi đây rất có thể là loại đã được ngâm chất kích thích tăng trưởng.
Khi sử dụng, giá đỗ ngâm hóa chất thường có cảm giác xốp, khô, không có mùi thơm đặc trưng của giá đỗ tự nhiên, thậm chí có thể ngửi thấy mùi hắc khó chịu và vị nhạt, không ngọt. Ngoài ra, giá đỗ ngâm hóa chất có thể để được rất lâu mà không bị hỏng, khi bẻ thân sẽ thấy nhiều nước và độ xốp bất thường. Ngược lại, giá đỗ an toàn thường nhanh bị hỏng và tỏa ra mùi thơm đặc trưng khi xào nấu. Hơn hết, người tiêu dùng nên mua giá đỗ tại những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đáng tin cậy để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình".